Đến với khoa học bằng đam mê, nghiêm túc, trách nhiệm

GD&TĐ - Cuộc thi KHKT học sinh trung học quốc gia khu vực phía Bắc đã tập hợp 249 dự án xuất sắc nhất ở các tỉnh về tranh tài. Điều đáng ghi nhận nhất chính là thái độ đối với việc nghiên cứu, sáng tạo KHKT của các em.

Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) thuyết trình trước Bộ trường Phùng Xuân Nhạ về dự án phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh
Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) thuyết trình trước Bộ trường Phùng Xuân Nhạ về dự án phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh

Nghiên cứu thật, làm thật, ra sản phẩm thật

Hù Cố Giang là học sinh lớp 8A, Trường THCS xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Giang đem đến cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dự án Bước đầu nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng sổ tay ngữ pháp tiếng Si La.

Nói về dự án của mình, Hù Cố Giang cho biết: “Em là người dân tộc Si La, một trong những tộc người ít nhất ở vùng Tây Bắc với nhiều phong tục, tập quán văn hóa đẹp, đặc sắc. Tuy nhiên bây giờ, người Si La lại không sử dụng tiếng nói của dân tộc mình nhiều như trước, mà chủ yếu nói tiếng Kinh.

Ngay cả bạn bè của em cũng vậy, chỉ biết nói những từ đơn giản, không thể dùng từ, đặt câu chính xác. Trong khi đó, người Si La lại chưa có chữ viết, mà chỉ có tiếng nói, truyền miệng với nhau từ đời này qua đời khác. Nếu như mọi người càng ngày càng ít nói tiếng Si La, thì có nguy cơ cao bị mai một, mất đi tiếng nói của mình”.

Máy hỗ trợ tập các kỹ năng cơ bản môn bóng chuyền
Máy hỗ trợ tập các kỹ năng cơ bản môn bóng chuyền

Chính vì thế, Giang và và người bạn tên Đêm đã có ý tưởng thực hiện một cuốn sổ tay, ghi lại cấu trúc ngữ pháp, từ loại, cụm từ tiếng Si La theo phiên âm tiếng Việt. Hiện cuốn sổ đã được giới thiệu đến các bạn trong trường THCS Kan Hồ và được các bạn đón nhận. Sau này, em mong muốn nó sẽ được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Si La. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa Si La.

Thu hút khá nhiều người quan tâm là dự án Mặt nạ dưỡng da do người điều khiển con tằm tự dệt của 2 học sinh Nguyễn Hữu Công và Lê Minh Ánh (Trường THCS Phù Lưu Tế - Mỹ Đức, Hà Nội). Hai em cho biết, quê hương của mình có làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống lâu đời. Kén tằm không chỉ có thể lấy sợi dùng để dệt vải lụa mà còn nhiều loại dưỡng chất, nhất là Fibroin và Seicin là hai loại protein có tác dụng dưỡng da, làm sạch mụn rất tốt. Vì thế, hai em đã tiến hành nghiên cứu và chế ra sản phẩm mặt nạ dưỡng da.

Em Nguyễn Hữu Công cho biết: “Theo bản năng, con tằm nó sẽ nhả tơ và tạo kén quanh bản thân mình, thành mọt tổ kén hình tròn. Vì thế, để làm được mặt nạ, chúng em đã tạo ra một khung gỗ hình mặt người, đánh lừa con tằm để nó nhả tơ trên mặt phẳng đó. Cùng với một số điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, sẽ có được chiếc mặt nạ nguyên chất tơ tằm, không có hóa chất gì khác”.

Được biết, dự án của các em đã ra thành phẩm, bán ra thị trường với giá khoảng 20.000 đồng/mặt nạ. Đặc biệt, chiếc mặt nạ có thể dùng được nhiều lần chứ không phải một lần. Sau khi dùng xong, người dùng giặt sạch, bảo quản vào tủ lạnh, lần sau lấy ra ngâm vào nước ấm để dùng tiếp.

Cô Vũ Thị Kim Dung – GV hướng dẫn 2 em cũng chia sẻ: Hiện đã có một số đơn đặt hàng, có cả đơn từ nước ngoài, họ rất thích sản phẩm của các em.

Còn 2 cậu học sinh Đoàn Duy Hùng và Vũ Đức Nghĩa (THCS Phú Long, huyện Nho Quan, Ninh Bình) lại sáng chế ra máy hỗ trợ các kỹ năng cơ bản môn bóng chuyền, với mục đầu tiên là giúp thầy giáo thể dục.

“Môn bóng chuyền là môn thể dục tự chọn mà em và nhiều bạn khác đăng ký học. Nhưng trong tiết thể dục, một mình thầy phải liên tục hỗ trợ từng bạn tập các kỹ năng cơ bản đầu tiên. Vừa vất vả lại không có đủ thời gian. Vì thế em và bạn đã sáng tạo ra máy hỗ trợ giúp đưa, đẩy bóng ra ngoài để các bạn tập chuyền, đệm bóng, chắn bóng…”, Hùng nói. Hiện sản phẩm này đã được sử dụng trong các giờ thể dục của trường THCS Phú Long.

Giải pháp cho những vấn đề nóng

Em Công giới thiệu sản phẩm mặt nạ từ con tằm tự dệt
Em Công giới thiệu sản phẩm mặt nạ từ con tằm tự dệt

Cuộc thi năm nay ghi nhận sự vượt trội về số lượng và chất lượng của các dự án thuộc nhóm lĩnh vực khoa học xã hội hành vi với 43 dự án. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu vào giải quyết những vấn đề đang nóng, có thật, và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, học tập, lối sống của chính lứa tuổi học sinh.

Nhóm học sinh Dương Khánh Linh và Thái Thị Thúy Quỳnh của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh Nghệ An đem đến cuộc thi dự án Phát triển kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh trung học. Giải pháp đưa ra là ngoài tăng cường tuyên truyền, thì các trường học phải đưa giáo dục giới tính vào trong nhà trường, đặc biệt là bậc Tiểu học, THCS – đây mới là những lứa tuổi cần được giáo dục giới tính nhất. Thành lập các ban, hoặc phòng tư vấn tâm lý để làm nơi cho các bạn tìm đến chia sẻ. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội, cơ quan chức năng…

Hay như dự án nghiên cứu hội chứng “thao túng tinh thần” đời sống học sinh của em Nguyễn Thị Thảo My và Phan Huyền Nhung (THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái) cũng được rất nhiều người quan tâm. Trước đây, người ta vẫn thường nhắc đến việc “thao túng tinh thần” trong đời sống vợ chồng, phần lớn là người chống đối với vợ. Nhưng chưa có một nghiên cứu toàn diện, cụ thể nào về tác động của thao túng tinh thần đối với học sinh tại Việt Nam.

Hai em đã làm phiếu khảo sát về thực trạng thao túng tinh thần trong các mối quan hệ: Cha mẹ - con cái trong định hướng tương lai, nghề nghiệp; thầy cô – học sinh trong đánh giá phẩm chất, năng lực người học; và học sinh – học sinh trong định giá giá trị bản thân.

Từ đó, đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể, đã, đang và sẽ thực hiện trong trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành như: tạo trang Fanpage trên Facebook, tổ chức các cuộc thi vẽ, kể chuyện, trò chơi, làm phim ngắn, đăng hình ảnh, clip lên Youtube, thành lập mô hình giáo dục kỹ năng phóng chống hội chứng thao túng tinh thần…

Các bạn đề nghị nhà trường giúp đỡ thực hiện các buổi tọa đàm, hội thảo, tiết học ngoại khóa về chủ đề này. Đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện rộng rãi có sự tham gia của phụ huynh và giới thiệu các cuốn sách, phim do mình làm để có được sự chia sẻ, thay đổi trong cách nhìn của bố mẹ tới con cái…

Những dự án của học sinh tại cuộc thi KHKT năm nay, có thể vẫn không tránh khỏi một số hạn chế nhất định: Về sự hoàn thiện của sản phẩm, tính khả thi trong thực tế, hoặc một số ý tưởng cần một môi trường nghiên cứu rộng lớn hơn tại trường ĐH hoặc các viện nghiên cứu…

Tuy nhiên, các em đã thực sự đến với nghiên cứu khoa học bằng đam mê, nghiêm túc, trách nhiệm. Đó là điều rất đáng trân trọng và cần được tạo điều kiện, khuyến khích hơn nữa để phong trào này lan tỏa, ứng dụng kết quả vào thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.