Đến thăm ” Thành phố lăng mô“

GD&TĐ - Nằm cách thành phố Huế hơn 45 km, làng An Bằng của xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế từ lâu đã nổi danh là “thành phố lăng mộ” xa hoa vào bậc nhất nước. Đằng sau những lăng mộ trị giá hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ là những chuyện cười ra nước mắt. Vì sao ở Huế, đặc biệt là ở An Bằng, người ta lại có thể quên đi những nhu cầu thường trực của bản thân mình để "sống" cho người đã chết một cách vẹn toàn và... quá đáng đến như vậy.

Đến thăm ” Thành phố lăng mô“

Không mồ mả đố ả làm nên?

Cũng như ở xã vùng biển Phong Hải và nhiều vùng quê khác, chuyện lăng mộ ở làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bắt đầu manh nha rồi rộ lên từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, lứa con em đầu tiên của An Bằng vượt biển qua Mỹ từ những năm 1990 bắt đầu làm ăn khấm khá, tích cóp được chút tiền của gửi về quê phụ giúp gia đình.

Ông Đỗ Thanh - một người dân An Bằng - nhớ lại: Lúc đầu, người thân ở hải ngoại gởi rất nhiều tiền về chủ yếu để chi tiêu, mua sắm vật dụng trong nhà nhằm bù đắp lại cho những tháng ngày khốn khó trong thời bao cấp.

Dần dần, sự bù đắp này gắn liền với những nhu cầu như xây nhà mới cho khang trang hơn, sau đó là xây dựng nhà thờ họ, đình làng và cuối cùng là lăng mộ cho cha ông với ý nghĩ: "Mình đang nhà cao cửa rộng thì cha mẹ mình dưới âm phủ cũng phải nhà cao cửa rộng, thậm chí phải là biệt thự, biệt phủ thì sự báo hiếu mới xứng đáng...”, ông Thanh khoe.

Sợ bị lạc đường giữa "thành phố ma" sầm uất này, tôi nhờ anh Phát - một chủ thầu đang xây dựng lăng ở đây dẫn đường. Anh Phát dẫn tôi đến khu lăng của gia đình ông Lê Phú khi ông Phú vừa đến thăm lăng.

Lăng của gia đình ông Phú được xây dựng theo kiến trúc tổng hợp trên diện tích khoảng 300m2, cao hơn 5m, được trang trí bằng hàng loạt đầu rồng và những nét hoa văn cầu kỳ. Tầng trên cùng của lăng thiết kế hình bát úp nóc tròn theo kiểu hoàng lăng ở Ấn Độ…

Theo ông Phú, lăng này gia đình ông xây hết 70 nghìn đô la, tiền do con cái là Việt kiều chu cấp. "Cha mẹ nuôi mình nên người, giờ mình không biết đền đáp công ơn sinh thành bằng cách nào nên xây cái lăng thiệt to để báo hiếu".

Ông Lê Văn Lân - một người dân khác cùng đi góp chuyện: "Thật ra thời gian đầu, lăng mộ ở An Bằng cũng bình thường thôi chứ không đến mức cái mô cái nấy to hơn cả cái đình làng như chừ". Theo ông Lân thì mọi sự bắt đầu thay đổi khi có một vài Việt kiều về quê, ra xem lăng mộ ông bà mà trước đó mình đã gửi tiền về xây cất bỗng nhiên phát hiện ở bên cạnh có một cái lăng hình như to hơn, kiểu dáng đẹp hơn.

Họ hỏi người nhà đây là lăng của ai? Sau khi có câu trả lời thì họ sa sầm mặt lẩm bẩm đại ý "tưởng ai chớ nhà ông nớ, ở Việt Nam lâu nay gia cảnh vốn không hơn nhà mình, mấy đứa con ở bên Mỹ tiền cũng không nhiều bằng con nhà mình. Vậy cớ chi lăng mộ ông bà hắn lại được xây to hơn, đẹp hơn lăng mộ ông bà nhà mình".

Đáng nói là câu hỏi và những suy nghĩ kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy" như vừa kể không phải là sản phẩm của một nhóm người đơn lẻ, mà nó có tính lây lan rất nhanh như dịch bệnh trong cộng đồng. Hệ quả là những năm tháng sau đó, những cuộc "chạy đua vũ trang" đã nổi lên ở An Bằng.

"Cả một thời gian dài, mấy khu nghĩa địa ở An Bằng như một đại công trường rầm rộ suốt ngày đêm do tâm lý lăng làm sau phải to đẹp hơn lăng làm trước và lăng làm trước cũng... phải làm lại lần nữa sao cho to đẹp hơn lăng làm sau. Do địa phương lúc đó chưa có quy hoạch cụ thể nên ở đây mạnh ai nấy làm, lăng to, rộng cỡ nào là phụ thuộc vào... túi tiền, nên cá biệt có những cái lăng chiếm cả khu đất rộng hơn 1.000m2", ông Lân kể.

Phú quý sinh lễ nghĩa

Cụm từ "thành phố lăng", hoặc "thành phố ma" xuất hiện trên báo chí Việt Nam từ những năm 1990, bởi các nhà báo choáng ngợp đến mức không tin vào mắt mình khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở An Bằng rồi so sánh với đời sống kinh tế của người dân lúc đó vốn đang rất khó khăn.

Đã có không biết bao nhiêu tác phẩm báo chí viết về "thành phố" này với âm hưởng chung là lên án việc người chết được người sống cung phụng một cách xa hoa, hoang phí đến mức... đau lòng. Nhưng bây giờ, xem ra gọi “thành phố” thì đã quá lạc hậu, bởi những năm 1990, cái lăng to nhất, đẹp nhất ở đây cũng chỉ có 300-400 triệu đồng/cái; còn bây giờ, lăng ở đây, loại đẹp nhất đã từ 1-2 tỉ đồng/cái, cá biệt như lăng mộ tổ họ Lê đang xây dựng, ước tính giá phải hơn 3 tỉ đồng.

Hiện "thành phố ma" có tổng diện tích khoảng 40ha, toạ lạc trên phần đất của 4 thôn: Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ với hàng ngàn, hàng ngàn lăng mộ nằm chen chúc nhau không một lối đi. Tuy ở cách khá xa nhau, nhưng nếu là người lạ thì sẽ không biết được chỗ nào với chỗ nào, thậm chí đi lạc không tìm thấy lối ra do các lăng mộ xây dựng liền nhau, kiến trúc lại na ná về sự cao và to lớn cũng như kiểu dáng, hoạ tiết...

Điều lạ nữa là ở An Bằng, bây giờ người ta không chỉ xây dựng lăng mộ cho người chết mà còn cho cả những người đang sống. "Phải làm trước như ri mới theo ý mình được chú nợ" - ông Nguyễn Văn L (73 tuổi, ở An Bằng) cười móm mém khoe với tôi về "ngôi biệt thự" mà con cháu chuẩn bị trước cho ông ngày trăm tuổi, khi tình cờ gặp ở khu nghĩa địa Trung Hải (An Bằng).

Cũng như bao buổi chiều khác trong tuần, ông L lại ra quét dọn khu biệt thự với lối kiến trúc triều Nguyễn pha lẫn Phật giáo trị giá gần 800 triệu đồng đã được xây dựng từ cách đây 3 năm, bên trong có hai phần mộ đào sẵn cho ông và vợ ông, dù hai người vẫn... còn đang sống mạnh khoẻ. Ông kể: "Người già ở đây bữa ni ai cũng xây sẵn nhà cho mình như ri hết. Chưa chết mà biết mình được chôn ở mô, kiến trúc ra răng vui và thoả mãn lắm rồi chú ơi...".

Đến thăm ” Thành phố lăng mô“ ảnh 1Đến thăm ” Thành phố lăng mô“ ảnh 2Đến thăm ” Thành phố lăng mô“ ảnh 3Đến thăm ” Thành phố lăng mô“ ảnh 4Đến thăm ” Thành phố lăng mô“ ảnh 5Đến thăm ” Thành phố lăng mô“ ảnh 6

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ