Đề thi năm nay không đánh đố, không yêu cầu phải học thuộc nhiều

GD&TĐ - Đây là thông tin từ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trước kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 1-4/7/2016.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng, chỉ còn vài ngày sẽ bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia 2016, thời gian còn lại rất ngắn nên thí sinh cố gắng tập trung hệ thống lại kiến thức đã học, tham khảo đề thi năm trước để không ngỡ ngàng với đề thi.

Thí sinh không nên để kiến thức rời rạc mà cần ôn tập cho có chủ đề, hệ thống. Sau khi thi xong sẽ đến nội dung quan trọng là chuẩn bị xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nên cần chuẩn bị kỹ, có định hướng nghề nghiệp để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với cơ quan truyền thông cung cấp các thông tin phong phú đến thí sinh. Trang thông tin điện tử của từng trường cũng đã công khai rất cụ thể, chi tiết về phương án tuyển sinh, các ngành nghề đào tạo, thậm chí là điểm chuẩn những năm trước...

Dựa vào những thông tin này, thí sinh tham khảo để lượng đúng sức mình, đăng ký vào trường phù hợp. Quan trọng hơn cả là các em phải chọn được đúng ngành nghề, trường mà mình yêu thích.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga 

Đề thi không đánh đố, không yêu cầu học thuộc nhiều

- Mối quan tâm lớn nhất của các thí sinh trước mỗi kỳ thi chính là đề thi. Thứ trưởng có thể cho biết đề thi THPT quốc gia năm nay có gì đổi mới, khác so với năm trước?

Tới giờ phút này, công tác đề thi đã xong, Bộ GD&ĐT đã chuyển giao cho các cụm in sao đề thi. Việc chuyển giao năm nay được thực hiện sớm hơn để đảm bảo cụm thi ở xa có thể lấy toàn bộ đề thi phát cho điểm thi trong ngày thi tương ứng.

Đề thi năm nay, về nguyên tắc không có gì khác năm trước. Vì vậy thí sinh yên tâm ôn tập theo nội dung đã học, đặc biệt là ở chương trình lớp 12. Đề thi không đánh đố, không yêu cầu phải học thuộc nhiều nên các em hãy tự tin để làm bài cho thật tốt.

- Thưa Thứ trưởng, một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là các điểm thi phải đảm bảo ít nhất 50% giám thị là giảng viên các trường ĐH. Vậy các trường có gặp khó khăn gì khi triển khai nội dung mới này hay không?

Với các trường chủ trì cụm thi, Bộ GD&ĐT đã tính toán quy mô, đảm bảo đủ 50% số lượng giảng viên của trường đến coi thi tại cụm thi tại địa phương, 50% còn lại là các giáo viên phổ thông cũng như cán bộ của Sở GD&ĐT.

Một số trường thiếu hụt có thể sử dụng sinh viên năm cuối tham gia công tác coi thi. Bộ GD&ĐT lưu ý, khi sử dụng những người lần đầu tiên tham gia công tác thi, các Hội đồng thi có nhiệm vụ tập huấn thật kỹ quy chế thi để các cá nhân này có thể xử lý được những tình huống xảy ra. 

Mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng

 Phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh; phòng thi cuối cùng của buổi thi môn Ngoại ngữ (ở cùng địa điểm coi thi), được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo môn

- Năm nay, hầu hết các tỉnh thành đều có 2 cụm thi là cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì. Thứ trưởng có thể cho biết công tác thanh kiểm tra của Bộ GD&ĐT ra sao để đảm bảo sự công bằng giữa các cụm thi cũng như các địa phương?

Hiện nay cả nước có 14 địa phương chỉ có một cụm thi do trường ĐH chủ trì. Số lượng các địa phương tổ chức một cụm thi tăng so với năm ngoái. Dù cụm thi nào, do Sở GD&ĐT hay do trường ĐH chủ trì thì quy chế thi cũng như nhau, đề thi như nhau, công tác tổ chức như nhau.

Ngoài thanh tra Bộ GD&ĐT còn có thanh tra của địa phương, thanh tra của các bộ ngành có trường đại học tham gia tổ chức cụm thi đó. Trải đều khắp các cụm thi đều có thanh tra, kiểm tra nên đảm bảo công tác tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.

- Việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đến thời điểm này đã được tiến hành như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Tới giờ phút này, mọi công việc đã sẵn sàng, các trường được giao chủ trì cụm thi cũng như các địa phương đã hoàn tất công tác tổ chức.

Vừa rồi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã phân công đi kiểm tra một số địa phương, đặc biệt những địa phương lần đầu tiên tổ chức cụm thi, các Sở GD&ĐT cũng như các trường ĐH phối hợp rất chặt chẽ, tổ chức cụm thi đúng với quy định của quy chế thi THPT quốc gia.

Các trường đã tập huấn cán bộ, các sở ban ngành địa phương cũng đã vào cuộc để hỗ trợ cho thí sinh cũng như người nhà trong khi kỳ thi diễn ra.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm; đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.

 Lịch thi, thời gian làm bài thi và thời gian làm thủ tục dự thi

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian

làm bài

Giờ

phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu

làm bài

30/6/2016

SÁNG

từ 8 giờ

Thí sinh làm thủ tục dự thi: nhận Thẻ dự thi và đính chính các sai sót (nếu có)

01/7/2016

SÁNG

Toán

180 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Ngoại ngữ

90 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

02/7/2016

SÁNG

Ngữ văn

180 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Vật lí

90 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

03/7/2016

SÁNG

Địa lí

180 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Hóa học

90 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

04/7/2016

SÁNG

Lịch sử

180 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Sinh học

90 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ