Đi bộ giữa lưng chừng mây

GD&TĐ - Trên hành trình thiên lý Bắc - Nam, hành khách của đường sắt Việt Nam không khỏi trầm trồ “qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”, giữa thiên nhiên hùng vĩ, một bên là núi cao, một bên là biển xanh biếc đầy phóng khoáng. Thế nhưng, với những người tuần đường trên cung đường sắt này, mỗi ngày đi bộ khoảng hơn 20 km, giữa những đá dăm lổn nhổn hoặc đi trên thanh tà vẹt, khi một bên là núi cao, một bên là vực sâu thì câu chuyện đã không còn chỗ cho sự lãng mạn, bay bổng.

20km mỗi ca trực là quãng đường đi bộ của một công nhân tuần đường trên cung đường sắt Hải Vân với một bên là vách núi một bên là vực sâu
20km mỗi ca trực là quãng đường đi bộ của một công nhân tuần đường trên cung đường sắt Hải Vân với một bên là vách núi một bên là vực sâu

Vừa đi vừa nhìn xuống

Phân đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua đèo Hải Vân dài 28km, có 6 đường hầm và 18 cây cầu bắc qua các con suối chảy xuôi đèo. Phần lớn tuyến đường được xây dựng với một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có độ dốc 17 phần nghìn, nằm cách biệt với đường quốc lộ trên đỉnh đèo. Phân đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân là phân đoạn có độ cao nhất và cũng hiểm trở nhất trong toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam. Mỗi ngày, trên đoạn đường vắng lặng chỉ có gió núi mây ngàn ấy, có những con người vẫn cần mẫn tuần đường, kiểm tra từng thanh tà vẹt, ốc vít, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu xuôi ngược.

Bắt đầu làm công nhân đường sắt từ năm 1985, khi đã 33 tuổi, anh Nguyễn Quý làm ở Đội cầu 32 với các công việc như đúc mố cầu, sơn sửa cầu, đi khắp nơi từ Tam Kỳ vào Chu Lai (Quảng Nam) rồi ra đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) cho đến năm 1988 thì chuyển về cung Hải Vân 3 rồi làm tuần đường 2 năm sau đó. 28 năm làm tuần đường, từ những ngày chỉ có cây đèn dầu liu riu làm bạn đồng hành cho tới mấy năm gần đây mới được thay thế bằng đèn pin, không phải lo ngay ngáy chuyện đèn tắt giữa đường những hôm mưa gió bão bùng.

“Gió lớn nhiều lúc bật đến rát tay thì bật lửa mới đỏ nhưng thắp đèn mãi không lên. Nhưng ngày nắng cũng như đêm mưa, trời yên cũng như trời bão, cứ đến ca trực là phải lên đường, chỉ khi có công văn đình chỉ chạy tàu mới thôi đi tuần. Có những hôm mưa gió vần vũ, đi qua những đoạn như cầu, đoạn có khe núi thì phải ôm đường ray mà bò qua, làm sao cho kịp giờ giao ca, đổi thẻ” - anh Quý kể.

20 km cho cả đi lẫn về, đi hết một vòng thì về đổi thẻ cho chốt trực. Ca ngày thì chỉ có một người tuần đường còn ca đêm thì có 2 người. Công việc của một người tuần đường không chỉ đi và đi dù nhìn có vẻ rất thong dong nhưng “vừa đi vừa phải quan sát, kiểm tra đường để phát hiện sạt lở, chướng ngại vật trên đường; thấy ốc vít chỗ nào lỏng thì phải lấy mỏ lết siết lại ngay. Mười năm trở về trước, khi chưa có ta – luy dương gia cố vách núi, chỉ cần mưa 2 ngày là đất đá sạt lở đổ xuống đường sắt. Điện thoại không có, chúng tôi phải đặt pháo hiệu để báo cho đoàn tàu. Giờ thì trong những trường hợp như vậy, anh em có sẵn điện thoại, chỉ cần gọi điện báo về cho Cung trưởng nên nhanh hơn” - anh Quý cho biết.

28 năm làm công việc tuần đường, anh Nguyễn Quý nhớ có khoảng 4 lần mình phải dùng đến pháo hiệu do phát hiện đất sạt, đá rơi xuống chặn đường ray. Những người tuần đường như anh Quý đều có một thói quen là đi được một đoạn đường ngắn, họ thường ngoái nhìn lại đằng sau. Chúng tôi được giải thích là mặc dù nắm rõ lịch chạy tàu nhưng cứ phải nhìn đằng sau để đề phòng có tàu đến.

Thế nhưng, vất vả và hiểm nguy nhất trên đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân có lẽ là những người tuần đường đảm nhiệm những đoạn có đường hầm. Như hầm 14, do độ ẩm cao, lượng cacbon lớn vì là hầm có độ dài thứ 2 của đường sắt Việt Nam (dài 944m, chỉ sau hầm đường sắt số 18 thuộc phân đoạn qua đèo Cả) nên hệ thống đường sắt nhanh xuống cấp, thường xuyên có thanh ray bị khuyết hay tà vẹt gãy và hầu như ngày nào cũng phải sửa chữa. Trong hầm 14 có tất cả 211 ô tránh tàu, đoạn ở giữa hầm thì tập trung dày đặc các ô tránh, khi đang sửa mà nghe có tàu sắp chạy qua là phải nhanh chóng tránh vào ô tránh tàu. Tàu đi qua thì mặt mũi áo quần cũng nhuốm đầy muội than.

Vẫy cờ báo tín hiệu an toàn cho đoàn tàu lưu thông
  • Vẫy cờ báo tín hiệu an toàn cho đoàn tàu lưu thông

Những giao thừa lặng lẽ

Gần như những người công nhân làm công việc duy tu, tuần đường trên cung đường sắt đoạn Hải Vân đều theo kiểu “cha truyền con nối”. Như Nguyễn Văn Chung, năm 22 tuổi học xong sơ cấp đường sắt thì vào nghề duy tu vì “ba em cũng làm nghề này, chưa vào nghề em đã hiểu hết những khó khăn của nghề nên trụ lại được, chứ khóa của em có 40 người học, mà đến giờ còn chưa đầy chục người còn theo được với nghề”.

Những ngày đầu mới về cung cầu đường Hải Vân 3, Chung kể, có những hôm buồn quá, Chung cắt rừng lội bộ hơn 5km lên đỉnh đèo Hải Vân chỉ để uống cà phê rồi lại lội bộ về. Làm việc ở trên đèo heo hút gió, lại không dám đi đâu sau giờ làm vì công ty cấm công nhân nhảy tàu, nên Chung kể, mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì có ba vợ mối lái cho nên mới lập được gia đình.

Công nhân tuần đường trên cung đường Hải Vân đều thuộc nằm lòng câu ca: “Gió hầm 3, ma Hòa Khánh”. Hầm 3 trên đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân là hầm số 12 của tuyến đường sắt Bắc - Nam nếu tính từ phía Bắc vào. Ngay ở cửa hầm 3 là khe núi đón gió với tiếng gió rít đến rợn người. Theo như anh Nguyễn Hải Triều - Cung trưởng Cung Hải Vân thì những ngày gió lớn, anh em tuần đường qua đoạn này có khi phải đi giật lùi cả một đoạn đường khoảng 500m mới có thể đi được. 

Ông Nguyễn Cho - ba vợ của Chung cũng là một nhân viên tuần đường kỳ cựu của Hải Vân 3, đã cảm mến chàng trai chịu thương chịu khó rồi mai mối gả con gái của mình cho Chung.

“Ba vợ chọn rể chứ em ở đây đến điện còn không có, cũng không mấy khi đi đến đâu mà tìm hiểu hẹn hò. Ngày đó mỗi lần muốn nói chuyện điện thoại cũng khó khăn lắm, nhớ quá thì gọi nhờ bằng điện thoại đường dây dưỡng lộ về công ty đóng ở phố để xin gặp. Nhưng lần đầu thôi, lần sau biết mình gặp người yêu, người ta cũng không cho gọi nữa” - Chung nhớ lại. Ông Cho đã nhiều lần tình nguyện thế ca để Chung đi gặp người yêu, để đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Từ đội duy tu sửa chữa, Chung mới chuyển sang làm tuần đường đầu năm 2018 này.

Anh Nguyễn Quý kể, suốt 28 năm chuyển sang làm tuần đường thì có đến 27 cái tết anh đón giao thừa trên đèo Hải Vân, chỉ duy nhất một năm được hưởng không khí đoàn viên với gia đình. “Từ Hải Vân nhìn về Đà Nẵng, thấy đèn điện sáng lung linh, xung quanh mình thì núi rừng hoang vu, nghĩ cũng chạnh lòng. Nhưng nếu đổi ca, mình về thì anh em cũng có người phải ở lại, vì lễ tết gì cũng phải tuần đường. Nghĩ thế nên thôi” - anh Quý chia sẻ.

Niềm vui của thời khắc giao thừa ở lưng chừng Hải Vân quan, như anh Quý kể là những giây phút hạnh phúc và ấm áp khi đang đi tuần, đón một chuyến tàu đi ngang qua, thấy hành khách và đồng nghiệp vẫy tay chào năm mới. Niềm vui đó, được anh Quý và đồng nghiệp nuôi dưỡng mỗi ngày, để vẫn bền bỉ bám trụ lại với nghề với tinh thần trách nhiệm cao, cho bình yên của mỗi chuyến tàu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ