Dẹp bỏ tâm lý sợ thua của trẻ quen được nuông chiều

Sẽ là một thiệt thòi lớn cho con nếu không được bố mẹ dạy cho cách đối diện với thất bại...

Dẹp bỏ tâm lý sợ thua của trẻ quen được nuông chiều

"Con sợ thua, bố mẹ đau đầu" - Đó là chia sẻ rất thật của vợ chồng anh Mạnh, quận Long Biên Hà Nội khi nói về cậu con trai, bé Nam 8 tuổi của mình. 

Anh chị cho biết, ngay từ nhỏ, con được ông bà, bố mẹ cưng chiều, chơi cái gì cũng được mọi người nhường cho thắng cuộc. Vì vậy, khi chơi với các bạn, thắng thì không sao nhưng nếu bị thua là con khóc, ăn vạ và thậm chí bỏ chơi luôn. 

Nhận thức được tâm lý sợ thua của con có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần thi đua, vượt qua khó khăn của con sau này, vợ chồng anh Mạnh đã quyết tâm tìm hiểu cách "điều trị" cho con, kiên trì phối hợp thực hiện. Sau một thời gian, bé Nam đã tiến bộ rõ rệt, mạnh dạn và tự tin chơi với các bạn mà không còn tâm lý sợ thua như ban đầu nữa.

Tìm hiểu lý do con sợ thua

Tùy theo từng hoàn cảnh, môi trường sống mà con sẽ có những lý do sợ thua của riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết các con sợ thua bởi vì nếu thua, con sẽ bị bố mẹ, anh chị hay bạn bè trêu chọc theo kiểu "lêu lêu, thế mà cũng bị thua, thế mà cũng không làm được kìa" hoặc "chơi kém thế, bảo sao toàn thua" hoặc "đứa thua là đứa dốt nhất nhà"... 

Có lý do khác, giống như trường hợp nhà anh Mạnh, từ nhỏ vì được người lớn nhường cho thắng nên bé Nam lầm tưởng con là giỏi nhất, là người luôn chiến thắng. Vì vậy, khi ra ngoài chơi với bạn, khi bị thua, con chưa chuẩn bị cho "tâm lý thua" nên cảm thấy "sốc", khóc lóc và bỏ chơi. 

Ngay cả khi con là một cá nhân ưu tú, luôn thắng trong nhiều trò chơi hay giành giải nhất trong học tập, bố mẹ cũng cần chuẩn bị "tâm lý thua" cho con để không bị cay cú, thất vọng khi mình thực sự bị thua.

Nói chuyện với con về câu chuyện thắng thua

Bố mẹ có thể bắt đầu nói với con câu chuyện về chiến thắng trước và truyện "Rùa và thỏ" là một câu chuyện hay để dạy cho con bài học về lòng kiên trì cùng giá trị của chiến thắng. 

Sau đó, bố mẹ phát triển theo hướng, con có thể thắng trong trận đấu bóng này nhưng trận khác, con vẫn có thể bị thua. Vì thế, con không nên tỏ ra kiêu ngạo, đắc thắng và tự cho mình là giỏi nhất rồi chế giễu người thua cuộc. 

Còn khi con bị thua, con không nên tự ti cho rằng mình kém cỏi mà không thể giành chiến thắng. Bố mẹ hãy cho con biết thua cuộc không phải là điều tồi tệ nhất mà có thể lại là một lợi thế vì từ đó con sẽ học được nhiều kinh nghiệm quý giá.

dep-bo-tam-ly-so-thua-cua-tre-quen-duoc-nuong-chieu

Trẻ không được dạy cách đối mặt với thất bại sẽ khó thành công.Ảnh minh họa: HTB.

Khích lệ và cùng con tham gia các cuộc chơi, các môn thể thao đối kháng 

Trẻ có tâm lý sợ thua thường hay chọn các môn thể thao mang tính đồng đội như đá bóng, bóng ném, bóng rổ hay môn mang tính biểu diễn như múa, hát, võ thuật. 

Bố mẹ nên lưu ý để vẫn cho con chơi các môn con thích nhưng khuyến khích con tham gia thêm môn thể thao đối kháng như bóng bàn, cầu lông hay đá cầu để con được đối mặt với mỗi trận thắng thua của riêng mình.

Trước tiên, bố mẹ hãy chơi cùng con, đóng vai là đối thủ của con, khích lệ con chơi một cách "sòng phẳng" để có được một kết quả chân thực nhất. Dù thắng hay thua, con cũng sẽ dần quen với cảm giác đón nhận một kết quả vô tư, không thể đoán trước hoặc không bị "dàn xếp". 

Anh Mạnh chia sẻ: "Lúc đầu, bố chơi đá cầu với con, con bị thua liên tục. Con rơm rớm nước mắt và định bỏ chơi. Nhưng khi nghe bố động viên, con quay lại chơi và có sự tiến bộ rõ rệt". 

Sau này, bé Nam đã thích chơi đá cầu với các bạn, nếu thua, bé chẳng ngại kể về thất bại của mình cho bố mẹ nghe và còn quyết tâm ngày mai con chơi tốt con sẽ thắng thôi..

Cùng con chia sẻ tâm trạng sau mỗi cuộc chơi

Sau mỗi lần con tham gia thi đấu thể thao, thi đua các môn học ở trường... dù kết quả tốt hay xấu, thắng hay thua so với kỳ vọng, bố mẹ nên cùng con chia sẻ một cách thẳng thắn. 

Nếu con là người chiến thắng, bố mẹ hãy chỉ con chia sẻ niềm vui chiến thắng bằng cách biết tôn trọng người thua cuộc, không tự kiêu ngạo mạn. 

Nếu con thua hoặc đạt thành tích kém, bố mẹ tránh tỏ ra cay cú, tức giận rồi trách mắng con mà hãy để cho con "gặm nhấm" thất bại một lúc rồi hãy ở bên con và lau nước mắt cho con. 

Sau đó, cũng chính bố mẹ là người động viên con, truyền cho con cảm hứng để tiếp tục tham gia vào các cuộc thi khác, tự tin vào bản thân mình chứ không bị chìm đắm vào cảm giác thua cuộc quá lâu. 

Theo Ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ