(GD&TĐ) - Thành thông lệ thứ Hai hằng tuần, các trường phổ thông đều tổ chức chào cờ đầu tuần. Việc làm này nhằm tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị anh hùng đã ngã xuống hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Mặt khác, tiết Chào cờ còn là dịp để tổng kết, xếp loại thi đua và đánh giá các hoạt động (ưu, tồn tại) trong tuần vừa qua), triển khai kế hoạch công tác tuần tới.
Ảnh minh họa/internet |
Hôm ấy, trường tôi “vinh dự” được bộ phận Hoạt động ngoài giờ lên lớp - Phòng GD&ĐT chọn tiết Chào cờ làm mẫu, nghĩa là mời “bá quan văn võ” của các trường trong huyện về tham dự. Trước là để học hỏi, sau là tạo sự đồng bộ chung cho các Liên đội trên toàn huyện. Mọi việc đã chuẩn bị đâu ra đấy. Tất cả CB – GV – CNV và học sinh toàn trường ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng. Đội Nghi lễ của nhà trường (đội kèn, đội cờ, đội trống) trong trang phục đội viên, đeo cấp hiệu chỉ huy Đội trông thật hoành tráng, ấn tượng. Tiết trời dịu nhẹ. Ai nấy cũng đều phấn khởi, khác hẳn với ngày thường. Hàng nghìn con mắt đều hướng về Quốc kì trong giây phút thành kính, thiêng liêng. Liên đội trưởng dõng dạc hô: “Nghiêm!” – “Chào... cờ... chào!”. Vừa dứt động lệnh “chào!”, bất ngờ chuông điện thoại reo lên thật to câu vọng cổ mùi mẫn của NSND Lệ Thủy. Cả sân trường như bầy chim non nháo nhác được mẹ mớm mồi, ánh mắt đổ dồn về phía vừa phát ra âm thanh ấy. Vị “quan chức” già luống cuống lôi chiếc di động từ túi quần ra rồi tắt hẳn. Người lớn thì cố nén cười. Còn các trò vẫn khúc khích liên hồi, phá tan bầu không khí trang nghiêm, lắng đọng của buổi lễ. Trước tình huống “từ trên trời rơi xuống” buộc tôi phải ra tay ứng cứu kịp thời kẻo “cháy” giáo án.
Lại một chuyện có thật 100% nữa, cũng chính từ “đứa con tinh thần” mà ra. Chuyện rằng, có một cô giáo trẻ (con sếp), mới về “trình làng” chưa đầy ba tháng, rất sành điệu. Cùng một lúc cô sở hữu đến hai chiếc “iphone” loáng coóng. Đó là chưa kể đến vài chiếc thường thường bậc trung. Hàng loạt các “vệ tinh” ấy lúc nào cũng hộ tống bên người, cả khi cô đang say sưa đứng trên bục giảng. Lớp học chuyển từ trạng thái tĩnh sang động. Bỗng cậu học sinh cá biệt lớp 12, ngồi đầu bàn nhất đứng dậy láu lỉnh thưa: “Thưa cô, hai đùi cô… lắc lư rồi kìa”. Có lẽ, vì đang “nhập hồn” vào tiết dạy. Hơn nữa để máy ở chế độ yên lặng nên cô không hề hay biết sự “rung động” đang “lan toả” ngay trên cơ thể mình. Cô đỏ mặt, chống chế bằng cách nói luôn một “pho” tiếng Anh (cô dạy môn Anh văn) với ý mắng cậu học trò sao dám vô lễ, không tôn trọng cô thầy, chưa nghiêm túc trong giờ học, v.v và v.v… Theo thời khoá biểu, hôm ấy có hai tiết đôi. Dù thời gian tiết dạy mới diễn ra chừng mươi phút. Song cô bỏ ngỏ, ngồi chờ mãi khi tiếng trống vang lên báo hiệu hết giờ, rồi giận dỗi ghi vào sổ đầu bài hai con số không to tướng, kèm theo lời nhận xét… không thể chấp nhận. Liệu cô có dạy bù, dạy đôn? Liệu những lời nói “vàng ngọc” của cô có rút lại được? Và liệu học trò có “ngấm” nổi?
Khi nền công nghệ ngày càng phát triển vượt bật, thì nhu cầu hưởng thụ của con người một nâng cao. Dù hợp thời hay lỗi mốt thì chiếc điện thoại di động không còn “xa xỉ” nữa mà đã trở thành vật dụng gần như không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Mà đặc biệt là trao đổi, cập nhật thông tin một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất. Tuy nhiên, chủ nhân phải “ý tứ” khi sử dụng, tránh sự cố dở khóc dở cười xảy ra như trường hợp vừa kể trên, để khỏi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như chất lượng tiếp thu bài học của các “môn đệ”.
Thiên Thu