Đề thi minh họa và định hướng ôn tập môn Ngữ văn năm 2018

GD&TĐ - Nhìn chung, đề thi minh họa môn Ngữ văn cho Kì thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 không nhiều thay đổi so với đề thi chính thức năm 2017. Đây là một điểm cộng rất lớn, vì chính điều này đã khiến cho người dạy thở phào nhẹ nhõm, như không còn phải lo lắng về tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, cũng như kinh nghiệm đã được tích lũy ôn luyện đề theo cấu trúc năm rồi…  

Đề thi minh họa và định hướng  ôn tập môn Ngữ văn năm 2018

Về điểm mới nhất trong đề thi minh họa lần này chính là phần Làm văn, câu nghị luận văn học. Tôi xin trích dẫn ra đây để bạn đọc dễ theo dõi:

“Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).

Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người”.

Theo đúng giới hạn ôn thi Trung học phổ thông Quốc gia dành cho môn Ngữ văn (và tất cả các môn khác) bao gồm chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng tập trung hơn cả vào chương trình lớp 12: đề ra dạng nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học 12 và liên hệ với một vấn đề trong tác phẩm văn học (hiện đại) lớp 11. Vì có rất nhiều anh chị đồng nghiệp và học sinh nhầm lẫn giữa dạng đề so sánh tổng hợp và dạng đề liên hệ, do vậy, cũng xin lưu ý:

1) Dạng đề nghị luận văn học trong đề thi minh họa là dạng đề liên hệ - liên hệ làm rõ một vấn đề nào đó như:

- Nhận xét/bình luận/… về phong cách nghệ thuật hoặc quan điểm sáng tác của tác giả thể hiện trong tác phẩm/

đoạn trích/…

- Nhận xét/bình luận/chỉ ra… những yếu tố làm nên cái hay của tác phẩm/đoạn trích.

Là liên hệ chứ không cần phân tích kĩ lưỡng đối tượng được liên hệ như trong dạng đề so sánh tổng hợp.

Cụ thể trong đề trên, yêu cầu cơ bản là “Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân)” và yêu cầu (nâng cao) là “liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân)” nhằm mục đích “nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người”. Nghĩa là học sinh chỉ cần làm yêu cầu phân hóa – vế thứ hai. Tham khảo gợi ý dưới đây:

Cả hai nhân vật, người lái đò trong cảnh chèo đò vượt thác (Người lái đò sông Đà) và Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù)đều toát lên vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ. Đó là quan niệm về vẻ đẹp con người mà Nguyễn Tuân suốt đời theo đuổi.

Tuy nhiên, đối tượng con người trong cảnh cho chữ - nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù) mà Nguyễn Tuân lựa chọn khắc họa vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ lại là người tri thức, chữ nghĩa và có thiên lương trong sáng (chân - thiện - mỹ). Đó là vẻ đẹp tài hoa một thời còn vang bóng – một vẻ đẹp vượt thời gian như một thứ đồ cổ, càng cổ càng có giá trị.

Còn trong cảnh chèo đò vượt thác (Người lái đò sông Đà), đối tượng con người mà Nguyễn Tuân lựa chọn khắc họa vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ lại là một người lao động vô danh, bình dị. Đó là vẻ đẹp được tuyệt đối hóa nhằm ca ngợi phẩm chất và quá trình chinh phục trong thời kì xây dựng xã hội mới của con người lao động.

Nhìn chung, dù là đối tượng con người được lựa chọn để khắc họa vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ có khác nhau do bối cảnh lịch sử, thời đại. Vì “văn học là hơi thở cuộc sống, thời đại” và một phần do thể loại mà ông lựa chọn - một là truyện ngắn, một là tùy bút. Nhưng thông qua hai nhân vật này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra quan niệm về vẻ đẹp con người của Nguyễn Tuân không có gì thay đổi. Ông vẫn hướng đến khắc họa con người mang vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ.

2) Đồng thời, vế liên hệ trong đề nghị luận văn học có tính phân hóa cao để đánh giá năng lực học sinh một cách khách quan nhất.

3) Về thang điểm, cũng như những năm trước đây, thang điểm dành cho phần nghị luận văn học là 5,0 điểm. Trong đó, về hình thức sẽ chiếm 0,5 điểm (10%), kỹ năng 0,5 điểm (10%), sáng tạo 0,5 điểm (10%), kiến thức cơ bản 2,5 điểm (50%) và kiến thức nâng cao là 1,5 điểm (25%). Để dễ hình dung hơn, mời bạn đọc xem biểu đồ.

Theo hướng này, thì rõ ràng đề minh họa lần này cũng rất hợp lý, hợp lý về dung lượng thời gian làm bài lẫn đảm bảo về giới hạn khung kiến thức chương trình Ngữ văn 11 và 12.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, để liệt kê ra những vấn đề trong các tác phẩm trong chương trình 12 và 11 lại rất ít hoặc buộc phải đi sâu vào từng chi tiết, khía cạnh để tìm ra vấn đề có thể liên hệ.

Có thể nói, đây vừa là một thử thách, vừa là một lợi thế. Thử thách vì rất ít vấn đề có thể liên hệ cho yêu cầu nâng cao, phân hóa năng lực học sinh. Lợi thế vì càng ít vấn đề liên hệ, giới hạn trọng tâm theo đó cũng thu hẹp lại, nghĩa là chỉ cần ôn theo hướng liên hệ mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ