Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 4)

GD&TĐ - Theo GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc đưa hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý là việc làm cần thiết. Đây là lợi ích phát triển của quốc gia chứ không phải là của riêng bộ, ngành nào.

Sinh viên trường cao đẳng nghề vừa học văn hóa vừa học nghề. Ảnh minh họa
Sinh viên trường cao đẳng nghề vừa học văn hóa vừa học nghề. Ảnh minh họa

Bài 4: Muốn phát triển phải đồng nhất hệ thống giáo dục 

Cần có sự liên thông thống nhất

GS.TS Phạm Tất Dong lý giải: Một đất nước mà có tới 2 bộ quản lý về giáo dục, đào tạo như hiện nay sẽ không phù hợp, bởi mỗi bộ thực hiện một chức năng chính khác nhau. Theo tôi, hệ cao đẳng không nên tách khỏi đại học. Cần có chương trình thống nhất liên thông theo đúng chủ trương: Dạy nghề với phổ thông, phổ thông với dạy nghề, dạy nghề với đại học. Như vậy, để một bộ quản lý sẽ có hệ thống chính sách từ đầu đến cuối, xuyên suốt và phù hợp.

GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho biết thêm, thực tế, đào tạo đại học cũng là dạy nghề trở thành bác sĩ, giáo viên, kỹ sư… Mà lực lượng lao động cũng cần có kiến thức ở trường đại học chứ không chỉ mỗi qua đào tạo nghề. Làm lao động cũng cần có sự chuyên nghiệp như kiến thức mà trường đại học đào tạo. Vì vậy, học cao đẳng trong hệ đào tạo giáo dục đại học sẽ nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng xu thế xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.

Hơn nữa, việc học tập trong thời đại chuyển đổi số phát triển mạnh, người lao động cần có học vấn mà chỉ có trường đại học mới đào tạo. Máy móc cũng ngày một hiện đại hơn nên vẫn cần thiết được đào tạo bài bản trong hệ thống giáo dục đại học. Mặt khác, người học sẽ hưởng lợi nhiều hơn do cơ hội học tập suốt đời dễ dàng hơn rất nhiều bởi hệ thống được vận hành một cơ chế thống nhất về đảm bảo chất lượng, cơ chế liên thông và giảm bớt rất nhiều các thủ tục quy định mang tính hành chính khác.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), thực tế trên thế giới, không chỉ hệ cao đẳng mà đối với giáo dục nghề nghiệp đều nên thuộc Bộ GD&ĐT. Đối với đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng ngắn hạn hoặc đào tạo lại tại doanh nghiệp thì nên để cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

GS.TS Phạm Tất Dong.
GS.TS Phạm Tất Dong.

Nhiều vướng mắc trong quản lý hệ cao đẳng

TS Hoàng Ngọc Vinh cũng chỉ ra những vướng mắc cơ bản nếu tiếp tục để Bộ LĐ-TB&XH quản lý hệ cao đẳng như hiện nay: Thứ nhất, về quy hoạch, có thể nói là không thực hiện được. Thứ hai, hiệu quả không cao do trùng lắp nguồn lực, chồng chéo trong đầu tư dạy nghề. Quy hoạch phải mang tính hệ thống và tổng thể, nếu để như hiện nay, sẽ rất khó bảo đảm.

Hiện nay, đầu vào tuyển sinh có 3 dòng chảy, rất khó dự báo, khó quy hoạch, bởi giáo dục phổ thông và giáo dục đại học với giáo dục nghề nghiệp thuộc 2 bộ khác nhau. Không chủ động được đầu vào thì các trường cũng rất khó trong việc phân bổ nguồn lực, thành lập trường hay sáp nhập, giải thể cũng gặp nhiều vướng mắc.

Thứ ba, luật pháp có thể có những khoảng trống hoặc bị trùng lắp, gây ra khó khăn cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Thứ tư, phương diện phân luồng liên thông hay hợp tác dạy văn hóa trong nhà trường cũng đang vướng mắc, do khung pháp lý khác nhau.

Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp hiện nay do Bộ LĐ-TB&XH quản lý không phù hợp ở chỗ, khi thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp, sẽ có câu chuyện địa phương được giao quyền quản lý. Nhưng thực chất, các sở LĐ-TB&XH không phải cơ sở truyền thống làm về giáo dục. Vì vậy, họ gặp những khó khăn nhất định về chuyện quản lý Nhà nước trên địa bàn, khi không hiểu mà quản lý thì một là gây ách tắc, hai là không quản lý được, không có kiến thức thì không kiểm tra, không chỉ đạo được. Trong khi đó, tại 63 tỉnh, thành, các “ông thầy” (sở GD&ĐT) có truyền thống giáo dục từ xưa, có thể không quen giáo dục nghề nghiệp, nhưng nhắc đến giáo dục là đã có kinh nghiệm.

“Trước bối cảnh đòi hỏi đổi mới và nâng tầm trình độ nhân lực của người Việt Nam, nên có những bước đi mạnh dạn hơn, thống nhất quản lý Nhà nước, không phải chỉ về giáo dục nghề nghiệp, mà giáo dục và đào tạo phải gắn với nhau” – TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

TS Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chỉ rõ một số bất cập: “Cái sai “chết người” là dưới sự quản lý Nhà nước của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), họ đã biến các trường cao đẳng chuyên nghiệp, vốn đào tạo kỹ thuật viên, cán sự, thành bắt buộc như đào tạo thợ, lấy cung cách đào tạo thợ để áp cho đào tạo kỹ thuật viên, cán sự...

Điều đó dẫn đến làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực. Cơ cấu nguồn nhân lực ít nhất phải có 3 kiểu: Người lao động trực tiếp (thợ, nhân viên), người ở vị trí trung gian (kỹ thuật viên, cán sự) hay bậc cao hơn (trong kỹ thuật là các kỹ sư hay các chuyên viên). Nhưng họ đã biến thành chỉ còn có 2 bậc, chỉ còn thợ và kỹ sư, chuyên viên, mất bậc trung gian kỹ thuật viên.

Điều này dẫn đến phá hoại cơ cấu nhân lực ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì cơ cấu nhân lực không thể đáp ứng. Tác hại lớn nhất cũng chính là phá vỡ nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, TS Lê Viết Khuyến cũng chỉ ra, việc đưa học sinh tốt nghiệp THCS lên đào tạo từ 3 - 3,5 năm, rồi cấp một loạt bằng cấp, tạo ra nguồn nhân lực “rởm”. “Người ta lý giải, cao đẳng không phải thuộc giáo dục đại học. Trong khi, toàn thế giới xếp cao đẳng thuộc trình độ giáo dục đại học, bây giờ lại làm méo mó đi, rút ngắn thời gian, cô gọn chương trình...

Sở dĩ, các trường cao đẳng vốn thuộc giáo dục đại học nhưng bên Tổng cục Dạy nghề hay cả Bộ LĐ-TB&XH chưa từng quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, mà bây giờ lại nắm quản lý cao đẳng, nên phải biến hóa đi cho nó không phải là giáo dục đại học nữa. Chính vì vậy, hiệp hội mới kiến nghị trả lại hệ cao đẳng cho Bộ GD&ĐT quản lý, theo đúng thông lệ chung, để quay trở lại đúng quỹ đạo. Nếu vẫn để bên Bộ LĐ-TB&XH quản lý, thì sẽ biến các trường cao đẳng thành dạng thấp hơn cao đẳng, không đạt chuẩn cao đẳng” - ông phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ