Điều này cũng có nghĩa là tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, giảng dạy và nghiên cứu văn học Mỹ Latin ở bậc đại học và sau đại học nhằm tạo một thông lộ thuận lợi cho các yêu cầu về nhân lực, nội dung và phương pháp giảng dạy hiệu quả ở bậc phổ thông.
Văn học Mỹ Latin - một thế giới hấp dẫn
Theo ThS Nguyễn Thành Trung, đến với văn học Mỹ Latin là đến với một thế giới hấp dẫn với những đền đài bỏ quên giữa rừng già, những vũ điệu đợi chờ Thần rắn lông vũ, định mệnh nghiệt ngã dưới lời nguyền dòng họ trăm năm và tình yêu được trăm lần chúc phúc nhưng cũng ngàn lần bị nguyền rủa.
Học sinh phổ thông có dịp tìm hiểu về đặc trưng xã hội Mỹ Latin đậm chất nam tính nhưng cũng hoài nghi và hoài cổ sâu sắc.
Những kiến thức này là điểm tựa để so sánh và rút tỉa tinh hoa nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác rèn luyện và tu dưỡng đức lẫn tài trong quá trình giáo dục. Như vậy Văn học Mỹ Latin hội tụ đầy đủ tính nhận thức cho quá trình dạy học ở trường phổ thông.
Tính giáo dục của văn học Mỹ Latin sẽ có khả năng khơi gợi học sinh Việt Nam những tình cảm tốt đẹp trong quá trình phát triển nhân cách ở trường phổ thông.
Tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người trong truyện ngắn Cortazar; tình yêu đôi lứa trong tiểu thuyết Marquez hay tình yêu thiên nhiên trong tiểu thuyết Nhà giả kim của Coelho là những khúc ca đẹp mời gọi người đọc vào thế giới Chân Thiện Mỹ và rèn luyện năng lực cảm thụ nghệ thuật.
Song song với tình yêu là trách nhiệm: Yêu thương đến tận cùng cũng chính là gánh lấy trách nhiệm lớn nhất.
Chuyển tải vận mệnh của châu lục lên vai một dòng họ (Marquez), mang khát vọng của nhân loại bước vào một cuộc hành trình (Coelho) hay chia sẻ thực trạng xã hội (Cortazar) chính là cách mà các nhà văn gánh vác phần người đi trước để lại, dặn dò con cháu việc mai sau... tự mình mang một lực đẩy để tiếp cận và hoàn thiện nhân cách học sinh THPT.
Chuyển tải văn học Mỹ Latin gắn với đặc điểm học sinh THPT
ThS Nguyễn Thành Trung lưu ý rằng, việc chuyển tải văn học Mỹ Latin cần gắn với đặc điểm học sinh THPT.
Việc tích hợp liên môn không tạo môn học mới có tính chất tích hợp nông để từng bước tích hợp sâu; chủ yếu là tích hợp trong nội bộ môn học, tích hợp theo chủ đề liên môn hoặc xuyên môn hướng tới phát triển một số năng lực chung như đọc hiểu, phân tích văn bản nghệ thuật.
3 tác phẩm văn học Mỹ Latin phù hợp đưa vào chương trình Văn học phổ thông là:
Đoạn trích Nhà giả kim (Phần 47-49: gần 2700 từ) bản dịch Lê Chu Cầu.
Đoạn trích Trăm năm cô đơn (đọc thêm) (Chương kết: gần 9000 từ) bản dịch Nguyễn Trung Đức.
Toàn văn truyện ngắn Cortazar: Những thảo viên nối liền (820 từ) bản dịch Nguyễn Thành Trung
Quá trình đó nhấn mạnh năng lực giải quyết vấn đề hơn là lý thuyết thông qua việc so sánh đối chiếu văn học Việt Nam để nhận ra dấu ấn của Mỹ Latin;
Tập trung vào người học nhằm hình thành một phương pháp học tập có ý thức tự giác, có hệ kỹ năng phù hợp để đọc hiểu, triển khai phân tích tiểu thuyết, truyện ngắn, biết liên kết kiến thức lý luận như cốt truyện, cấu trúc, hình tượng. nhằm làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.
Căn cứ nội dung và định hướng trên, theo ThS Nguyễn Thành Trung, có thể đưa ba đơn vị tác phẩm sau vào chương trình Văn học phổ thông theo cơ cấu 2 đoạn trích tiểu thuyết (một chính thức, một đọc thêm) và 1 toàn văn truyện ngắn gồm:
Đoạn trích Nhà giả kim (Phần 47-49: gần 2700 từ) bản dịch Lê Chu Cầu.
Đoạn trích Trăm năm cô đơn (đọc thêm) (Chương kết: gần 9000 từ) bản dịch Nguyễn Trung Đức.
Toàn văn truyện ngắn Cortazar: Những thảo viên nối liền (820 từ) bản dịch Nguyễn Thành Trung
Các tác phẩm được chọn trên nguyên tắc ý thức tính liên thông dọc (đây là các tác phẩm tiêu biểu được giới thiệu ở chương trình đại học, chuyên đề sau đại học) và ngang (các tác giả cùng thời, chung đặc điểm tiêu biểu Mỹ Latin: G.G.Marquez, Julio Cortazar, Paulo Coelho nhằm thuận tiện cho so sánh, đối chiếu).
Hệ thống câu hỏi hướng đến phát triển năng lực cũng cần được cấu trúc theo thang độ phân hóa rõ các năng lực và yêu cầu theo hướng tăng dần từ: Tái hiện kiến thức; kỹ năng khái quát hóa và cuối cùng là khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn.
Thứ nữa, cần kết hợp linh hoạt các hình thức dạy học bao gồm: Thuyết giảng, kiểm tra bài thông qua các câu hỏi kiểm tra kiến thức nhằm tạo nền tảng vững chắc cho năng lực chuyên môn.
Làm việc nhóm, thuyết trình với những câu hỏi liên kết, khái quát giúp học sinh phát triển quan hệ liên nhân và các năng lực xã hội: giao tiếp, trình bày, hợp tác.
Phát biểu cá nhân, tranh luận để học sinh trả lời các câu hỏi thực tiễn nhằm mài sắc khả năng tư duy, lập luận, trình bày vấn đề hướng đến phát triển năng lực cá thể.
Năng lực thực hiện đặt cơ sở phát triển cả 4 kỹ năng: nghe (tác phẩm), nói (trình bày), đọc (phân tích văn bản ngắn), viết (ý kiến văn bản) kết hợp với hiểu các tầng ý nghĩa tương đương.
Hệ phương pháp này cần được sử dụng và biến đổi linh hoạt: Vận dụng hệ thống câu hỏi thực tiễn ở đầu bài học để chuyển thành dạng dạy học giải quyết vấn đề.
Một trong các câu hỏi phần này nêu vấn đề sẽ thúc đẩy sinh viên nghiên cứu bằng cách đọc văn bản nhằm giải quyết vấn đề bài học (thông qua 3 dạng câu hỏi: Gợi nhớ, liên kết và khái quát; cuối cùng là vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn. Hoặc vận dụng phương pháp nhập vai/tình huống: Giải quyết vấn đề xã hội để trao đổi, giảng dạy, hình thành kỹ năng sống.
Khi đó không cần đánh giá của giáo viên mà học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau thông quá đó hình thành vốn sống và ứng xử xã hội phù hợp.