Đề thi: Vừa sức, gợi mở, thời sự

Đề thi: Vừa sức, gợi mở, thời sự

(GD&TĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã khép lại, hầu hết giáo viên và các em thí sinh nhận xét: Đề thi năm nay vừa sức, gợi mở, thời sự.

Nhiều thí sinh nhận xét: Đề thi tốt nghiệp năm nay vừa sức, thời sự và gợi mở
Nhiều thí sinh nhận xét: Đề thi tốt nghiệp năm nay vừa sức, thời sự và gợi mở

Thầy Huỳnh Thanh Điền - Giáo viên Toán  Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Cần Thơ) nhận xét về Đề Toán: Câu khó nhất là câu hay nhất!

“Đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm nay không khó hơn so với đề thi năm trước. Học sinh trung bình có thể đạt điểm từ 5 trở lên, còn các em học sinh khá, giỏi nếu biết vận dụng kiến thức tốt có thể kiếm điểm 9 - 10.

Theo tôi câu khó nhất cũng là hay nhất trong đề Toán năm nay và cũng là câu phân loại học sinh là câu II.3, câu này đòi hỏi các em không những hiểu bài mà phải vận dụng tốt kiến thức mới hoàn thành. Còn lại các câu khác cũng dễ lấy điểm, riêng phần hình học không khó, vừa sức của học sinh và nằm trong chương trình học”.

Với đề Văn, thầy Phạm Gia Mạnh – Giáo viên Văn Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội: cho rằng: Hay, giàu tính nhân văn và sức gợi

“Đề năm nay vừa sức với các đối tượng học sinh, khá cân đối về nội dung kiến thức, có cả kiến thức văn học Việt Nam và nước ngoài, trọng tâm vào chương trình lớp 12 theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Điểm nhấn khá đặc biệt của đề thi là câu thứ 2 (đề văn nghị luận xã hội). Đề thi lấy một câu chuyện thực tế, mới diễn ra gần đây và có sức lay động lớn. Câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương, Nghệ An đã dũng cảm, hy sinh quên mình cứu 4 em học sinh trên sông Lam vào hôm 30/4 là câu chuyện cảm động, lay động sâu sắc đối với học sinh cả nước.

Có thể nói, đây là một đề thi đạt, khơi gợi về lòng dũng cảm, tinh thần vị tha, có ý nghĩa giáo dục tích cực. Có thể ai đó cho rằng, hiện nay còn có nhiều vấn đề xã hội cần bàn đến, nhưng với lứa tuổi học sinh lớp 12, bài học truyền tải từ đề thi là hết sức cần thiết.

Ngoài câu nghị luận xã hội, câu 1 (2 điểm) cũng khá hay. Câu hỏi đưa ra chi tiết nhân vật bà mẹ Hạ Du (trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn) khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình. Đây là một chi tiết đẹp, giàu sức gợi, tạo cảm hứng cho học sinh viết.

Tuy nhiên, đối với những học sinh ở vùng sâu, xa, đây có thể là một câu hỏi hơi khó một chút. Bởi trong thời lượng có hạn của chương trình, có thể các thầy cô không quá đi sâu vào chi tiết mà chỉ chú trọng đến tác giả, nội dung tư tưởng của tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật”.

Cô Nguyễn Thị Nga - Giáo viên Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội nhận xét về đề thi môn Địa lý: Học và thi gắn với thực tế đất nước

“Đề thi Địa lý năm nay đã làm được việc này, đã đạt được cái đích của giáo dục. Vấn đề kinh tế là hoạt động xuất khẩu, vấn đề xã hội liên quan đến lao động, việc làm đều là những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay. Đặc biệt, đề thi cũng đã truyền được một thông điệp ý nghĩa về vấn đề biển đảo không chỉ cho gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đề thi có cấu trúc ngắn gọn, nhẹ hơn so với đề thi năm trước, kiểm tra được tất cả những kỹ năng của học sinh”.

Sinh học: Bám sát chương trình là nhận xét của Hà Cẩm Châu – Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn, Bình Định): “Đề bám sát chương trình sách giáo khoa ban cơ bản. Đề không quá khó nên hầu hết các bạn đều làm bài tốt”.

Còn em Bùi Huy Kiên - Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) tự tin nói: “Em làm được hết các câu hỏi, đề thi phù hợp với sức học của học sinh nhưng cũng có một số câu ở phần nâng cao, nếu không đọc kỹ thì dễ bị sai. Câu khó nhất là phần ứng dụng của di truyền học và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào...”

Đỗ Quỳnh Hương - Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho hay: “Đề thi bám sát với những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nhiều câu hỏi nằm trong nội dung, chúng em đã được thầy cô ôn tập khá kỹ trên lớp nên sau khi đọc qua đề, em rất tự tin trong quá trình làm bài”.

Ngoại ngữ: Tương đối dễ

Theo Nguyễn Đăng Quốc - Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh (Điện Bàn, Quảng Nam): “Đề thi ngoại ngữ tương đối dễ làm. Nhiều bạn còn nói là dễ hơn đề thi thử. Đề thi trắc nghiệm, thầy cô dặn là phải đánh tích hết các phần. Nhưng với các bạn học không chuyên ngoại ngữ, khả năng làm được chính xác là trên 50%. Nếu chăm chỉ thì chắc sẽ làm được nhiều hơn, vì đề nằm chủ yếu trong chương trình học.”

Bạn Nguyễn Minh Sơn - Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An) nhận xét: “Đề thi Ngoại ngữ vừa sức đối với những thí sinh học lực tiếng Anh trung bình như em. Em tin bài thi của mình sẽ đạt 7 điểm”.

Hóa học: Phù hợp với sức học của học sinh

Trảo Thị Thúy Liễu - Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn,  Bình Định) cho biết: “Đề tương đối phù hợp với sức học của học sinh. Các bạn học Ban cơ bản có thể làm được bài từ 7 điểm trở lên”.

Thông tin mà CTV Ban Mai ghi nhận được từ các thí sinh đó là, hầu hết các thí sinh nhận xét: “Đề thi môn Hóa học được hầu hết các thí sinh tỉnh Đắk Nông đánh giá là vừa sức, thậm chí nhiều thí sinh đã hoàn thành phần thi của mình sớm trong khoảng 15 - 20 phút đầu”.

Theo bạn Trần Vũ Anh - Học sinh lớp 12 chuyên Pháp của Trường Chuyên Nguyễn Huệ   (Hà Đông, Hà Nội): “Đề thi nằm trong chương trình kiến thức chuẩn THPT nhưng có một số câu hơi khó với học sinh học lực trung bình. Nếu học sinh học đều các môn thì giải quyết đề thi không mấy khó khăn”.

“Sự chuyển biến rõ rệt về ý thức trong việc thi cử, thái độ nghiêm túc trong học tập của hệ GDTX đến từ quyết định đúng đắn của Bộ GD&ĐT, khi đưa hệ GDTX thi ghép với hệ GDPT. Việc ghép chung hội đồng thi không những mang đến sự an toàn, nghiêm túc trong thi cử, mà còn giúp cho học sinh GDTX có thêm động lực và niềm tin với chính bản thân mình”.

Ông Đỗ Quốc Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM

BTV (tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.