Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi giờ làm

GD&TĐ - Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (lần thứ 2) của Bộ LĐ-TB&XH đề cập nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý nhất là tăng tuổi nghỉ hưu và thay đổi giờ làm việc.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất thời điểm nghỉ hưu của nam giới là 62 tuổi (ảnh nguồn ILO).
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất thời điểm nghỉ hưu của nam giới là 62 tuổi (ảnh nguồn ILO).

Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án Theo đó, Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Theo Ban soạn thảo, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai và hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi giờ làm ảnh 1
  • Thời gian làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp dự kiến từ 8 giờ 30 - 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút. Ảnh: TG.

Thống nhất giờ làm việc từ 8 giờ 30

Cùng với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đề xuất thay đổi thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính... cũng là một vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Hiện nay, việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế có một số tồn tại: Không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan Trung ương và địa phương.

Các cơ quan Trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau. Chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Số liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60 - 62 chiếm 37,5%; Tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60 - 62 chiếm 47,2%. 

Trên cơ sở tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, nhà quản lý, công chức và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 - 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút, trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để bảo đảm liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Theo Ban soạn thảo, phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Bổ sung ngày nghỉ lễ, mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ

Bên cạnh các vấn đề trên, đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động còn có những nội dung đáng chú ý khác như: Mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ.

Sau khi nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: Từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Đề nghị bổ sung ngày nghỉ lễ để nhân dân có một ngày được nghỉ làm việc thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước.

Ban soạn thảo cho rằng, ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công vào ngày 27/7 dương lịch là phù hợp. Việc bổ sung ngày nghỉ lễ thực chất là việc điều chỉnh các ngày nghỉ lễ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt khoảng thời gian 4 tháng, từ ngày 2/5 - 1/9 hiện không có ngày nghỉ lễ nào.

Việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của Ngày Thương binh, liệt sỹ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam và tương đồng với phong tục, tập quán lựa chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…