Trường học như công sự
Những cuộc diễn tập tại thị trấn Marinka do chính phủ kiểm soát – nơi từng có 10.000 người sinh sống – được tổ chức hàng tháng kể từ khi xung đột bùng phát với quân nổi dậy hồi tháng 4/2014.
Thi thoảng cũng có những cuộc pháo kích thực sự. Một cuộc tấn công của quân nổi dậy vào thị trấn này tháng 6 năm ngoái làm 20 người thiệt mạng.
“Vào những ngày đầu giao tranh, cháu thường rất sợ hãi mỗi khi nghe tiếng đạn nổ” – nữ sinh lớp 10 Tanya Mokraya, 15 tuổi, kể - “Cháu hay khóc và không thể ngủ. Nhưng giờ đây cháu đã quen. Cháu thường đi bộ từ trường về nhà giữa tiếng nổ của súng tự động”.
Có 300 trẻ học tại trường Marinka trước khi Ukraine rơi vào khủng hoảng quân sự tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Khu trường học giống như một cứ điểm quân sự hơn là một trường học. Các cánh cửa chi chít lỗ đạn trong khi tường dán đầy các biển cảnh báo nguy cơ có mìn nằm rải rác tại khu vực lân cận. Các cửa sổ được chắn bằng bao cát để ngăn đạn lạc bay vào trong lớp.
Lối vào trường được bảo vệ bởi cảnh sát quân sự trang bị cả súng máy. Trẻ em buộc phải ở trong cho tới khi những đợt giao tranh kết thúc.
Nhiều gia đình đã rời khỏi Marinka sau các vụ tấn công tháng 6/2015 và không bao giờ trở lại.
Mokraya đã vào học tại 5 trường học khác nhau ở những khu vực mà chính phủ kiểm soát sau khi chiến sự nổ ra. Cô bé trở lại Marinka hồi tháng 9 và quay lại lớp học giờ chỉ còn một nửa sĩ số - được giảng dạy bởi vài giáo viên còn dũng cảm đối mặt với xung đột.
“Không khí khá buồn vì quá ít học sinh, nhưng trường học mở cửa là tốt rồi” – Mokraya chia sẻ.
Đau thương với cả 2 bên
Trong khi đó, giáo viên của trường lo lắng vì sao những nỗ lực và những cuộc đàm phán bất tận của phương Tây không kết thúc được cuộc nội chiến dài gần 3 năm làm chết gần 10.000 người và buộc 1,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
“Chúng tôi sống trong hy vọng rằng giao tranh sẽ kết thúc, rằng trẻ em sẽ trở về và chúng tôi trở lại công việc như trước” – giáo viên thể dục Tatyân Chaus bày tỏ - “Chúng tôi đã học cách nấu ăn bằng than củi. Chúng tôi đã sống mà không có sưởi ấm và ánh sáng, cũng như trú tránh súng đạn. Mặc dù vậy, chúng tôi yêu thị trấn và công việc của mình. Chúng tôi muốn ngôi trường này tồn tại”.
Bên kia chiến tuyến, cảnh ngộ của một trường học nằm tại thị trấn Yasinovataya, cách thủ phủ Donetsk của quân nổi dậy khoảng 20 km, cũng bi đát không kém.
Ngôi trường nằm trên vùng đất mà quân nổi dậy kiểm soát cũng dán đầy tường các cảnh báo có mìn và nhiều cửa sổ đã vỡ tan.
Những dấu bút xanh và đỏ chỉ hướng tới các hầm trú bom.
Hiệu trưởng Yelena Averina cho biết trường của mình bị quân chính phủ Ukraine tấn công cả năm 2014 và 2015. Hiệu trưởng này từng yêu cầu trẻ chỉ đến trường 1 lần/tuần để nhận bài tập cho cả tuần khi mà giao tranh diễn ra ác liệt xung quanh.
Một hòa ước cho phép từ 1/9 trẻ trở lại học bình thường khi giao tranh tại thị trấn này tạm ngừng. “Nhưng chúng tôi vẫn phải diễn tập trú bom” – Averina cho biết.