Thiếu kinh phí, các trường chờ:
Hội nghị họp bàn về quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH-CĐ tại vùng TP.HCM đến năm 2025, và tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tại văn phòng 2 Bộ GD-ĐT, sáng 1-12 một lần nữa xoay quanh vấn đề di dời trên. Nhiều ý kiến quan ngại, lo lắng và không hoàn toàn đồng tình với phương án di dời toàn bộ cơ sở đã thật sự hâm nóng hội trường. Trong đó, vấn đề kinh phí đầu tư, vướng mắc trong việc xin quỹ đất sạch, lộ trình thực hiện di dời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là những vấn đề trao đổi nóng bỏng nhất.
PGS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: Việc di dời các trường ĐH-CĐ trong nội thành ra ngoại thành là một chủ trương đúng của Chính Phủ. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện và di dời như thế nào cần phải được xem xét và nghiên cứu kỹ. Chúng ta không thể di dời toàn bộ các trường ra khỏi nội thành một cách sạch sẽ. Mà trước hết cần phải tiến hành thực hiện quy hoạch quỹ đất cho các trường. Nếu có di dời thì cũng chỉ nên di dời những cơ sở phụ và nên để cho mỗi trường có bề dài truyền thống, bề dày lịch sử giữ lại 1 cho đến 2 Campus trong TP để phục vụ việc hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực.
Mặt khác, UBND TP, Bộ GD-ĐT cũng cần có những tác động tích cực hơn đến quy hoạch 1/2000, quy hoạch 1/500 để các trường có cơ sở thiết kế, bàn đến các giải pháp xây dựng. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay khiến tôi băn khoăn chính là lấy đâu ra nguồn kinh phí để thực hiện. Với nguồn lực hiện nay(các trường công lập) để các trường tự thân triển khai hình thành một cơ sở mới là điều vô cùng khó. Chính vì thế Bộ GD-ĐT cần có một bước đi thật rõ ràng, có sự đánh gía khách quan nhu cầu thật sự của các trường để tập trung đầu tư, quy hoạch trọng điểm thì chúng ta mới mong làm được. Đừng để vì kinh phí mà các trường dù có đất, nhưng vẫn phải chờ.
Theo số liệu thống kê, hiện trong nội thành TP.HCM có 40 trường ĐH (11 trường tư thục) và 29 trường CĐ (8 trường tư thục) với 516.544 sinh viên (361.582 chính quy tập chung), chiếm 16,7% tổng số trường ĐH, CĐ và 30% tổng số sinh viên ĐH, CĐ trên cả nước. Hầu hết các trường hiện nay đều đào tạo đa ngành, liên ngành và đa trình độ với số lượng và quy mô sinh viên không ngừng gia tăng mỗi năm.
Vì vậy chỉ tiêu bình quân diện tích đất/SV ngày càng bị thu hẹp, một số trường có diện tích đất/SV cực thấp so với tiêu chuẩn xây dựng trường ĐH Việt Nam( Bình quân chung số mét vuông diện tích đất/SV đạt khoảng 12,9m2 Một số trường diện tích bình quân/SV chỉ từ 0,4 đến 9m2/SV.
Chính vì thế việc buộc phải di dời các trường ĐH-CĐ không đáp ứng được điều kiện phát triển và đào tạo ra ngoại thành, hình thành nên những khu “đô thị” ĐH tập chung là điều hết sức cấp thiết cho sự phát triển bền vững của toàn ngành. Phần đông các đại biểu đều nhất trí với chủ trương trên của Chính Phủ. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của các đại biểu tại hội nghị chính là nguồn lực tài chính để các trường đầu tư và công tác giải tỏa mặt bằng, quy hoạch, tập trung các trường như thế nào?.
Ông Kiều Tuân, chủ tịch HĐQT trường ĐH Kỹ thuật Công Nghệ TP.HCM cũng cho rằng: Nguồn vốn đóng một vai trò rất quan trọng, chúng ta có đất, nhưng không có vốn thì cũng như không. Hiện nay nhiều trường có đất đã hàng chục năm nhưng vẫn phải “ngâm” để đó vì không có vốn đầu tư. Chính vì thế chúng ta cần phải có sự kết hợp giữa Bộ Tài Chính- Bộ GD-ĐT và các ban ngành hữu quan.
TS Ngô Hướng, hiệu trưởng trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM trăn trở: Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần phải xem xét một cách chặt chẽ hơn, cần có một cơ chế đồng bộ hơn trong việc thực hiện. Theo tôi, trước hết chúng ta cần xem mục tiêu chúng ta hướng đến là vấn đề gì? Cái đó không chỉ đơn thuần nằm ở việc nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết vấn đề giao thông, giải tỏa bớt lượng người tập trung trong đô thị…
Như thế xem ra không ổn, mà nên xem việc tập trung xây dựng “đô thị” ĐH để phục vụ người học và vì người học. Quan trọng nhất để hình thành được khu “đô thị” ĐH chúng ta cần phải có một cơ chế thông thoáng, hợp lý hơn nữa để giúp các trường ĐH có quỹ đất có thể tiến hành xây dựng. Đừng để trường có đất, nhà đầu tư có tiền nhưng vẫn phải chờ bởi những vướng mắc từ thủ tục hành chính.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Cần tháo gỡ ngay những vướng mắc:
Theo quy hoạch chung của UBND TP.HCM đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010. TP.HCM sẽ có 3 khu ĐH tập trung gồm: Khu ĐH phía Tây Bắc TP.HCM (660ha), khu ĐH phía Nam TP (735ha), khu ĐH phía Đông Bắc TP (815ha) với tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 120.000 tỉ đồng. Đây được xem là khoản đầu tư cực lớn, chính vì thế cần phải có chính sách và những cơ chế hỗ trợ. Theo dự thảo của đề án, các trường di dời sẽ được cho vay kích cầu theo cơ chế đặc thù (mức vay tối đa lên tới 300 tỉ/ trường và thời gian hỗ trợ cấp bù lãi là 5 năm).
Trong thời gian 5 năm, trường di dời phải tích cực thanh lý cơ sở vật chất, mặt bằng cũ để tạo vốn và hoàn trả vốn vay được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay…Chính sách và cơ chế hỗ trợ dự tính là như thế, điều đó có thể tháo gỡ phần nào khó khăn về mặt kinh phí cho các trường phải duy dời. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của các trường vẫn nằm ở khâu xin đất, giải tỏa mặt bằng và thực hiện các đề xuất, phương án cụ thể…Bởi đôi khi việc chậm trễ ở các khâu này ( lên quy hoạch, giải tỏa, cấp đất) phần nhiều không phải lỗi tại các trường.
Ông Nguyễn Hữu Viên, hiệu trưởng trường ĐH Gia Định cho rằng: Quy hoạch của TP là rất phù hợp, nhưng thủ tục của TP vẫn còn quá chậm. Bởi trong thực tế TP đang gặp phải hiện tượng “đặt cái cày trước con trâu” tức là bắt các trường xây dựng các dự án, luận án kinh tế kỹ thuật trước rồi mới xác định, cấp đất sau. Điều đó là làm khó các trường, vì theo tôi nên cho các trường nhận đất trước rồi mới xây dựng đế án, phương án kinh tế kỹ thuật sau để hợp thức hóa các thủ tục một cách nhanh hơn. Cũng liên quan đến vấn đề quỹ đất, nguồn vốn đầu tư nhiều đại biểu cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải có những kiến nghị với Chính Phủ, có những động thái tích cực hơn trong việc trình và tác động đến Bộ Tài Chính nhằm tìm nguồn vốn vay, hỗ trợ những trường phải di dời.
Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học cũng đồng ý với những kiến nghị và những đóng góp khá thẳng thắn từ phía các đại biểu, khi cho rằng vai trò của Bộ, cục, vụ trong việc tham mưu cho Chính Phủ vẫn chưa thật sự tốt trong thời gian qua, khiến cho tiến độ dự án bị chậm. Ông cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến, đóng góp từ phía các trường tại hội nghị lần này không gì khác là nhằm mục đích giúp các trường tháo gỡ những khó khăn, sớm đẩy nhanh những kế hoạch dự án về cơ sở vật chất, đồng thời giúp cho việc hình thành, phát triển quy mô các trường ĐH được bền vững hơn.
Ông Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến bức xúc: Từ 3 năm nay chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn khi suốt những năm qua trường vẫn không thể có được quỹ đất sạch để tiến hành xây dựng cơ sở (trường được UBNT TP cấp 5,6ha đất ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Vì từ năm 2007 đến giờ vẫn chưa có được bảng giá đền bù, công tác đền bù giải tỏa gần như là vẫn giậm chân tại chỗ. Tiềm lực kinh tế của trường thì có hạn, trong khi giá đất mỗi ngày một tăng. Sự chậm trễ ấy khiến chúng tôi thật sự lo lắng và trăn trở.
Trước những ý kiến đóng góp và băn khoăn từ các đại biểu, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Chúng ta cần phải hiểu việc lấy ý kiến, đóng góp cho công tác xây dựng và hình thành nên những “đô thị” ĐH là nhằm hướng đến việc tìm và xây dựng những cơ sở giáo dục, cơ ngơi đào tạo lớn, phát triển theo hướng lâu dài. Điều đó mới là mục tiêu, là cái chủ yếu của ngành chúng ta cần hướng đến. Nếu chúng ta không tính ngay từ bây giờ, với tốc độ phát triển của nền giáo dục, quy mô gia tăng số lượng sinh viên qua từng năm, bao giờ chúng ta mới có được những cơ sở giáo dục ĐH-CĐ đạt chuẩn thay thế cho những cơ sở giáo dục ĐH-CĐ chật hẹp đang tồn tại trong nội thị TP như hiện nay. Sau này khi hướng đến một nền giáo dục hội nhập, chúng ta thực hiện việc siết chặt quy định về chất lượng, tỉ lệ diện tích/ SV lúc đấy những cơ sở chật hẹp như hiện nay sẽ đào tạo được bao nhiêu học sinh?.
Từ những đòi hỏi bức xúc trên, trước yêu cầu ngày càng xiết chặt hơn trong công tác quản lý chất lượng giáo dục, Thứ trưởng đề nghị các trường cần sớm xây dựng những phương án, kế hoạch phát triển cụ thể, tầm nhìn tương lai của trường, thậm chí là những sáng kiến để có những đề xuất cụ thể cho Bộ GD-ĐT. Để Bộ GD-ĐT có cơ sở làm căn cứ báo cáo Chính Phủ, xem xét nên di dời trường nào trước, trường nào sau, nên giữ lại trường nào theo các tiêu chí lịch sử và truyền thống…
Anh Tú