Dị ứng và những nhầm lẫn chết người

Dị ứng và những nhầm lẫn chết người

(GD&TĐ) - Dị ứng là bệnh khá phổ biến ở nước ta, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng có tỷ lệ mắc cao. Điều đáng nói ở chỗ, nhiều bệnh nhân và một số bác sĩ, dược sĩ vẫn có sự nhầm lẫn giữa bệnh cảm cúm với dị ứng, trong đó có viêm mũi dị ứng khiến chỉ có 30% - 50% bệnh nhân mắc bệnh trên sử dụng đúng thuốc đặc trị.

Bệnh của phụ nữ, trẻ em

Cậu bé Đặng Quang Minh 7 tuổi (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) được mẹ đưa đi khám vì bé thường xuyên trong tình trạng thò lò mũi xanh. Chị Nguyễn Thanh Phượng, mẹ bé cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, Minh đã mắc bệnh về đường hô hấp, đặc biệt mỗi khi thời tiết thay đổi, cháu có biểu hiện khó thở, chảy nước mũi. Dù đã dùng nhiều thuốc nhưng bệnh tình chỉ thuyên giảm chứ không hết… Bé Linh con anh chị Hùng- Tuyết (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) lại bị dị ứng với sữa bò và trứng. Anh Hùng giãy bày: Thời điểm ăn dặm của bé là nỗi kinh hoàng với các thành viên trong gia đình bởi sau mỗi bữa ăn, cả nhà phải nín thở chờ xem bé có bị dị ứng, lên cơn co giật không. Sau 2 năm theo dõi, bác sĩ mới có kết luận cuối cùng là bé bị dị ứng sữa bò và trứng. Từ đó, chỉ cần tránh hai tác nhân gây dị ứng trên trong mọi bữa ăn là bé không còn triệu chứng đáng sợ nữa.

Trẻ nhỏ dễ bị dị ứng với thức ăn và thời tiết. Ảnh: V. Văn
Trẻ nhỏ dễ bị dị ứng với thức ăn và thời tiết.        Ảnh: V. Văn

Theo ông Đinh Duy Thếnh, Phó Ban Chăm sóc sức khỏe - Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, dị ứng là bệnh phổ biến ở nước ta. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi môi trường ngày càng ô nhiễm, khí hậu thường xuyên thay đổi đột ngột, các tác nhân gây dị ứng cũng xuất hiện nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người. Còn theo BS  Lê Thị Xuyên (Trung tâm Y tế Bộ GTVT), viêm mũi dị ứng là bệnh phổ biến nhất ở những người có cơ địa dị ứng. Trẻ nhỏ và phụ nữ mắc bệnh liên quan đến dị ứng nhiều hơn nam giới. 

Bệnh nhẹ nhưng có thể dẫn tới tử vong

Dị ứng là một trong những hình thức của chứng quá mẫn cảm. Theo BS Xuyên, nguyên nhân gây dị ứng có thể ở trong không khí, thức ăn, hóa mỹ phẩm, thuốc và nọc độc của côn trùng (ong, muỗi, kiến…). Đa phần mọi người bị dị ứng ở thể nhẹ, gây ra các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi. Điều đáng lo ngại là nhiều người khi bị các triệu chứng như ngạt mũi, hắt hơi sổ mũi đã tự mua thuốc về uống hoặc đi khám không đúng chuyên khoa nên tuy đã dùng nhiều đơn thuốc mà không khỏi.  Cũng có người lạm dụng thuốc chống dị ứng mạnh (corticosteroid) trong thời gian dài nên bị tác dụng phụ như loãng xương, tiểu đường, dạ dày, đục thủy tinh thể, yếu cơ.... Cũng theo BS Xuyên, không chỉ có người dân thiếu kiến thức về bệnh mà không ít bác sĩ có sự nhầm lẫn giữa bệnh dị ứng và cảm cúm bởi chúng có các triệu chứng giống nhau (liên quan đến mũi). Đây là lý do tại sao chỉ có 30-50% người bị dị ứng được kê đúng thuốc đặc trị. 

Người có cơ địa dị ứng đa phần ở thể nhẹ nhưng nói như vậy không có nghĩa là chủ quan khi mắc bệnh, BS Xuyên khuyến cáo.  Nhiều bệnh nhân có cơ địa dị ứng mà không biết, không tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh thường có cảm giác khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc gặp tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, sự nhẫm lẫn giữa bệnh dị ứng với cảm cúm sẽ  dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh còn có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng của người có cơ địa dị ứng. Do vậy, khi có biểu hiện hắt hơi, xổ mũi kéo dài quá 5 ngày, không sốt, không đau nhức cơ thể, người dân nên đi khám ở chuyên khoa dị ứng, miễn dịch lâm sàng để được tư vấn cách điều trị, phòng bệnh hiệu quả.

- 1.000 người dân ở Hà Nội và TP HCM được khám và tư vấn miễn phí bệnh viêm mũi dị ứng và các bệnh da do dị ứng. Chương trình trên do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cty Merck Sharp& Dohme tổ chức nhằm nâng cao kiến thức của người dân về các bệnh trên;

- Dị ứng là tình trạng cơ địa mẫn cảm của mỗi người, có tính chất gia đình. Do vậy, cần tìm ra nguyên nhân cụ thể để có cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả.

M. Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ