Đi để thấy yêu thương lan tỏa

GD&TĐ - Cuộc đời là những “chuyến đi” dài, người ta vẫn thường nói ẩn dụ như thế về những cung bậc thăng trầm của cuộc sống. Với tôi, nghề báo cũng vậy! Chỉ có đi, trải nghiệm, lắng nghe những trở trăn của cuộc sống, ta mới thấy hết giá trị cốt lõi của cuộc đời.

Tác giả trong một lần công tác tại Long An.
Tác giả trong một lần công tác tại Long An.

Những giá trị ấy đôi lúc chỉ là nụ cười hạnh phúc của những giáo viên cắm bản xa, là những cái ôm thắm thiết của bác nông dân hay chị lao công nơi phố thị, là nụ cười rạng rỡ của những em học sinh miền cao...

Rất giản đơn, nhưng với người làm báo ngành như chúng tôi, đó là điều hạnh phúc. Hạnh phúc khi tờ báo đã nối nhịp được những trái tim khắp mọi miền tổ quốc. Hạnh phúc vì được sống, đi và trải nghiệm những giá trị nhân văn của cuộc đời.

Trong suốt  6 năm làm báo Giáo dục và Thời đại, rong ruổi khắp các nẻo đường trên rẻo đất Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều kỉ niệm với cô trò vùng xa khép lại, những nụ cười thắm màu hạnh phúc như mới ngày hôm qua…với tôi vẫn tươi nguyên khi nhớ lại những điều này.

Trong rất nhiều chuyến đi, chuyến đi về buôn Đăk Sa (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk) có lẽ để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. 

Lắng đọng không chỉ ở sự niềm nở, nhiệt tình của thầy hiệu trưởng trường TH Lý Tự Trọng khi cùng chúng tôi vượt hơn 34 km đường rừng giữa cơn mưa chiều tháng 8, mà còn ở tình cảm và cái cách những thầy, cô giáo trẻ cắm bản vui mừng khi biết phóng viên vào.

“Các anh vào tìm hiểu cuộc sống của giáo viên bọn em hả? Vậy hãy ở lại đây một ngày, ăn chén cơm trắng, cá khô giữa rừng, cảm nhận thanh âm cuộc sống nơi đây khi trăng chênh chếch đầu non. Em tin, các anh sẽ thấy yêu nơi này”. 

Nghe cô giáo viên trẻ Trần Thị Quế nói mà chúng tôi không nhịn được cười. Nụ cười ở đây tất nhiên là nụ cười hạnh phúc, khi biết mình đang là người được sẻ chia. Nụ cười của niềm tin khi thấy đội ngũ giáo viên trẻ yêu mến mảnh đất nơi mình đang gắn bó.

Hôm ấy, trời mưa rất to. Chúng tôi phải bỏ xe giữa rừng, lội bộ gần 4 km cùng 3 giáo viên trên những con đường nhòe nhoẹt bùn lầy của đất rừng Tây Nguyên để đến lớp. 

Cảm nhận những gian truân, vất vả của người giáo viên cắm bản. Con đường đến trường, kiếm tìm ánh sáng tri thức của các em học sinh người Mông…những người làm báo chúng tôi mới thấy hết tình yêu của đội ngũ giáo viên nơi đây gửi gắm đến học sinh mình. 

“ Em rất thích đọc báo mình, vì ngoài những bài viết chuyên sâu về giáo dục, chuyên môn. Báo Giáo dục & Thời đại còn thật sự là người bạn đồng hành, chia sẻ khó khăn, động viên đội ngũ giáo viên tụi em một cách thủy chung nhất. 

Tháng nào cũng vậy, khi thầy Chương hiệu trưởng vào thăm tụi em, em đều dặn thầy mang thật nhiều báo vào…”.  Nghe thầy giáo trẻ Hải Phong nói, tôi bỗng thấy mình thật hạnh phúc… giữa núi rừng Đắk Sa.   

Chia tay nhau cũng trong chiều mưa loang lổ, ngày báo lên trang bài viết về chuyến đi ấy, cũng là lúc điện thoại tôi nhận được tin nhắn từ buôn Đắk Sa gửi về:  

“Cảm ơn anh, cảm ơn báo Giáo dục &Thời đại đã luôn động viên và chia sẻ với đội ngũ giáo viên chúng em. Em sẽ cất và lưu giữ bài viết này để luôn nhớ rằng: Sau lưng mình luôn có mộtchỗ dựa tinh thần…”

Tôi đọc tin mà thấy lòng mình như ấm lại, hạnh phúc tỏa lan trong nắng chiều. Bởi tôi biết, ở nơi xa xôi của mảnh đất Tây Nguyên ấy…sẽ có những nụ cười hạnh phúc thắm trên môi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ