Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với sĩ quan biệt phái công tác trong ngành GD-ĐT

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với sĩ quan biệt phái công tác trong ngành GD-ĐT

(GD&TĐ) - Chiều nay (22/11), Hội thảo về công tác sĩ quan biệt phái đang công tác trong ngành GD-ĐT, do Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cùng Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Hùng đồng chủ trì đã diễn ra tại Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga; Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN Phạm Xuân Hùng đồng chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga; Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN Phạm Xuân Hùng đồng chủ trì Hội thảo
Từ khi có Nghị định 219/CP ngày 28/12/1961 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ, việc huấn luyện quân sự phổ thông đã được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường từ phổ thông trung học đến cao đẳng, đại học với mục đích chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đáp ứng cho quốc phòng khi có tình huống xảy ra.
Kể từ đó, việc huấn luyện quân sự phổ thông được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển mới
Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Quốc phòng củng cố tổ chức, biên chế đội ngũ sĩ quan biệt phái tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số trường đại học, cao đẳng, hình thành hệ thống tổ chức quản lý, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng trong ngành giáo dục và đào tạo chặt chẽ, hiệu quả hơn. 
Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo
Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo
Hiện nay, trong tổng số 34 trường ĐH, CĐ có sĩ quan biệt phái (SQBP) với số lượng giảng viên là 340 được tổ chức biên chế thành 11 trung tâm giáo dục quốc phòng, 11 khoa và 12 bộ môn.
Trong những năm qua, đội ngũ sĩ SQBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Tuy nhiên, tổ chức, biên chế đội ngũ sĩ quan biệt phái trong ngành giáo dục chưa được xác định rõ ràng các TTGDQP-AN trên phạm vi toàn quốc; việc điều động, bổ nhiệm chưa đúng theo quy định của Nghị định về biệt phái sĩ quan; chất lượng đội ngũ sĩ quan biệt phái còn có những hạn chế, đó là:
Cơ quan quản lý sĩ quan biệt phái do nhiều cấp quản lý, dẫn đến việc điều động, bổ nhiệm, đề bạt và các chế độ chính sách cho SQBP rất khác nhau; Chưa xác định tổ chức, biên chế TTGDQP-AN sinh viên; Việc bố trí đội ngũ sĩ quan biệt phái chưa tính đến yếu tố vùng, miền và phân bố các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ GDQP có những khó khăn; Do ngành Giáo dục và đào tạo chưa đào tạo kịp giảng viên giáo dục quốc phòng nên SQBP với số lượng ít phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn.
Báo cáo tại Hội thảo, Vụ GDQP, Bộ GD-ĐT đã đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay trong công tác giáo dục quốc phòng tại các nhà trường: Biên chế đủ sĩ quan biệt phái tại 63 Sở giáo dục và đào tạo; Quy hoạch tổ chức, biên chế, chức danh, trần quân hàm cho đội ngũ sĩ quan biệt phái; Sửa đổi bổ sung Nghị định 165/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ về biệt phái Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Đề xuất một số vấn đề về công tác quản lý, sử dụng và chế độ chính sách đối với sĩ quan biệt phái.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga trao Bằng khen cho Tập thể, cá nhân SQBP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian qua
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga trao Bằng khen cho Tập thể, cá nhân SQBP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian qua
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga đồng ý với tất cả các kiến nghị, đồng thời yêu cầu hiện thực hóa càng sớm càng tốt các giải pháp, đề xuất của Vụ GDQP để công tác GDQP trong hệ thống GD quốc dân ngày một tốt hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mong rằng, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ GDQP-AN trong đổi mới căn bản giáo dục đào tạo cả nước, góp phần củng cố nền quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tin & ảnh: Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.