85% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12
Phân tích đề tham khảo môn Hóa học, thầy giáo Hoàng Công Thắng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Trung học phổ thông Đặng Trần Côn, Thừa Thiên Huế cho biết: Đề tham khảo năm nay bao quát kiến thức trọng tâm lớp 11 và toàn bộ kiến thức lớp 12. Trong đó, kiến thức lớp 12 cũng có phần lồng ghép, xen kẽ với kiến thức lớp 11.
Cụ thể, tỷ lệ câu hỏi có nội dung kiến thức lớp 12 là chủ yếu, chiếm khoảng 85%. Số lượng câu thuộc kiến thức học kì 2 tương đương với kiến thức học kì 1. Cụ thể, đề có 34 câu thuộc chương trình lớp 12, trong đó kiến thức trải đều chương trình cả năm.
Chỉ có 6 câu hỏi kiến thức lớp 11 (chiếm 15%). Đề tham khảo không có nội dung giảm tải, nội dung tinh giản kiến thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảm câu hỏi thông hiểu, tăng câu hỏi vận dụng
Về mức độ, theo thầy Hoàng Công Thắng, phần câu hỏi nhận biết và câu hỏi thông hiểu trong đề tham khảo tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Phần thông hiểu giảm 2 câu so năm 2021, mức độ khó hơn. Phần vận dụng cũng tăng 2 câu so năm 2021, mức độ khó cũng tăng. Phần vận dụng cao tương đương đề thi năm 2021, tăng bài tập vô cơ (lồng ghép kiến thức chương trình lớp 11), giảm bài tập hữu cơ.
Về tỷ lệ câu hỏi theo các mức độ, đề có 20 câu ở mức độ nhận biết (chiếm 50%); mức thông hiểu 8 câu (20%); vận dụng 8 câu (20%); vận dụng cao 4 câu (10%).
Đề bám sát nội dung kiến thức hiện hành, không có các nội dung tinh giản theo công văn 4040 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đề có19 câu thuộc phần hữu cơ và 21 câu thuộc phần hóa vô cơ, phân bố hợp lí theo các nội dung, phù hợp với số tiết trong chương trình môn học. Trong đề không có nội dung chương 8 (nhận biết) và chương 9 (hóa học với vấn đề môi trường).
Với các câu ở mức độ nhận biết (câu 41 đến 60 - chiếm 50%), thầy Hoàng Công Thắng cho rằng, học sinh chỉ cần nhớ và biết có thể làm tốt - dành cho tốt nghiệp.
20% mức độ hiểu (câu 61 đến 68) - học sinh hiểu và áp dụng các kiến thức và kĩ năng tính toán thì có thể làm tốt - dành cho học sinh xét tuyển vào các trường có điểm chuẩn không cao.
30% mức độ vận dụng và vận dụng cao, trong đó mức độ vận dụng cao nhiều hơn đề chính thức các năm 2020 và 2021.
Ảnh minh họa/ITN. |
Bảo đảm mục tiêu xét tốt nghiệp, có phân hóa để xét tuyển đại học
Học sinh phải tổng hợp các nội dung lý thuyết (dạng câu đếm, dạng sơ đồ - câu 71,74,75,79), câu thực hành về thủy phân chất béo (câu 80), các câu tính toán với mức độ vận dụng và vận dụng cao, phân bố đều cả phần hữu cơ và vô cơ, học sinh khá giỏi mới có thể làm tốt (câu 69,70,72,73,76,77,78) - dành cho học sinh xét tuyển vào các trường có điểm chuẩn cao.
Đánh giá chung, thầy Hoàng Công Thắng cho rằng, đề tham khảo Hóa học năm 2022 có mức độ câu hỏi nhận biết cơ bản như các năm trước; phần câu hỏi thông hiểu ít lại và phần câu hỏi vận dụng, vận dụng cao nhiều hơn.
Đề bảo đảm được 2 mục tiêu: Xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với độ phân hóa cao hơn.
Học sinh chỉ tham gia Kỳ thi để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông cần ôn luyện tốt, nắm chắc kiến thức cơ bản mới có thể đạt từ 5 điểm đến 6 điểm. Học sinh có sức học trung bình khá có thể đạt được từ 6 đến 8 điểm. Học sinh giỏi thật sự mới có thể đạt 8 đến10 điểm.
Đề tham khảo môn Hóa học Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Đề thi gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 50 phút.
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Nội dung thi vẫn nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12.
Ngoài ôn tập theo định hướng của đề tham khảo Bộ mới công bố, các thí sinh có thể làm thêm đề thi chính thức môn Hóa học Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.