Đề văn về toán học gây sốt cộng đồng mạng, nhưng bài làm mới gây chú ý

Một đề kiểm tra Văn cấp 3 gần đây được lan truyền nhanh chóng trên mạng vì độ "bá đạo" của nó. Đề này được bắt nguồn từ định lý Py-ta-go trong Toán học nhưng học sinh lại liên tưởng đến tình cảm các thành viên trong gia đình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, trên các diễn đàn giáo dục chia sẻ một đề kiểm tra Văn, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về định lý Py-ta-go gây chú ý.

Đề văn như sau: "Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông".

Đọc xong đề Văn này chắc hẳn nhiều người phải "méo mặt" không biết phải làm thế nào vì đòi hỏi sự sáng tạo, liên tưởng độc đáo từ học sinh.

Đề kiểm tra Văn và bài làm của học sinh gây xôn xao cộng đồng mạng.

Đề kiểm tra Văn và bài làm của học sinh gây xôn xao cộng đồng mạng.

Đề văn đã hóc búa nhưng gây sốt hơn cả là phần bài làm của học sinh. Học sinh này đã liên tưởng từ toán học sang mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Bài văn của học sinh như sau: "Có thể nói, chia sẻ từ đáy lòng của nhà toán học Py-ta-go có lẽ đã làm lay động hàng triệu con tim thế hệ trẻ. Trong một tam giác vuông, một cạnh góc vuông sẽ là trụ cột vững chắc cho tất cả. Là trụ cột cho những cạnh khác có thể dựa vào, để rồi cùng nhau vượt qua sóng gió trong dòng đời đẩy đưa.

Hình ảnh của tam giác vuông là hình ảnh ẩn dụ đầy tượng trưng cho mỗi gia đình chúng ta. Cạnh góc vuông kia phải chăng cũng là hình ảnh một người trụ cột. Đó có thể là người mẹ bảo ban, hiền từ hay chính là người cha vất vả mưu sinh.

Nếu như chính cạnh góc vuông ấy lại kết hợp với một cạnh góc vuông nữa. Đó là hình ảnh của một gia đình hòa thuận và hạnh phúc được nâng đỡ trên đôi vai của cha và mẹ.

Cạnh huyền kia phải chăng là kết quả của tình cảm keo sơn bền chặt ấy - một người con. Dù cuộc đời có bão tố đến đâu, Cha và Mẹ luôn sẵn sàng bình phương cả tấm thân này để che chở và bảo vệ con - cạnh huyền nhỏ bé!

Câu nói của ông sẽ mãi in sâu vào trong tâm trí mỗi chúng ta, như là một phần của tuổi trẻ, của gia đình và của tương lai chính chúng ta".

Nhiều phụ huynh vui vẻ bình luận:

Nhiều phụ huynh vui vẻ bình luận: "Nhà toán học Py-ta-go rất thích đề Văn này".

Sau khi được đăng tải trên một diễn đàn của các phụ huynh, đa số đều bày tỏ sự ngạc nhiên, không tin nổi về sự liên tưởng phong phú này.

Có phụ huynh đã bình luận: "Trời! Không tin được cái đề mà bài làm còn sốc hơn!"; "Học sinh quá sáng tạo, lại nhớ được cả kiến thức toán lẫn văn".

Trong khi đó, cũng có người cho rằng: "Đề văn như thế này bắt ép học sinh quá, dễ để các em suy nghĩ theo hướng lệch lạc".

"Đề thế cũng là đề hả? Dạy học sinh thế này có làm méo mó trí tưởng tượng không? Phản đối từ dân chuyên toán yêu văn".

"Mình thấy nó vớ vẩn. Toán ra toán, văn ra văn, nửa mạc nửa mỡ này nó thế nào ấy".

Tuy nhiên, ý kiến trên lại khiến một số người không đồng tình: "Vui thôi mà, làm gì mà căng vậy. Mình lại thấy đúng là đỉnh cao của ngôn từ".

Đề văn và bài làm này hiện vẫn đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, không chỉ là phụ huynh mà còn có cả học sinh bởi sự khác lạ và độc đáo của nó.

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ