Ít đầu tư
Thực tế, hiện nay, không ít giáo viên chưa thực sự dồn tâm huyết đầu tư cho soạn giảng. Theo một khảo sát của cô Nguyễn Thị Nga - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) tại trường, những giáo viên tuổi cao hoặc có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, đầu tư cho soạn bài rất hạn chế.
Việc lập kế hoạch bài học chỉ là chép lại sách giáo viên mà không có sự đầu tư nào khác, không chú ý đến đối tượng học sinh cũng như cơ sở vật chất phục vụ bài giảng. Đặc biệt, có trường hợp chép nguyên giáo án cũ để dạy. Những điều đó làm cho chất lượng giảng dạy kém hiệu quả.
Những giáo viên có trình độ chuyên môn vững thực sự đầu tư cho bài dạy chưa nhiều.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Nga, các giờ dạy chay chiếm khá nhiều, cho thấy việc đầu tư tìm tòi, tận dụng khả năng hiện có của cơ sở vật chất nhà trường cũng như bản thân giáo viên còn nhiều hạn chế.
Điều này, một mặt do tâm lý ngại chuẩn bị đồ dùng dạy học, mặt khác cũng cho thấy bộc lộ rõ nét việc sử dụng trang thiết bị dạy học còn nhiều lúng túng ở nhiều giáo viên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giờ lên lớp đối với giáo viên có thâm niên công tác lâu năm thì thường chú ý đến nội dung bài là chính sao cho truyền đạt hết nội dung bài là được, việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực còn chậm.
Các giáo viên trẻ thì ngược lại, chú ý quá nhiều đến phương pháp mà không mở rộng, làm rõ nội dung cần lĩnh hội cho học sinh.
“Điều này dẫn đến chất lượng học tập của học sinh chưa được cao, học sinh tiếp nhận tri thức một cách thụ động, kiến thức không sâu, thiếu tính bền vững” - cô Nguyễn Thị Nga cho hay.
Cải tiến công tác soạn giảng
Là một cán bộ quản lý đang công tác tại trường tiều học, với thời gian trực tiếp giảng dạy 9 năm, trong đó làm tổ trưởng chuyên môn 5 năm, 10 năm làm Phó hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Nga đã đề xuất những biện pháp nhằm cải tiến công tác soạn giảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở trường mình công tác.
Theo đó, chú trọng bồi dưỡng giáo viên về công tác chuyên môn nghiệp vụ; học tập và thực hiện đầy đủ nề nếp chuyên môn; đổi mới công tác chỉ đạo dạy và học; chỉ đạo công tác soạn bài để nâng cao chất lượng giảng dạy; tổ chức chỉ đạo nâng cao chất lượng giờ dạy và tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra.
Cô Nga cho biết: Tổ, khối chuyên môn ở trường tiểu học là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn của mỗi thành viên trong khối. Để tiện cho việc chỉ đạo chuyên môn của tổ trưởng nhà trường đã biên chế tổ chuyên môn.
Việc chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch giảng dạy được triển khai trược tiếp từ Ban giám hiệu tới tổ trưởng tổ chuyên môn.
Trong quản lý chỉ đạo xây dựng kế hoạch giảng dạy, một mặt phải phát huy vai trò tự chủ sáng tạo của tổ, đồng thời phải chỉ đạo sát sao theo kế hoạch chung của toàn trường.
Căn cứ để xây dựng kế hoạch giảng dạy là phân phối chương trình và thời khóa biểu hàng ngày trong tuần...
Tổ chuyên môn được giao nhiệm vụ nghiên cứu, vạch kế hoạch bàn bạc thống nhất cách xác định mục tiêu cho các môn học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và đảm bảo sát với yêu cầu cơ bản về chuẩn kiến thức và kỹ năng chung do Bộ GD&ĐT ban hành.
Thống nhất nội dung, hình thức thể hiện bài soạn
Cô Nguyễn Thị Nga cho biết, từ đầu năm học nhà trường phân công một số giáo viên có kinh nghiệm như tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy giỏi tham gia vào việc xây dựng cấu trúc bài soạn cho từng môn học.
Sau đó đưa ra lấy ý kiến tham khảo rộng rãi và thống nhất chung, in thành tài liệu phát cho từng giáo viên để thực hiện.
Nhờ đó mọi bài soạn của giáo viên trong trường đều theo một cấu trúc thống nhất, chất lượng bài soạn được nâng lên một bước góp phần vào nâng cao chất lượng dạy học.
Kiểm tra việc thống nhất cách soạn của từng môn học ở từng khối lớp cũng được chú trọng.
Để quản lý tốt việc soạn bài và chuẩn bị giờ lên lớp của giáo viên, Ban giám hiệu đã chọn các hình thức kiểm tra: Kiểm tra đột xuất; kiểm tra trước giờ lên lớp; kiểm tra sau dự giờ; kiểm tra định kỳ cùng tổ trưởng chuyên môn; kiểm tra chéo trong buổi sinh hoạt chuyên môn; kiểm tra đồ dùng trực quan cho giờ dạy; trang thiết bị cho giờ dạy; giờ học ngoài trời (địa điểm học, kế hoạch quản lý học sinh).
Xây dựng các giờ dạy mẫu
Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên cốt cán, thông thường là tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cùng xây dựng các giờ dạy có chất lượng, làm mẫu cho giáo viên dự giờ; tiến hành rút kinh nghiệm, đánh giá những mặt tích cực về phương pháp dạy học, về nội dung và phong thái của giáo viên.
Từ những giờ dạy mẫu này, sau khi đã thử nghiệm thì tiến hành nhân rộng ra toàn khối, toàn trường.
“Việc xây dựng giờ dạy mẫu được tiến hành công phu, từ việc chọn bài dạy, tổ chức thiết kế bài soạn, cân nhắc phương pháp giảng dạy nào phù hợp với từng giai đoạn nào, cách sử dụng đồ dùng trực quan... Có như vậy giờ dạy mẫu mới thành công và đem lại hiệu quả khi triển khai đại trà” - Cô Nga nhấn mạnh.