Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên tiến hành tự soi chiếu lại bản thân, nghiêm túc chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm cũng như nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để từ đó, có biện pháp khắc phục kịp thời. Trong các đơn vị trường học, nhiệm vụ chính của mỗi cán bộ, giáo viên là quản lý, tiến hành tổ chức các hoạt động giảng dạy nhằm hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Do đó, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần được thực hiện sát thực, phù hợp với tính chất hoạt động có nhiều nét đặc thù trong các đơn vị trường học.
Đối với cán bộ quản lý, đứng đầu là các hiệu trưởng, hiệu phó, việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình cần tập trung vào những khuyết điểm, hạn chế trong tổ chức, quản lý giáo viên triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục; việc thu chi tài chính, mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động dạy và học trong nhà trường; khả năng tập hợp khối đoàn kết khơi dậy tinh thần dân chủ trong đội ngũ giáo viên. Trên thực tế, bên cạnh những vị hiệu trưởng tâm huyết, mẫn cán, có năng lực, trách nhiệm vẫn còn có những vị hiệu trưởng xuất hiện những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vấn đề là, những vị hiệu trưởng đó, liệu có đủ dũng khí để nhận ra những vi phạm, khuyết điểm của bản thân để từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời. Với các giáo viên trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, việc kiểm điểm cần tập trung vào những vấn đề thiết thực như: Ý thức trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, việc giữ gìn hình ảnh, đạo đức, phẩm chất nhà giáo...
Mục đích của việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trong các cơ quan, đơn vị nói chung, các trường học nói riêng không phải nhằm “bới lông tìm vết” hay phê phán, chỉ trích lẫn nhau mà là dịp để mỗi người tự nhận ra những sai sót, khuyết điểm của bản thân, góp ý mang tính xây dựng với đồng nghiệp, từ đó, xây dựng tập thể sư phạm ngày càng vững mạnh.
Việc tổ chức kiểm điểm muốn đạt được kết quả thực chất cần được các đơn vị trường học tiến hành thực sự dân chủ cởi mở, tránh tình trạng nể nang, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”. Chính sự tiên phong, gương mẫu, cầu thị từ cấp ủy lãnh đạo đến bản thân mỗi giáo viên ở các đơn vị trường học sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả của đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, bổ ích này.