(GD&TĐ) - Không lo sao được khi mà đã thành thông lệ, cứ vào mùa mưa bão, hễ mưa to là… lụt lớn. Đường lớn ngập, đường nhỏ ngập. Hình ảnh đường phố thành sông sau mỗi trận mưa đã trở thành một trong những hình ảnh không đẹp của Hà thành – thành phố vẫn tự hào đang từng ngày vươn mình lên với tầm vóc văn minh, hiện đại. Trước thềm mùa mưa bão 2011, các đơn vị chức năng của thành phố lại đang thông báo đã và chuẩn bị nhiều phương án nhằm ứng phó, giảm thiểu ngập lụt. Tin thì vẫn tin, là lo thì cứ lo…
Nỗi niềm phố lại thành sông
Còn nhớ tại cuộc họp trực tuyến Phòng chống lụt bão năm 2011 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tháng 3/2011, ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia- đã nhận định mùa mưa bão năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Trong khi đó, lượng mưa năm nay đạt mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiềm năm. Lại hãy nhớ, mấy năm gần đây là những năm mưa nhiều. Người dân Hà thành hẳn chưa quên trận mưa đầu mùa hồi đầu tháng 5/2011, chỉ sau 2 – 3 giờ đồng hồ mà cả nội thành ngập nước, với hình ảnh được coi điển hình là một “ông Tây” mặc comple quần xắn đến gối, tay xách giày lội nước trên phố Hai Bà Trưng để đến văn phòng.
Ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia- đã nhận định mùa mưa bão năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Trong khi đó, lượng mưa năm nay đạt mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm. |
Hình ảnh này được một tờ báo lớn trong nước đăng tải và nhiều cơ quan thông tấn quốc tế sử dụng lại. Với người ngoại quốc, đó có thể là hình ảnh lạ. Nhưng với người dân Hà thành, chẳng có gì là lạ. Cũng như chẳng ai lấy làm lạ khi năm nào trước mùa mưa bão, các cơ quan chức năng cũng khẳng định đã và đang nỗ lực tối đa để phòng chống ngập lụt, để rồi hễ trời mưa hơi to một chút (hơi to một chút thôi), nỗi niềm phố thành sông lại về...
Nói vậy có vẻ mất quan điểm và thiếu niềm tin. Khách quan mà nói, hệ quả cũng là do Hà Nội đang trên đà phát triển với tốc độ xây dựng khá chóng mặt mà thiếu hẳn một sự quy hoạch khoa học.
Hệ quả của những năm chỉ lo ưu tiên cho “phát triển nóng” và bây giờ các cơ quan chức năng buộc phải xoay xở ứng phó. Cũng công bằng mà nhận định, việc đầu tư cho hệ thống cấp thoát nước thành phố đã được triển khai nghiêm túc hơn trong mấy năm gần đây.
Hình ảnh quen thuộc của Hà Nội mỗi mùa mưa bão gần đây |
Chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2011 này, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hệ thống thoát nước tại một số khu vực đã được hoàn thiện do kết quả duy tu, duy trì, cải tạo và đầu tư xây dựng của năm 2010. Cụ thể là dự án nâng công suất cải tạo trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây; cải tạo các hồ Bảy Mẫu, Đống Đa, Hố Mẻ; cải tạo hệ thống thoát nước phố Hồng Mai, Phù Đổng Thiên Vương...
Năm nay, hệ thống sông, kênh mương, cống thoát nước của thành phố với tổng chiều dài 46,45km đã được cải tạo trong dự án thoát nước giai đoạn I đang phát huy hiệu quả. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 56 hồ điều hòa đóng vai trò quan trọng trong giải quyết úng ngập cục bộ. Một số hồ được cải tạo trong năm 2010 theo dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội và theo đề án cải tạo môi trường hồ nội thành đã hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ nâng khả năng thoát nước trong mùa mưa. Hệ thống trạm bơm thoát nước gồm trạm đầu mối Yên Sở, 18 trạm bơm cục bộ, các đập điều tiết được bảo dưỡng sửa chữa xong trong quý I, sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ theo công suất thiết kế.
Nghĩa là, vẫn như mọi năm, Hà Nội vẫn luôn sẵn sàng, nhưng là sẵn sàng với những thứ đã có, với vẫn từng ấy trạm bơm, từng ấy hồ chứa, hệ thống thoát nước…; có chăng chỉ là được cải tạo, sửa chữa.
Nghĩa là, theo ngôn ngữ dân gian, chả khá hơn được là mấy. Cái cần đối với một thành phố như Hà Nội để ứng phó với mưa lũ là mở rộng hệ thống thoát nước đồng bộ thì vẫn chưa thấy đâu hoặc vẫn đang trong quá trình thi công...
Trăm dâu đổ đầu... điểm ngập
Ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, phố Quán Thánh, Ngọc Khánh, Đội Cấn, ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, phố Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, ngã tư Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, đường Lĩnh Nam, đường Trương Định… Đó là những điểm ngập úng “khét tiếng” của thành phố những năm qua mỗi mùa mưa bão, và cũng vẫn là “trọng điểm” trong số 23 điểm ngập úng có khả năng tái hiện mùa hè này nếu có một trận mưa lớn hơn 100mm (theo tính toán của Công ty Thoát nước Hà Nội).
Số điểm ngập úng được chỉ mặt đặt tên này dù đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm tiêu thoát nước của thành phố. Trong khi đó, đến thời điểm cuối tháng 4/2011, hàng loạt công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, làm đường giao thông như cống hóa mương Hào Nam - Yên Lãng, cống hóa làm đường bên trên mương Thái Thịnh, dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở… vẫn đang trong quá trình thi công, đã gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Một số khu vực nội thành vẫn còn thiếu cống thoát nước như ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy…
Trạm bơm Yên Sở (nơi bơm thoát phần lớn nước thải của thành phố) vừa được nâng cấp công suất để đón mùa mưa bão 2011 |
Bản thân các “điểm đen” không có tội. “Tội” ở đây là ngay từ khi quy hoạch xây dựng, chúng ta đã thiếu một hệ thống thoát nước khoa học. Thiếu chứ không phải không có. Nhưng những gì đã có vốn đã không đủ lại còn bị phá huỷ hay làm hạn chế chức năng bởi việc thi công các công trình hạ ngầm hệ thống điện, lắp đặt ống nước và nhiều hạng mục khác. Nước không có lối thoát, đường thành sông là lẽ đương nhiên
Theo tài liệu ghi lại, năm 1984, Hà Nội cũng bị mưa to, cũng bị ngập nhưng thoát rất nhanh. Tức là chỉ bị ngập cục bộ rồi được giải quyết nhanh chứ không bị ngập trên diện rộng như trận mưa lịch sử cuối tháng 10 năm 2008 hay “đỡ” hơn một chút là trận mưa đầu mùa tháng 5/2010.
Theo nhiều chuyên gia, không phải các công trình thoát nước thời điểm đó tốt hơn hiện nay mà nguyên nhân là do Hà Nội có nhiều ao hồ để điều hoà nguồn nước. Tuy nhiên hiện nay, với xu thế phát triển cũng như quá trình đô thị hoá, hàng ngàn ha mặt nước bị lấn chiếm khiến hệ thống thoát nước tự nhiên bị thu hẹp dần dẫn đến sự mất cân bằng trong phát triển đô thị. Chưa kể vấn đề quan trọng cơ bản hàng đầu trong việc quy hoạch hệ thống thoát nước của Hà Nội là việc định hình xây dựng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các ban ngành.
Trong quy hoạch xây dựng, để đảm bảo việc thoát nước, bất kỳ đô thị nào cũng phải có một cao độ chuẩn cho cả đô thị hoặc cho riêng từng khu vực. Cao độ chuẩn này đặc biệt quan trọng vì khi xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước, bao giờ cũng phải dẫn từ cao độ chuẩn với độ dốc từ 5 - 7% hoặc thấp hơn tuỳ theo địa hình từng đô thị để có thể đảm bảo nguồn nước thoát, nước mặt nước mưa tự chảy. Trong các khu phố ở Hà Nội do người Pháp quy hoạch từ thời thuộc địa, nhất là các khu phố cổ gần Hồ Gươm, vấn đề này đã được giải quyết rất tốt, do vậy dù đây là nơi có mật độ tập trung dân cư lớn nhất thành phố, nhưng ngập ít xảy ra và nếu có thì nước cũng rút rất nhanh.
Đáng tiếc trong kiểm tra quy hoạch những năm gần đây, rõ ràng Hà Nội không xác định được một cao độ chuẩn để từ đó xác định ra hướng thoát nước tự nhiên, đồng thời cùng chuyển giao cho một số cơ quan nhà nước quản lý và dời cốt xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Hệ quả tất yếu là, khi trời mưa, các đô thị vẫn ngập hơn so với khu phố cổ quanh Hồ Gươm. Được biết thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu các ngành liên quan nghiên cứu khắc phục tình trạng này. Nhưng tới nay, vấn đề này chưa được khắc phục.
Vậy nên, đến hẹn lại lên, mỗi mùa mưa bão về, người dân Hà thành lại được xẻ chia với người dân đồng bằng sông Cửu Long khi sau một trận mưa lớn lại thấy những “kênh rạch” chằng chịt trong lòng thành phố.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện các dự án triển khai mới chỉ đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu xây dựng, phát triển các dự án thoát nước đô thị thành phố Hà Nội. |
Như Nguyễn