(GD&TĐ) - Một giáo viên (GV) không chỉ có vai trò trang bị kiến thức, kỹ năng trong học tập cho học sinh (HS) mà còn phải dạy các em năng lực tư duy và vận dụng kiến thức, chia sẻ với các em những quan điểm sống đúng đắn... Để làm được những điều này, GV không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, mà còn cần là một người bạn, người đồng hành với HS trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách.
Từ trái tim đến trái tim |
Một GV giỏi phải thực sự là người bạn lớn của học trò |
Đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng cô Hồ Thu Hằng vẫn không thể quên được câu chuyện ngày cô mới bắt đầu đi dạy. Khi ấy, cô giáo chủ nhiệm trẻ mới ra trường phải đối mặt với một tình huống khá hắc búa buộc cô phải xử lý một cách khéo léo: Một HS trong lớp bị mất tiền. Hầu như mọi người đều đổ dồn nghi vấn vào một cậu học trò tên X.
Cô Hằng đã suy nghĩ mất 1 ngày, đặt ra mọi tình huống có thể xảy ra, tự đặt mình vào những cương vị khác nhau để xem xét vấn đề. Cô nhận thấy rằng, có 2 tình huống có thể xảy ra: Thứ nhất, trước sức ép của dư luận, X buộc phải nhận tội; Thứ hai, X dứt khoát không nhận, mà còn “xù lông” trước sự tấn công của mọi người. Và xét cho cùng, cả 2 tình huống này đều để lại hậu quả không tốt.
Chính vì vậy, cô Hằng đề nghị cả lớp tạm dừng bàn tán, phán xét về sự việc, để GV chủ nhiệm toàn quyền giải quyết vụ việc. Cô quyết định gặp riêng X để nói chuyện, đúng hơn là chia sẻ với X những suy nghĩ của cô về nhân sinh quan, những tâm sự từ đáy lòng của cô về cuộc sống, giống như một người thân nói với người thân, một người bạn chia sẻ với một người bạn. Kết quả là X đã nhận lỗi trước cô.
Sau đó, mọi việc đi vào quên lãng. Không ai, ngay cả bố mẹ cậu học trò biết được về lỗi lầm của con trai mình. Cô Hằng đã tạo cho X một lối thoát trong danh dự, giúp cậu hiểu rằng để trưởng thành, hầu như ai cũng phải vấp ngã đôi lần. Điều quan trọng là người ta ứng xử với sai lầm như thế nào, biết đứng lên sau lầm lỗi. Có khi chính những vấp ngã tạo điều kiện cho người ta trưởng thành tốt hơn.
Sau này, dù có tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong nghề, cô Hằng vẫn luôn thấy rằng, để giúp trò trưởng thành về cả kiến thức lẫn những suy nghĩ về cuộc sống, không có biện pháp nào hữu hiệu và có tác dụng lâu bền như biện pháp dùng tình cảm, dùng những lời tâm sự, động viên chân thành để giúp HS nhận thức được sai lầm của mình, tìm được cách khắc phục sai lầm mà không làm tổn thương trò.
Đồng quan điểm, thầy Trần Ngọc Hiếu – giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội - chia sẻ, ở lứa tuổi vị thành niên, HS rất nhạy cảm, do đó, GV phải có kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm khéo léo để tránh làm tổn thương tâm hồn của các em.
GV không chỉ đơn thuần cần giỏi chuyên môn
Theo cô Hồ Thu Hằng, một GV giỏi không chỉ đơn thuần nắm vững về chuyên môn, mà còn cần có những năng lực nổi bật trong công tác giáo dục. Muốn vậy, bản thân người GV phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình – Đó là trước hết, GV phải là một nhà giáo dục. Khi đã ý thức được điều này, GV mới có thể trau dồi, phát huy, tìm tòi, chú ý đến những kỹ năng để có thể thực hiện được vai trò của mình.
Một phẩm chất rất quan trọng đối với một GV giỏi là thực sự thương yêu, quan tâm đến quyền lợi của HS, luôn đặt quyền lợi của HS lên trên tất cả. Điều này phải trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động của GV và khi đã thành kim chỉ nam sẽ giúp GV tránh được rất nhiều sai lầm trong quá trình dạy học.
Bên cạnh đó, GV cần phải giỏi chuyên môn vì xét cho cùng, GV luôn là một người dạy học. Đặc điểm này giúp phân biệt GV với bố mẹ, người bảo mẫu, tổng phụ trách... hay những người chăm sóc, yêu thương HS khác. Điểm khác biệt chính là GV làm công tác giáo dục thông qua hoạt động chuyên môn. Vì thế, nếu GV không giỏi chuyên môn thì vai trò của người truyền thụ kiến thức sẽ bị thiếu hụt, uy tín của GV sẽ bị giảm sút, gây khó khăn cho công tác giáo dục mà GV tiến hành.
Như vậy, giỏi chuyên môn là cái đích mà GV hướng đến để giúp cho HS tiếp thu kiến thức, nhưng cũng là phương tiện để người GV thực hiện được mục tiêu giáo dục của mình, để tạo dựng uy tín cho GV, giúp cho công tác giáo dục thuận lợi hơn.
Mặt khác, người GV phải hiểu biết về tâm lý HS; có phương pháp sư phạm tốt; nắm được một số kỹ năng khác như tổ chức, quản lý, hoạt động tập thể... để có thể triển khai các hoạt động giáo dục dễ dàng và hiệu quả hơn. Thêm vào đó, ngoài việc có chuyên môn giỏi để nâng cao uy tín trước HS, người GV còn cần phải có kiến thức về văn hóa chung, về thời cuộc, xã hội để có thể tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn, nể phục đối với HS.
Trong khi đó, thầy Trần Ngọc Hiếu lại cho rằng, giỏi chuyên môn chỉ có thể khiến HS kính nể GV nhưng chưa đủ để đem lại sự tin cậy của trò đối với thầy. Để HS tin vào mình, GV phải là người biết giữ bí mật, tôn trọng con người cá nhân, những vấn đề riêng tư của học trò. Một GV giỏi, hay đúng hơn là một GV tốt phải hiểu tâm tư, tình cảm của HS, thực sự là một người bạn lớn của HS. Dạy giỏi không phải chỉ là dạy HS thi đỗ, đạt điểm cao mà quan trọng là kích thích được khả năng sáng tạo, ham thích học của các em, trang bị cho các em hành trang làm người.
Theo thầy Hiếu, dạy học xét cho cùng là quá trình đối thoại, lắng nghe HS, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em để cùng các em tìm giải pháp xử lý những vấn đề đặt ra.
Để làm được “Nhân sinh quan của người thầy được truyền cho HS thông qua những bài học thực tế, nhưng tốt nhất là thông qua chính bản thân con người GV. Như vậy, GV muốn truyền cho HS ngọn lửa nhiệt tình đối với cuộc sống thì bản thân người GV cũng phải sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho công việc” - Cô Hồ Thu Hằng, GV Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |