(GD&TĐ) - Hôm nay (9/11), tại TP Bến Tre đã diễn ra Hội nghị giao ban lần I các sở GD&ĐT vùng 6, các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, năm học 2012-2013.
Trong hội nghị giao ban lần này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trương đổi mới hội nghị, tập trung vào một số chuyên đề bức xúc nhằm tìm giải pháp tháo gở khó khăn cho ngành giáo dục trong vùng như: giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xóa trường lớp tạm bợ, chấn chỉnh vấn đề dạy thêm, học thêm, tìm ra nguyên nhân học sinh bỏ học ở cấp THPT, giải pháp kết quả phân luồng học nghề sau THCS…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Báo cáo tổng hợp của ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc sở GD&ĐT Bến Tre, trưởng vùng thi đua nêu bật một số thành tựu và những khó khăn của ngành giáo dục trong khu vực.
Trong năm học này, quy mô học sinh trên toàn vùng ở tất cả các cấp đều tăng. Tuy nhiên một số tỉnh quy mô học sinh THCS và THPT có giảm như Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Long An.
Tổng số phòng học được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học này 2.647 phòng với kinh phí 1.765 tỷ đồng. Nâng cấp sửa chửa 9.769 phòng học, với kinh phí 376 tỷ đồng. Xây 432 nhà công vụ cho giáo viên, với kinh phí 47 tỷ đồng.
Mặc dù đã dồn nguồn kinh phí cho kiên cố hóa trường lớp, nhưng cơ sở vật chất trường lớp trong vùng còn khó khăn. Tổng số phòng học tạm, mượn 5.465 phòng. Trong đó Sóc Trăng có 1871 phòng, Cà Mau 1160 phòng.
Tình hình học sinh bỏ học có giảm, nhưng còn ở mức cao. Bỏ học trong hè tiểu học 0,25%, THCS 1,52%, THPT 2,09%. Bậc TH Cà Mau có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất 1,06%, THCS Kiên Giang tỉ lệ bỏ học nhiều nhất 2,68%, bậc THPT bỏ học nhiều nhất ở Sóc Trăng 3,26% và Long An 3,01%.
Nguyên nhân bỏ học chủ yếu là học sinh theo gia đình đi làm ăn xa, một số đi học nghề ngắn hạn đi làm ở các khu công nghiệp, đi biển, đi lao động trong nông nghiệp…
Kinh phí đầu tư cho bậc học MN ở các tỉnh trong khu vực còn hạn chế, ảnh hưởng đến đề án phổ cập MN 5 tuổi. Tình trạng thừa thiếu giáo viên, giáo viên MN, TH, trong khi giáo viên THCS, THPT thừa là vấn đề trăn trở.
Các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề bức xúc hiện nay của ngành giáo dục ĐBSCL đó là:
Một là vấn đề cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các viên chức phục vụ trong ngành nhưng chưa có chế độ phụ cấp tương xứng. Biên chế ở các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT còn thiếu, chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao. Cơ chế ưu tiên cho vùng trong chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đề án phổ cập MN 5 tuổi.
Hai là vấn đề học sinh bỏ học không còn ở chỗ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hay học sinh mất căn bản mà ảnh hưởng sâu hơn vào việc làm, thu nhập trong xã hội hiện đại.
Ở Kiên Giang, học sinh 12-13 tuổi bỏ học để làm ngư phủ có thu nhập cao, các tỉnh có khu công nghiệp thì học sinh hết THCS đi làm lao động phổ thông để có thu nhập, thay vì học trung cấp nghề, học cao đẳng, đại học khó tìm việc làm.
Để đối phó với tình trạng học sinh bỏ học, An Giang có mô hình vận động toàn xã hội hỗ trợ cho 40.000 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học vào đầu năm học, với mỗi suất hỗ trợ 500.000 đ từ nguồn huy động xã hội 27 tỉ đồng.
Bạc Liêu có mô hình học sinh học xong THCS vào học lớp GDTX, vừa học nghề, vừa học văn hóa, sau 3 năm có 2 bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Đây là giải pháp phân luồng học sinh khá hiệu quả, đã triển khai ở 3 huyện.
Ở An Giang, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, 20% học nghề, 80% tiếp tục học THPT. Có thể phân luồng mạnh hơn nhưng tỉ lệ trường nghể, trường trung cấp chuyên nghiệp còn quá ít.
Ba là, quản lý dạy thêm, các tỉnh đồng bằng thực hiện quyết liệt. Tỉnh Đồng Tháp tham mưu với UBND tỉnh ra chỉ thị. Hai tháng đầu thực hiện có rất nhiều phản ứng tiêu cực. Nhất là ở bậc tiểu học, phụ huynh có nhu cầu gửi con 2 buổi/ngày nên giáo viên nhận học sinh buổi chiều về nhà riêng với lý do dạy “kỹ năng sống”, nhưng Sở GD&ĐT ra quân giải quyết dứt điểm nên đã đi vào nề nếp.
Thứ tư, về kỳ thi tốt nghiệp THPT, các đại biểu nhất trí rằng kỳ thi năm 2012 có rất nhiều tiến bộ, nhất là cách ra đề thi. Kỳ thi tới Bộ nên công bố các môn thi tốt nghiệp THPT sau khi thi xong học kỳ 2, để tránh tình trạng học lệch. Nên phát huy quyền tự chủ của địa phương.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga biểu dương thành tích của ngành giáo dục đồng bằng sông Cửu Long: ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy cũng như trong quản lý giáo dục; tăng cường giáo dục kỹ năng sống thông qua phong trào xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực;
Bộ lắng nghe ý kiến đề xuất của đại biểu về việc không thu học phí học sinh hệ MN; phát huy hơn nữa việc xóa bỏ việc học thêm, dạy thêm; địa phương tích cực phân luồng học sinh sau THCS bằng cách tăng cường chương trình dạy nghề. Bộ sẽ tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền mạnh hơn cho các sở trong quản lý GD địa phương.
Nguyễn Ngọc