(GD&TĐ) - Đến hẹn lại lên mùng 7/1 Tết từng dòng người lại nườm nượp về với chợ Viềng Nam Định. Người ngại đi đêm thì chỉ đi Viềng Chùa ở Nam Trực, còn không ngại thì đi Viềng Phủ ở Kim Thái, Vụ Bản. Năm nay, trời chiều lòng người thời tiết nắng ấm nên từ sớm Viềng Chùa ở Nam Trực đã tấp nập người xe, du khách từ các tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, xa hơn có cả người miền Trung, miền Nam tới du xuân, xem hội. Người gần làm nghề nông thì mua sắm nông cụ, cây giống để xuống đồng. Dân thành thị thì chọn mua cây cảnh, đồ cổ về để trưng trong nhà. Người ta đi chợ mang tâm lý chung, khác với phiên chợ thông thường, họ đi Viềng còn là để “bán rủi mua may”.
Hàng nông cụ bày bán ở Viềng |
Không chỉ nhiều người cao tuổi mà không ít nam thanh nữ tú năm nay cũng chọn Viềng Chùa. Trước là họ đi lễ chùa Đại Bi thờ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, sau là đi chợ phiên có đặc trưng riêng là nơi bày bán nhiều đồ cổ, giả cổ. Chiều ngày mồng 7 Tết, có mặt tại chợ Viềng Chùa, cả trăm quầy hàng bán đồ cổ, đồ giả cổ. Người đi chợ thì đông, nhưng người bỏ tiền ra mua đồ thì ít. Thầy giáo Hùng ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định, vòng qua vòng lại ngắm chiếc quạt tai voi có từ đầu thời bao cấp. Dù đã rất thích, nhưng ông vẫn chưa quyết mua được. Không biết có phải đã về hưu nên bỏ một món tiền không nhỏ ra nên phải cân nhắc nhiều, hay kinh tế khó khăn cũng đang ảnh hưởng tới cuộc sống của ông giáo già.
Ông Hùng tâm sự, tôi đã từng học ở Liên Xô cũ, nghỉ hưu đã lâu, nhìn chiếc quạt tai voi lại nhớ ngày những ngày khó khăn của thời bao cấp, mua được chiếc quạt tai voi về cho vợ con dùng, nhưng cuối cùng cũng lại không dám dùng mà .. bán đi để dành cho những chi tiêu khác cần thiết hơn cho gia đình. Giờ nhìn lại muốn mua, nhưng nó có giá bằng chiếc quạt Nhật mới, lại tiếc. Nhưng chắc cũng mua thôi, mua để nhớ về một thời khó khăn nhưng đầy ý nghĩa – ông cười nói.
Trò đỏ đen nhan nhản ở Viềng Phủ |
Những người như ông giáo Hùng cặm cụi đi mỗi phiên Viềng chỉ để cố tìm đi tìm những món đồ cũ, gợi nhớ dĩ vãng đã dần hiếm hơn ở những phiên Viềng. Đành một lẽ người xưa hiếm, nhưng còn một lý do nữa là đồ cổ thật hay đồ cũ ở những phiên chợ này cũng ít dần, thay vào đó là đồ giả cổ, với vẻ bề ngoài bắt mắt, giá thành rẻ, thế nên được bán khá chạy và nhiều khách chọn mua khi tới chợ Viềng Chùa.
Chiều tối, tiếp tục theo dòng người, dòng xe chúng tôi sang Viềng Phủ hay còn gọi là chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành. Có tên gọi là Viềng Phủ vì chợ nằm ở nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nếu Viềng Chùa nổi tiếng ở đồ cổ và đồ giả cổ thì người ta đi Viềng Phủ có lẽ nặng về tâm linh, vừa là đi chợ phiên “bán rủi, mua may” và cũng là đi lễ phủ Chúa cầu bình an, phú quý cho năm mới. Trên khắp các nẻo đường Phủ, cảnh hầu đồng có ở khắp nơi, người đi lễ cầu xin tài lộc nườm nượp. Người thì dâng sớ cầu an, kẻ thì gieo quẻ lấy may, dòng người thành kính khấn vái. Từ trong phủ Chúa đi ra, nhiều người trên tay cũng cầm cành vàng lộc, gương mặt đầy hỉ hả, dường như phủ Chúa đã giúp cho những khó khăn về kinh tế trong năm qua đã quá vãng đối với họ, ít ra là trong những ngày xuân tết đến này.
Thịt bê là món được nhiều du khách chọn mua vì quan niệm mày đỏ là hên |
Rời phủ Chúa chúng tôi đến Viềng, lúc này dòng người xe đã tắc nghẽn, Viềng Phủ nằm ở bãi đất trống. Cũng như các Viềng khác, Viềng Phủ cũng tràn ngập cây cảnh, đồ nông cụ và thịt bê – đặc trưng nhất của mỗi phiên Viềng. Và ngoài những mặt hàng trên thì Viềng những năm gần đây cũng xuất hiện đủ thứ hàng gia dụng của ... Trung Quốc. Có lẽ giờ đây người đi Viềng không chỉ mua hoa, cây cảnh, đồ nông cụ hay thịt bê mà có thể mua đủ thứ dùng cho nhu cầu của mình.
Nếu như theo tập quán cũ, người ta đi Viềng để “bán rủi, mua may”, thì có lẽ đặc trưng này giờ đã phai nhạt. Người ta đi Viềng cũng vẫn là để cầu may trong năm mới, mong muốn sản xuất gặp mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt quanh năm. Nhưng người ta cũng đi Viềng để tranh thủ kinh doanh, không khỏi có cảnh mua khỏi cây giả, bị mua đắt ở phiên Viềng này. Và cũng như mọi năm, trong ánh đèn tranh tối tranh sáng, tệ cờ bạc không giảm, các trò chơi theo kiểu chiếc nón kỳ diệu hay tôm cua cá có ở khắp nơi, nhưng không thấy cơ quan quản lý nào.
Lại một năm mới đã đến, thêm một phiên Viềng nữa, bỏ qua những hạt sạn thì mỗi phiên Viềng đang ngày một thu hút đông người tham gia. Người đi các phiên Viềng đã được sống trong không khí tâm linh, cầu may cho xuân mới.
Hạ An