Designer trẻ đến với công chúng: Con đường không trải lụa

GD&TĐ - Bà Trần Thị Minh Thư (Phó Viện trưởng Viện Thiết kế thời trang Việt Nam) chia sẻ với Báo GD&TĐ rằng: Hiện nay có xu hướng các bạn trẻ mới tốt nghiệp ngành thời trang không đi làm ngay cho doanh nghiệp nào, mà tham gia những trải nghiệm thực tế trong một khoảng thời gian. Đó chính là “bước đệm” mà các nhà thiết kế  (designer) trẻ cần được  hỗ trợ…

Designer trẻ đến với công chúng: Con đường  không trải lụa

* Bà cùng các đồng sự đang hỗ trợ sinh viên ngành thiết kế thời trang và các designer (nhà thiết kế) trẻ tiếp cận công chúng, thị trường. Bà có thể chia sẻ về hoạt động “cầm tay chỉ việc” của những người có kinh nghiệm như bà với các designer trẻ?

Một trong những mục tiêu của các tổ chức, hiệp hội thời trang là cùng các nhà thiết kế có kinh nghiệm, có khả năng “training” (đào tạo), giúp đỡ các designer trẻ, các bạn sinh viên ngành thời trang, để họ có thể trải nghiệm, tiếp cận tốt hơn với thực tế của ngành, nhất là thị trường thời trang đang ngày càng khắt khe; Đưa những ý tưởng trên bản vẽ ra thực tế đời sống, đến gần hơn với công chúng.

Tôi cùng các cộng sự không chỉ chú trọng vào các sản phẩm thời trang (quần, áo, phụ kiện, nghệ thuật làm đẹp…). Các designer ở Viện Thiết kế thời trang hiện nay mạnh trong lĩnh vực thiết kế quần áo, giày dép…

Hàng năm, Viện và hội các designer vẫn tiếp nhận sinh viên từ các trường ĐH và các cơ sở đào tạo có khoa thời trang tham gia sinh hoạt chuyên môn cùng nhau. Sinh viên thường được lựa chọn từ cơ sở đào tạo (từ những người phụ trách khoa chuyên ngành, hoặc danh sách của nhà trường gửi tới) và không bao giờ bị chúng tôi từ chối, chỉ cần các bạn có đam mê với nghề, có nhu cầu, mong muốn được hỗ trợ. Các nhà thiết kế nhiều kinh nghiệm có khả năng giúp đỡ luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Dù bạn là sinh viên mới ra trường, nhưng chúng tôi với kinh nghiệm của người đi trước có thể giúp bằng cách gợi ý, gợi mở trong sáng tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo sáng tạo có chất lượng, có thể đưa vào thực tế cắt may, tiếp đến là đưa ra trình diễn trước công chúng, hay tiếp cận với người tiêu dùng… chúng tôi đều phải “test” (kiểm tra) mọi khả năng thiết kế cũng như thực hiện ý tưởng của bạn trẻ.

Nói chung, các nhà thiết kế có kinh nghiệm thường đã tinh xảo về nghề (tinh xảo về màu sắc, xu hướng thời trang…), khi tâm huyết trong “training”, đều cố gắng tạo điều kiện, kiểm tra, hỗ trợ từ ý tưởng cho đến khi ra được một bộ sưu tập. Sự hỗ trợ đó giúp các designer trẻ thực hiện ý tưởng, hoàn thành bộ sưu tập nhanh hơn, theo kịp đòi hỏi của thực tế trên sàn diễn, cũng như bắt kịp xu hướng thị trường. Những hỗ trợ này rất cần thiết, để tránh những sai lầm, những thiết kế ngô nghê của người mới vào nghề.

Từ hoạt động hỗ trợ trên, sinh viên ngành thời trang hoặc các designer trẻ sẽ được training, cũng như các kinh nghiệm giới thiệu thiết kế đến công chúng, giúp tiếp cận thị trường bằng những sản phẩm thực tế. Tôi cho đây là một cách hướng nghiệp thực chất nhất.

* Xu hướng nào của các designer trẻ đáng chú ý, thưa bà?

Hiện nay, có xu hướng một số bạn trẻ tốt nghiệp ĐH nhưng không cố gắng xin ngay vào làm ở cơ quan, doanh nghiệp, mà dành 1 - 2 năm trải nghiệm, thực hiện những điều mà họ thích, quan tâm và mong muốn, trước khi chọn một công việc để gắn bó.

Chính trong giai đoạn “bước đệm” này, những nhà thiết kế có kinh nghiệm như chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, làm sao để các bạn có thể vừa trở thành designer, vừa có thu nhập trang trải cho thời gian chưa chính thức đi làm.

Đầu tiên, theo đuổi lĩnh vực nào cũng cần có niềm say mê. Tốt nghiệp một chương trình đào tạo, nếu được hỗ trợ thì niềm say mê với nghề sẽ tăng thêm, với ngành thời trang cũng vậy. Để trở thành designer, dù các bạn trẻ có mục tiêu như thế nào thì giai đoạn mới tốt nghiệp là thời điểm rất cần sự hỗ trợ. Thêm nữa, đằng sau sự say mê sáng tạo, các designer trẻ có thể định hình công việc trong tương lai ở chính thời điểm “bước đệm” này.

* Theo bà, hỗ trợ cụ thể cần thiết cho sinh viên ngành thời trang mới tốt nghiệp là gì?

Chẳng hạn, các bạn thiết kế trẻ có thể tham gia công việc thực tế trong các show diễn thời trang lớn. Như chương trình thời trang mới đây do Viện Thiết kế A Designer kết hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện, quy tụ 8 nhà thiết kế trong đó có những designer trẻ, trình diễn trước công chúng hơn 100 thiết kế trong suốt chương trình tại khu vực phố bích họa Phùng Hưng. Hoạt động thực tế này khiến các nhà thiết kế thời trang tiếp cận nhanh nhất với công chúng.

Kể cả trong những chương trình lớn như vậy, chúng tôi cũng trao cho các nhà thiết kế trẻ quyền sáng tạo và khả năng chủ động ở chương trình. Được cọ xát qua các chương trình thực tế giúp nhà thiết kế đối diện với những lời khen - chê từ công chúng.

* Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ