Trong hành trình mà chúng tôi đã đi qua, biết bao nhiêu gương mặt thầy cô giáo là biết bao những tấm lòng tận tâm vì sự nghiệp ươm trồng mầm xanh cho đất nước.
Dành trọn tuổi xuân cho bản mường
Tình nguyện gắn bó với vùng cao mang cái chữ đến cho con em dân bản là đồng nghĩa với việc chấp nhận những thử thách gian truân nơi núi rừng. Với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt cộng thêm những thiếu thốn trong sinh hoạt, khiến cho công việc gieo chữ của các thầy cô giáo càng thêm khó nhọc. Nhiều thầy cô khi lên với vùng cao từ lúc mái tóc còn xanh, vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại mái đầu đã điểm sợi bạc. Song không lúc nào, họ nguôi bớt niềm trăn trở về một ngày mai con đường đến lớp của những trẻ em người dân tộc rồi sẽ tươi sáng hơn.
Trong chuyến công tác lên Cao Bằng, thật tình cờ chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với cô Vũ Thị Thúy nguyên Phó phòng Giáo dục tiểu học của tỉnh. Gần 35 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục cũng là thời gian cô gửi gắm tình cảm, tâm huyết của mình cho những học trò thân yêu.
Ngay những ngày đầu rời mái trường sư phạm, cô giáo trẻ đã được nhận nhiệm vụ lên với vùng cao. Cái nghèo cái đói bám riết lấy cuộc sống của dân bản, bởi vậy việc học hành của những đứa trẻ nơi đây bỗng trở nên xa vời… Thương những đứa trẻ thiếu ăn, thiếu mặc lại nghèo cái chữ, cô đã cùng những đồng nghiệp của mình kiên trì làm công tác phổ cập.
Hàng ngày đi bộ, vượt dốc, vượt qua những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, mồ hôi ướt đẫm lưng áo để mong nhận được sự đồng thuận của bà con dân bản. Cô tâm sự, nhiều khi cuốc bộ cả một ngày đường vất vả là thế, nhưng khi gặp được phụ huynh rồi thì lại nhận được những lời đáp: “Cái mày cho nó đi học, nhưng tao còn bận làm nương. Cái mày có gì cho nó ăn không?”… Buồn đấy! nhưng dường như điều này lại khiến các thầy cô càng thương những đứa trẻ vùng cao hơn và nuôi thêm quyết tâm bằng mọi giá phải dạy cho các em biết chữ.
Học trò của các thầy cô đều là người dân tộc Tày, Nùng, Dao nên gia đình các em thiếu thốn lắm. Tuy nhiên, nếu trẻ em không no cái bụng khi tới thì chẳng chóng thì chày chúng cũng bỏ học. Thế là vừa dạy chữ, những giáo viên cắm bản lại kiêm thêm việc tìm nguồn viện trợ từ những điểm trường gần thành phố, thị trấn bớt khó khăn hơn.
Những chiếc lá lành hơn lại cưu mang giúp đỡ những chiếc lá còn thiếu thốn. Bản thân các thầy cô luôn làm gương để bà con dân bản cùng noi theo. Miệng nói tay làm, những phần tiền lương ít ỏi của các giáo viên lại được gom góp để các em có thêm bát cơm, manh áo lúc đông về. Việc thầy cô hết giờ dạy lại xắn tay áo nấu ăn trưa cho các em, rồi lại say sưa ôn luyện tiếng Việt, dạy các em làm toán là những công việc quá đỗi thân quen ở mỗi điểm trường. Dần dần, bà con dân bản cũng hiểu được cái tình của các thầy cô mà động viên con em tới lớp đều đặn hơn…
Không chỉ có những giáo viên miền xuôi mới lên đây cắm bản, mà các thầy cô giáo là người dân tộc cũng đều cố gắng tiếp thu thật nhiều kiến thức để mong truyền lại cho những thế hệ kế tiếp mình. Thầy Hoàng Phúc Gọn, giáo viên người dân tộc Tày ở điểm trường tại Bản Thuôn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là một trong số những giáo viên như thế.
Những ngày đầu, mặc dù chưa được học qua trường lớp sư phạm nào, nhưng xuất phát từ tình thương những đứa trẻ không biết chữ mà anh thanh niên Hoàng Phúc Gọn đã tự đứng lên xin với xã mở lớp, mong được dạy chữ cho con em của bản mình. Lớp học đông dần, thầy giáo bản dần được ngành Giáo dục biết đến và cử đi học tại trường sư phạm của tỉnh. Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm thầy Gọn miệt mài dạy chữ cho biết bao thế hệ học trò. “Dõi theo các em ngày càng trưởng thành rời bản đi học ở trường nội trú dưới tỉnh, rồi đi học đại học dưới Hà Nội là mình cảm thấy hạnh phúc vì đã góp phần nâng bước tương lai cho các em” - đó là điều mà thầy chia sẻ với chúng tôi.
Cùng vượt khó, sáng tạo
“Nếu không có lòng yêu nghề, mến trẻ thì các thầy cô khó lòng có thể bám trụ và làm tốt công tác giảng dạy của mình” - Cô Trần Thùy Vân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã tâm sự về điều này. Hơn ai hết những thầy cô đảm đương trọng trách quản lý lại càng phải trăn trở nhiều hơn trong mỗi việc làm hàng ngày.
Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận, học sinh người dân tộc chiếm tới 98% nên sự nghiệp giáo dục nơi đây gặp nhiều rào cản. Điều gây cản trở lớn nhất trong việc vận động trẻ em người dân tộc ra lớp, chính là nhận thức của đại đa số nhân dân về giáo dục chưa rõ, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Song muốn cộng đồng cùng vào cuộc thì chính mình phải vận động trước chứ không thể đứng yên.
Bởi vậy, nhiều chương trình sáng tạo được áp dụng sâu rộng trong toàn huyện đã thúc đẩy sự đi lên của giáo dục địa phương. Chiến dịch Mùa hè xanh vì học sinh thân yêu được phát động đã mang lại kết quả trong toàn cộng đồng. Thông qua hoạt động này, người dân hiểu thêm về những công việc mà các thầy cô đang làm chính là vì con em của họ. Vì vậy họ thêm tin yêu và chung tay góp sức cùng ngành Giáo dục. Việc làm nhà ăn, bếp ăn, mua sắm các đồ chơi vật dụng cho học sinh - sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất đã có sự hưởng ứng từ công tác xã hội hóa một cách đều đặn chứ không phải theo tính chất phong trào.
Bên cạnh đó các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá nhằm tăng cường vốn tiếng Việt, giúp các em làm quen với các sân chơi trí tuệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và rèn các kỹ năng sống cho các em. Các kỹ năng giao tiếp, trình bày, hợp tác, tự phục vụ thông qua các câu lạc bộ trong nhà trường (câu lạc bộ nhiếp ảnh, thể thao, Mỹ thuật, nghệ nhân nhí...) được tổ chức với nhiều hình thức phong phú; Các hội thi: Hát về quê hương Bác Ái, rung chuông vàng, những mốc son lịch sử; hội chợ trưng bày sản phẩm của học sinh giáo viên và phụ huynh, ngày hội đến trường, đêm hội trăng rằm đều có sự tham gia của cộng đồng.
Ngành phát động phong trào hũ gạo tiết kiệm trong các bếp ăn tập thể của phòng và các trường học để hỗ trợ cho học sinh học 2 buổi/ngày nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn cho các em... Những việc làm đầy ý nghĩa này đang được tập thể giáo viên và cộng đồng nhân rộng với mong ước cho các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.