Để sân khấu thoát khủng hoảng cần “chìa khóa vạn năng"

GD&TĐ - Với sự phát triển của xã hội cũng như đời sống văn hóa thì sân khấu đang gặp nhiều khó khăn thăng trầm bởi nhiều nguyên nhân tác động. Vực dậy sân khấu cách nào luôn là sự trăn trở thời gian qua của những nhà quản lý văn hóa, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên… và đổi mới được coi là "chìa khóa vạn năng".

 Để sân khấu thoát khủng hoảng cần “chìa khóa vạn năng"

Đổi mới để thích nghi và theo kịp mong muốn, nhu cầu của khán giả được nhìn nhận như một giải pháp tích cực nhất.

Theo PGS.TS Đinh Quang Trung, việc thứ nhất là ngành sân khấu cần chú trọng xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

Thời gian qua, số lượng chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn đạt ở vị trí đỉnh cao còn khá khiêm tốn. Chất lượng của nhiều tiết mục nghệ thuật chỉ ở mức trung bình, đó là chưa nói tới hiện tượng dàn dựng tiết mục, vở diễn chỉ để có tiết mục, hoàn thành kế hoạch, hoặc giải ngân. Hội diễn sân khấu, Hội diễn ca múa nhạc, cũng như các cuộc thi tài năng sân khấu được tổ chức hàng năm, kinh phí được chi tới hàng chục tỷ đồng nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng. Lượng khán giả đến với các liên hoan, hội diễn còn rất ít. Hội diễn sân khấu kịch nói diễn ra ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng không có mấy người xem…

Quá trình hội nhập với thế giới mở ra nhiều cơ hội song cũng có không ít thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả với các hình thức nghệ thuật của nước ngoài. Để tồn tại và phát triển, ngoài những yếu tố về nhân sự, tài chính thì một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay chính là chất lượng nghệ thuật.

Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.

Tiếp đó cần phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sĩ cần khai thác, phát huy những giá trị của di sản, bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương, dân tộc, vùng miền để tạo nên sự độc đáo và đa dạng văn hóa.

Trong môi trường toàn cầu hóa, văn hóa và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ là nền tảng, động lực cho sự phát triển mà còn là nguồn tài nguyên phong phú, là chất liệu độc đáo, là điểm tựa cho sáng tác nghệ thuật.

Tăng cường công tác giao lưu, hợp tác quốc tế cũng là giải pháp không thể thiếu bởi hiện nay, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu phải được xem là một mục tiêu quan trọng đối với hoạt động của đơn vị nghệ thuật.

Giao lưu văn hóa, nghệ thuật không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt, mà còn là sự gia tăng hiểu biết giữa các dân tộc. Thông qua giao lưu văn hóa, các đơn vị nghệ thuật cũng có thể tiếp nhận thêm kiến thức nghệ thuật, cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ liên doanh, liên kết, đặc biệt là quảng bá văn hóa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị – cũng là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của bất cứ đơn vị, tổ chức nào chính là người đứng đầu đơn vị. Người lãnh đạo đơn vị nghệ thuật không chỉ giỏi về chuyên môn, quản lý, ngoại giao... mà cần phải được xem như linh hồn của đơn vị. Trong môi trường cạnh tranh nghệ thuật ngày càng khốc liệt thì vai trò của người lãnh đạo đơn vị, hơn lúc nào hết càng phải được chú trọng hàng đầu.

Người nghệ sỹ cũng phải đưa đến khán giả những tiết mục hay nhất, trân trọng nhất, chứ không thể đưa ra nhưng tiết mục đại khái, thiếu nghệ thuật, mọi thứ tuềnh toàng, nhạt nhẽo.

Người nghệ sỹ phải cháy hết mình để đáp lại kỳ vọng của khán giả, chỉn chu mọi thứ từ công tác tổ chức, giờ giấc, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, phục trang, cảnh trí tất cả phải hoàn thiện thể hiện tính chuyên nghiệp cao, sang trọng và lịch lãm. Có như vậy nghệ thuật mới phát huy sức mạnh to lớn mới lay động lòng người, và khiến cho công chúng hướng tới và đi theo - NSUT Lâm Tùng – Nhà Hát Kịch Việt Nam nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ