Đề xuất triết lý GD Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH

Đề xuất triết lý GD Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH

(GD&TĐ) - Sáng nay 19/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học GD Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Triết lý GD Việt Nam. Tham dự Hội thảo có: GS.TSKH Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; GS.TS Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT, cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực chính trị, văn hóa xã hội và quản lý GD. 

Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu là làm sáng tỏ triết lý GD Việt Nam, nhất là từ cách mạng tháng 8 đến Đại hội XI của Đảng CSVN, góp phần cập nhật, đề xuất phát triển triết lý GDVN thời kỳ phát triển mới của đất nước; khắc phục các hiểu lầm, từ chỗ phủ nhận triết lý GDVN đi đến phủ định sạch trơn thành tựu GD 65 năm qua; cung cấp tài liệu có thể phổ biến trong toàn ngành cũng như trong xã hội các tư tưởng chính thống chỉ đạo chấn hưng nền GD nước nhà theo chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện nền GD” của Đảng.

Thông qua Hội thảo, nhằm trao đổi học thuật về khái niệm triết lý GD; các quan niệm về triết lý GD ở Việt Nam trong thời gian qua; đề xuất triết lý GDVN thời kỳ CNH-HĐH, kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính vì thế, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rộng rãi, đóng góp ý kiến sâu sắc của các nhà khoa học, các nhà quản lý GD.

Đề xuất triết lý GD Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH ảnh 1
 Các đại biểu dự hội thảo

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, muốn thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT” và “chiến lược GD- ĐT 2011- 2020” phải có triết lý GDVN. Triết lý GD là: ý nghĩa sâu xa đã được trải nghiệm; tư tưởng GD (cả đào tạo); lý luận chung về GD; Đường lối, chủ trương, chính sách phát triển GD; phương châm, nguyên lý chỉ đạo. Đặc biệt, triết lý GDVN được tiến hành nghiên cứu thông qua các chủ đề như: GD Thăng Long- Hà Nội; cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX; tư tưởng GD của Hồ Chí Minh; Đường lối GD của Đảng Cộng sản Việt Nam; thời kỳ đổi mới.

Còn GS. TS Dương Phú Hiệp nhấn mạnh: tôi cho rằng triết lý là những tư tưởng có tính chất triết học áp dụng vào một hoạt động, quan hệ nào đó. Vận dụng những tư tưởng đó để bàn về một số quan hệ trong quan hệ GD. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của GD trong xã hội hiện nay. GD tạo ra nguồn nhân lực, là rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH. Bởi vậy lúc sinh thời Bác Hồ từng nói: “dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

GS.TSKH Đào Trọng Thi lại nhấn mạnh: các tư tưởng GD truyền thống cần được phát triển, nâng cao và bổ sung thêm những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu của nền GDVN trong thời kỳ đổi mới. Tư duy độc lập, sáng tạo là phẩm chất quan trọng đối với nhâ lực trình độ cao trong thế giới hiện đại. Năng lực tư duy độc lập, sáng tạo có thể rèn luyện thông qua hoạt động tự học và tự nghiên cứu khoa học…vv.

Cũng tại Hội thảo, GS. Phan Trọng Luận- ĐHSP Hà Nội đã đưa ra những quan điểm của mình khi bàn về triết lý GD. Theo GS Luận, triết lý GD là loại kiến thức siêu kiến thức của GD. Trong nghiên cứu GD cũng đòi hỏi minh triết về triết lý GD trước khi bắt tay vào đổi mới quá trình GD là việc cần làm trước tiên. Thuật ngữ triết lý GD có nhiều cách hiểu khác nhau. Vấn đề là phải xác định tường minh các cấp độ khác nhau giữa triết lý của nền GD với tư tưởng triết lý được thể hiện qua các bộ phận của cơ cấu và quá trình GD.

Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ