(GD&TĐ) - Với nhiều bạn trẻ, thần tượng là mục tiêu phấn đấu để sống tốt hơn, nhưng hiện nay không ít người trẻ đã thần tượng một cách mù quáng mà đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của bản thân.
Một fan của nhạc Hàn kiệt sức trong đêm nhạc Soundfest dài tới 9 tiếng tại sân vận động Phú Thọ (TP HCM) |
Giấc mơ người nổi tiếng
“Giời ơi là giời không học hành mà cứ suốt ngày áo quần son phấn thế hả con ơi là con mày xem con Hà con Liên bạn mày nó sáng học tối học còn mày thì nay Đờm Vĩnh Hưng mai gon đờ gơ rồi ét en ét dê thà mày trắng xinh như Ngọc Trinh chứ da dẻ con khác gì củ ấu giọng thì khàn như mèo gào mà ai đồ cái gì con ơi…”
Chừng như kiệt sức với tràng độc thoại không đầu không cuối, dì tôi thở hắt ra, hổn hển vớ lấy cốc nước uống ừng ực. Vụt qua tôi ở ngay cổng là Lan Nhi với làn “da ngăm củ ấu”, với đôi môi xí muội màu hồng cam, đôi mắt to tướng dán mi giả chùm ba chùm bảy, trông như mắt của con búp bê nhựa hai chị em nó vẫn giằng nhau hồi nhỏ. Váy ngắn bồng bềnh trắng, trên đầu cài chiếc nơ trắng thật to, nó vọt qua đường, nhảy phóc lên chiếc LX “táo khuyết” màu ngọc trai đang rù rù nổ máy sẵn, ôm eo cậu trai tóc khói dựng ngược, áo bo đì trong suốt.
Nhiều tháng nay, Lan Nhi chẳng màng ngó ngàng sách vở. Tự nhận là “fan cuồng” của những cô gái Wonder Girls (ban nhạc nữ Hàn Quốc), nó chỉ lo sắm sanh những bộ cánh y hệt các thần tượng. Nó tham gia fanclub Wonderful, chia sẻ những bài hát nóng sốt của ban nhạc với bạn bè trên mạng, chí chóe chửi nhau với những anti fan. Rồi một ngày, cậu trai vẫn tán tỉnh nó viết những lời “có cánh” trên ‘tường” facebook, đại loại: “Cảm giác nhớ một ai đó ở ngoài tầm với thật khó chịu. Sohee da nâu ơi có biết... Có bao giờ em nhớ đến anh như anh đang rất nhớ em?”. Được “tiếng gọi tình yêu” thức tỉnh, nó chợt nhận ra ước mơ cháy bỏng của nó: trở thành nàng Sohee (một thành viên ban nhạc Wonder Girls) của xứ Việt.
Suốt ngày “luyện giọng” ở mấy quán karaoke, cuối cùng Lan Nhi cũng có khả năng… hát đúng nhạc vài bài “tủ”. Kệ cái giọng “mèo gào” trời phú, nó mải mê đeo đuổi giấc mơ “người nổi tiếng”. Giục giã thì nó nói tỉnh bơ: “Giọng con khàn như Hồ Ngọc Hà, da nâu như Phi Thanh Vân, đầu tư cho thời trang là đầu tư cho tương lai chứ bộ! Cứ để con thi Idol rồi kiếm tiền ngon, việc gì phải học!”
Từ hâm mộ đến fan cuồng
Cuối năm 2012, dì tôi tá hỏa vì con gái “biến mất”. Hai ngày sau nó mới thèm gọi về, giọng tỉnh bơ: “Mẹ yên tâm nhé, con đi đón thần tượng!”. Hóa ra Lan Nhi gom góp gần chục triệu “tiền còm” (nó có “quỹ” riêng từ tiền mừng tuổi, tiền tiêu vặt mẹ cho, và tiền… “biển thủ” từ những lần đi chợ giúp mẹ), bay vào thành phố Hồ Chí Minh để đón thần tượng từ xứ Hàn. Trên face book, Lan Nhi trưng những bức ảnh nó đứng ở sân bay Tân Sơn Nhất, lấp ló sau dàn bảo vệ mặt sắt đen sì, rướn cổ giơ tấm biển “I love Sohee” xanh vàng đỏ. Về, hỏi có gặp được được Sohee không, nó phấn khởi: “Có chứ, nhìn rõ lắm, chị ấy chỉ cách em chừng ba chục mét thôi!”.
Trong thế giới ngập tràn những cơn lốc thông tin hiện nay, thông qua báo chí, tivi, truyền hình cáp, kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông trực tuyến như báo điện tử online, diễn đàn online, website, blog, mạng xã hội, không khó để giới trẻ tiếp cận những làn sóng văn hóa trong nước và nước ngoài. Tuổi trẻ mấy ai không có những hình mẫu mà họ mong muốn được trở thành, và thường chịu ảnh hưởng về lối sống, các quan điểm đạo đức, hôn nhân gia đình, về tình yêu, sự nghiệp hay phong cách thời trang… từ thần tượng. Hiện tượng thần tượng hóa những hình mẫu của giới trẻ hiện nay đã trở thành một trào lưu rộng rãi, nhưng điều đáng nói là trào lưu này đang có những biến dị đáng lo ngại. Nhiều “người của công chúng” chỉ thu hút một bộ phận giới trẻ bởi sự hào nhoáng, lối sống xa hoa, với những câu phát ngôn nông cạn, thiếu hiểu biết hoặc thể hiện một thế giới quan xa lạ… Trên các phương tiện đại chúng xuất hiện nhan nhản những bài viết về những phát ngôn rẻ tiền đến… “lạnh người” kiểu như: “Yêu không có tiền thì cạp đất ra mà ăn à?”, “Từ khi mình cởi đồ thì mới được khán giả biết đến”, hay “Body mình đẹp, mình phải cho mọi người chiêm ngưỡng”…
Cách thể hiện sự hâm mộ của giới trẻ cũng có nhiều dị biệt. Từ những cách thể hiện sự hâm mộ một cách bình thường như mua đĩa nhạc, xem các bộ phim, chương trình ca nhạc có “thần tượng” tham gia; xin chữ ký, đọc sách, mặc đồ giống thần tượng, tham gia fan club…, đối với nhiều bạn trẻ, việc hâm mộ đã trở thành một “căn bệnh” kỳ quặc, làm méo mó lối sống, sai lệch quan niệm đạo đức. Mặt khác, thật đau lòng khi không ít thanh thiếu niên sẵn lòng thần tượng một con người xa lạ nhưng lại vô cảm trước nỗi nhọc nhằn của mẹ cha, trước cảnh khốn cùng của đồng loại!
Những trường hợp bỏ học, bỏ nhà, dối cha mẹ để đi đón thần tượng “ngoại” cách nhà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km như Lan Nhi không phải là hiếm. Còn đó trên mạng những bức ảnh, những đoạn clip ghi lại cảnh các em gào khóc khi không chen được vào gần để nhìn cho rõ thần tượng bằng xương bằng thịt, có em ngất xỉu vì quá khích… Nhiều bạn trẻ thậm chí còn… dọa tự tử nếu cha mẹ không cho tiền mua vé xem thần tượng biểu diễn, dù là giá mỗi tấm vé lên đến hàng triệu đồng. Có em thậm chí phải điều trị tâm thần vì quá mơ mộng, luôn ám ảnh rằng thần tượng ấy sinh ra chỉ để dành cho mình. Mới đây, việc một nam học sinh đến muộn buổi giao lưu của một ban nhạc Hàn quốc đã không ngần ngại… hôn lên ghế khi thần tượng rời bước đã để lại hình ảnh xấu cho fan Việt trong con mắt các nghệ sĩ nước ngoài. Không thể không nhắc lại vụ việc một nữ sinh lớp 12 Hải Phòng từng nộp đơn kiện nam ca sĩ “thần tượng” đã hãm hiếp mình. Dù sau đó cô gái đã rút đơn kiện, nhưng những hệ lụy đằng sau sự “thần tượng hóa” quá mức một con người bằng xương bằng thịt hẳn còn để lại những vệt mây u ám trong cuộc đời cô gái trẻ.
Khóc ngất khi không gặp được “thần tượng” |
“Sập bẫy” PR?
Có thể thấy đối với đại đa số những thanh thiếu niên ở lứa tuổi nhà trường, thần tượng mà các em hâm mộ thường là những người nổi tiếng trong giới giải trí, trong đó nổi bật là những ca sĩ thị trường, người mẫu đang lên, diễn viên,… Đó cũng là nhóm người cực kỳ chú trọng các thủ thuật PR, và áp dụng các chiêu “đánh bóng tên tuổi” một cách hiệu quả nhất. Giới truyền thông cũng góp phần không ít vào hiện tượng này, khi nhiều đầu báo, nhất là các trang báo mạng thi nhau tung hứng cho những ngôi sao giải trí, sẵn sàng thực hiện mọi “chiêu” PR cho một bộ phận những người nổi tiếng, hoặc nhiệt tình moi móc đời tư, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, khiến lối sống thực dụng lên ngôi, đẩy những giá trị sống đích thực xuống giá. Lạc giữa mê cung những tin tức “sao”, giới trẻ khó mà không bị “sập bẫy”.
Nhiều nhà tâm lý cho rằng hiện tượng giới trẻ “thi nhau” mắc bệnh “thần tượng” là một phần của hiện tượng tâm lý bầy đàn. Phần lớn các em mắc chứng “cuồng sao” là những thanh thiếu niên thiếu “phông văn hóa” cơ bản, dễ sa đà theo những xu hướng “bề nổi” hời hợt. Cũng khó trách bởi đang ở lứa tuổi còn non nớt, nhiều mộng mơ, các em thường bị cuốn hút bởi những ánh hào quang rực rỡ của người đẹp, diễn viên, ca sĩ… với những bức ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng, những bộ trang phục đắt tiền, trang sức quý giá… Thế giới xa hoa hào nhoáng đó hoàn toàn có thể hút các em vào như những vệ tinh nếu không được dẫn dắt bởi gia đình, nhà trường.
Mặt khác, ngày càng có nhiều chương trình truyền hình biểu dương, tôn vinh những người thành đạt, các bậc cha mẹ cũng thường lấy những tấm gương thành đạt để con cái noi theo. Tuy nhiên, việc quá đề cao sự thành công, thành đạt cũng phần nào phản tác dụng, khi nó phần nào khiến giới trẻ quên đi rằng một cuộc sống bình dị, có ý nghĩa, giàu chất nhân văn mới là quý giá nhất.
Không chỉ lớp thanh thiếu niên vừa chớm bước qua tuổi teen dễ mắc “bệnh thần tượng”. Một nghiên cứu của Viettrack về Những thần tượng đang được giới trẻ yêu thích dựa trên những người trẻ ở độ tuổi lớn hơn (từ 22 – 35 tuổi) cho thấy có 67% các thần tượng của những người được hỏi là người nổi tiếng trong nước; 45% thần tượng là ca sĩ, 22% là diễn viên, nghệ sĩ… Thần tượng là ngôi sao thể thao và người mẫu chiếm lần lượt là 8 và 6%; thần tượng là các nhà khoa học, kinh doanh, nhà soạn nhạc… chỉ chiếm trên dưới 3%. |
Kiều Trinh