Di cư vào vũ trụ

Di cư vào vũ trụ

(GD&TĐ) - Năm 2011, tàu con thoi Atlantis kết thúc chuyến bay cuối cùng của mình. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa như một số người lo ngại, rằng kỷ nguyên các chuyến bay vũ trụ có phi hành đoàn đã chấm dứt. Trái lại, việc từ bỏ chương trình tàu con thoi làm tăng thêm các cơ hội khác trong lĩnh vực khám phá vũ trụ.

Ba ý tưởng chính

Dưới sự dẫn dắt của các hãng tư nhân đầy tham vọng, chúng ta nhảy vào giai đoạn khởi đầu của quá trình di cư nhân loại ra ngoài trái đất và chuẩn bị cho cuộc sống trong thế giới hoàn toàn khác. Sao Hỏa là mục tiêu nhắm tới của Elon Musk - đồng sáng lập công ty PayPal, của hai nhà thám hiểm địa cực Tom và Tina Sjogren- những người chuẩn bị cho chuyến bay tư nhân lên Hành tinh Đỏ. Sao Hỏa cũng là mục tiêu của dự án MarsOne được tài trợ từ các nguồn tài chính tư nhân (với chương trình đưa người lên sao Hỏa trước năm 2023). Việc thuộc địa hóa vũ trụ đã bắt đầu.

Tuy nhiên, bản thân công nghệ là chưa đủ. Nếu việc thực hiện kế hoạch là khả thi, thì cần cân nhắc các mặt sinh học và văn hóa cũng tỉ mỉ như các vấn đề kỹ thuật. Nơi định cư mới không chỉ bao gồm các con tàu vũ trụ và robot, mà còn có cả con người, các gia đình, xã hội cùng phong tục tập quán.

Những giải pháp hiện nay về việc di cư ra ngoài vũ trụ của loài người xoay quanh ba ý tưởng chính. Thứ nhất là chiếm lĩnh sao Hỏa. Theo ông Robert Zubrin - Chủ tịch tổ chức Xã hội sao Hỏa (Mars Society - Mỹ), những thuộc địa sao Hỏa phải mang tính chất “tự cung tự cấp”, tự khai thác tại chỗ được ô xi, nước và vật liệu xây dựng. Ý tưởng thứ hai, do nhà vật lý Gerard K. ONeill đưa ra trong những năm 70 thế kỷ trước là xây dựng  những tổ hợp nhà khổng lồ trong không gian bằng kim loại khai thác được từ mặt trăng hoặc các tiểu hành tinh. Ý tưởng thứ ba là chế tạo con tàu vũ trụ khổng lồ Generation Starship mang theo hàng ngàn người, trải qua nhiều thế hệ, trong chuyến bay một chiều đến các vì sao.

Những người tiên phong

Bộ phận nhân loại di cư vào vũ trụ trong tương lai  là các gia đình và xã hội - những người bay vào vũ trụ không phải vì nhiệm vụ mà là để sống nốt phần đời còn lại ở đó. Phần lớn những người “đi khai hoang vũ trụ” đầu tiên sẽ bao gồm nông dân và thợ xây dựng. Chắc chắn họ phải là những người khỏe mạnh về mặt gen. Trong một quần thể dân cư nhỏ và khép kín, những người mang bệnh về di truyền là mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với trong quần thể dân cư đông hàng tỷ người trên trái đất.

Chúng ta đã biết hàng trăm gen gây ra những bệnh khác nhau - từ ung thư cho đến điếc. (Mới đây, các nhà khoa học còn thông báo là họ có khả năng phát hiện hơn 3500 đặc tính gen bất lợi trong phôi người). Dường như mọi thứ đã rõ ràng - nếu ai đó mang trong mình một số gen bất lợi thì người đó không di cư ra khỏi trái đất. Tuy nhiên sự việc không đơn giản như vậy. Nhiều căn bệnh có tính chất đa gen- đây là kết quả của tác động phức tạp giữa các gen. Hơn nữa, nếu ai đó mang gen hay các gen có khả năng gây một bệnh nào đó, thì chưa chắc đã đáng lo ngại bởi các yếu tố môi trường mới có thể quyết định những gen đó có trở nên nguy hại hay không.

Không phụ thuộc vào cách chọn lựa thành viên, câu hỏi đặt ra là xã hội “khai hoang vũ trụ” lớn đến mức nào. Khu định cư mới trên sao Hỏa có thể phát triển về số lượng người và mở rộng về diện tích, nhưng số lượng hành khách trên con tàu vũ trụ khổng lồ Generation Starship lại không nhiều và sự giao phối giữa những người có quan hệ thân thuộc sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn, những nghiên cứu tiến hành trong năm 1999 cho thấy, trong các cộng đồng dân cư khép kín của người da đỏ, của con cháu những người di cư Scotland, chỉ số chết của trẻ sơ sinh có bố mẹ là những người cận huyết lớn hơn khoảng 2 lần so với các trường hợp bố mẹ không cùng huyết thống.

Để tránh hiện tượng này, cần xác định quy mô dân số tối thiểu cần thiết để giữ vốn gene khỏe mạnh. Con số cụ thể còn đang được cân nhắc, tuy nhiên một số nhà nhân chủng học đã đưa ra con số ước đoán là khoảng 500 người.

Tuấn Sơn (Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ