Đề xuất đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng: Phải xem xét tính khả thi

GD&TĐ - Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT) Bộ Công an đang nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy định xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe, sang tên đổi chủ mà không nộp lại giấy đăng ký. Đồng thời, đề xuất người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng để nâng cao hiệu quả trong việc xử phạt qua hệ thống camera giám sát.

Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý tình huống vi phạm thông qua trung tâm hình ảnh và thực địa.
Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý tình huống vi phạm thông qua trung tâm hình ảnh và thực địa.

Nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát

Mới đây, tại Hội nghị thông tin về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện quy định xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe, sang tên đổi chủ mà không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký. Theo đó, thời gian qua do vướng vấn đề xác minh chủ phương tiện vi phạm nên việc xử phạt “nguội” qua hình ảnh gặp nhiều khó khăn.

Không ít trường hợp cảnh sát gửi giấy mời nhiều lần không đến tay người vi phạm, do chủ phương tiện thay đổi liên tục trong quá trình mua, bán xe song không nộp lại đăng ký. Đồng thời, việc sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe sẽ giúp CSGT nâng cao hiệu quả trong việc xử phạt các chủ phương tiện vi phạm qua hệ thống camera giám sát. Lãnh đạo Cục CSGT cũng đề xuất việc người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. Bởi việc đăng ký tài khoản ngân hàng sẽ giúp lực lượng cảnh sát dễ dàng hơn trong việc xử phạt vi phạm, đồng thời tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần.

Trước những đề xuất trên, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc mở tài khoản ngân hàng là cần thiết. “Đối với những người chưa có tài khoản thì việc mua một chiếc xe ô tô thì đương nhiên việc mở tài khoản ngân hàng không có gì khó khăn. Thực tế, ngân hàng sẽ hướng dẫn và phục vụ tận nơi đối với khách hàng. Khách hàng có thẻ sẽ không phải sử dụng tiền mặt, dùng thẻ không phải mang theo nhiều tiền trong người, nguy hiểm sẽ giảm đi rất nhiều, an toàn cho chính người dân…”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Công Hùng cũng chia sẻ, khi cả một hệ thống chính trị lâu nay vào cuộc với mục tiêu giảm TNGT từ nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lái xe chấp hành luật giao thông chưa tốt. Vì vậy, đồng bộ hóa tránh các tiêu cực đối với các cơ quan quản lý Nhà nước thì trước tiên người dân phải tham gia chấp hành các quy định của pháp luật tốt.

Đồng tình với việc xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe, sang tên đổi chủ mà không nộp lại giấy đăng ký, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội lấy ví dụ: “Xe taxi tại các thành phố trực thuộc Trung ương được hoạt động 8 năm, còn lại ở các địa phương khác là 12 năm sẽ hết niên hạn. Tuy nhiên, lái xe bán lại cho những người khác để chạy theo hình thức xin cấp phép ở nơi được gia hạn 12 năm sau đó lại mang về các thành phố trực thuộc Trung ương để chạy. Bán xe sang tên cho nhiều người nhưng vẫn giữ nguyên màu sơn của một cá nhân đầu tiên hoặc doanh nghiệp thanh lý dẫn đến việc nhận diện, xử lý phạt nguội của cơ quan chức năng đối với các chủ xe trên sẽ rất khó khăn…”, ông Hùng lý giải.

Lực lượng CSGT Đội 7 (Công an Hà Nội) xử lý vi phạm giao thông
  • Lực lượng CSGT Đội 7 (Công an Hà Nội) xử lý vi phạm giao thông

Liệu có khả thi?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, dù đề xuất của CSGT có thể coi như một sáng kiến hết sức táo bạo, tuy nhiên nó có phù hợp hoặc áp dụng được hay không là cả một câu chuyện. Dưới góc độ pháp lý có thể thấy: Thứ nhất, không có căn cứ hay quy định nào của ngành giao thông và cả hệ thống pháp luật hiện hành buộc người đăng kí xe hay vi phạm giao thông phải có tài khoản bảo đảm. Hơn nữa ở Việt Nam, tỷ lệ thanh toán điện tử, giao dịch qua tài khoản hiện nay vẫn rất thấp. “Còn ở góc độ xử phạt hành chính, tôi vi phạm thì anh cứ phạt, còn việc chấp hành, nộp phạt thế nào là quyền của tôi”, luật sư Tú nêu quan điểm.

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh, nếu mở tài khoản thì chắc chắn phải có một số tiền tương ứng với mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực giao thông đường bộ (hiện là 18 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn). “Như vậy, tài khoản của tôi chôn chân một chỗ, trong khi đó gia đình còn nhiều việc phải làm như ốm đau, đi viện cần tiền mà không có vì 18 triệu đồng trong tài khoản không thể lấy ra tiêu, đó là điều vô lý. Thậm chí, việc này có dấu hiệu vi phạm quyền công dân”, luật sư nhận định.

Về việc thay vì bắt mở tài khoản ngân hàng, chủ xe phải có tài khoản giao thông, cứ vi phạm là bị trừ tiền như một số ý kiến, luật sư Trương Anh Tú cho rằng không có cơ chế nào cho phép triển khai việc này, vì nó vướng cả về mặt pháp luật lẫn thực tiễn đời sống, không phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của chúng ta hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có mở tài khoản sẽ làm với ô tô trước, thay vì làm đại trà cả với xe máy, luật sư Tú đưa ra quan điểm: “Thực ra mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật và mọi phương tiện giao thông trên cùng một lĩnh vực cần phải bình đẳng”.

Ngoài kiến nghị sửa đổi thông tư về đăng ký xe, Cục CSGT đề xuất bổ sung chế tài xử phạt đối với chủ xe khi bán, tặng không làm thủ tục đăng ký sang tên, chuyển chủ (hiện nay chỉ xử phạt người mua khi không sang tên). Luật sư Trương Anh Tú giải thích, có thực tế chủ xe khi bán, tặng không làm thủ tục đăng ký sang tên, chuyển chủ là do thuế trước bạ sang tên hiện nay quá cao nên nhiều người không làm.

“Khi tôi mua ô tô mới phải đăng kí mới, tiền thuế và lệ phí mất gần 200 triệu đồng, tương đương với cả một chiếc ô tô cũ. Vì vậy, khi mua bán sang tên mà lại thu thuế nữa thì rất khó khăn, vì mọi vấn đề đều đổ hết lên đầu người sử dụng. Một chiếc xe hiện nay đã phải gánh nhiều loại thuế phí rồi”, luật sư Trương Anh Tú nói. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ