(GD&TĐ) - Kể từ ngày 1/5/2013, Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực. Trong đó, lao động giúp việc gia đình được coi là một nghề và xác định là đối tượng mới được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động (BLLĐ) mới. Cụ thể giúp việc gia đình được pháp luật bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột…
Người lao động giúp việc gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình, không liên quan đến hoạt động thương mại sẽ được hưởng các quyền lợi cụ thể như: Người sử dụng lao động phải trả cho người giúp việc gia đình các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Ngoài việc được bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh, lao động là giúp việc gia đình còn được khuyến khích tạo cơ hội tham gia học văn hóa, học nghề và được chi trả tiền tàu xe khi thôi việc về nơi cư trú. BLLĐ nghiêm cấm những hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hay giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.
Khảo sát mới nhất của Bộ LĐ - TB&XH và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho thấy, có tới 46% hộ gia đình tại Hà Nội và TP HCM sử dụng lao động giúp việc gia đình. Trong đó, không ít trường hợp người lao động bị hành hạ, xâm phạm nặng nề cả về tinh thần và vật chất. Cùng với đó là số lượng lao động giúp việc gia đình ngày càng gia tăng, việc đưa loại hình lao động này trở thành một nghề, chịu sự điều chỉnh của pháp luật là cần thiết để hạn chế rủi ro cho cả hai phía: Người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên theo một số thăm dò mới đây thì đa số các “ô-sin” đều tỏ ra không quan tâm nhiều đến những quy định mới này, thậm chí một số còn không hề biết… Bà Nguyễn Thị Liên, 55 tuổi, quê ở Hưng Yên cho biết: “Tôi làm giúp việc gia đình cả chục năm nay, vừa rồi có nghe loáng thoáng việc này nhưng cũng không để ý vì làm ở đây cứ 3 tháng góp lại lĩnh lương một lần, chỗ ăn chỗ nghỉ đều đầy đủ thoải mái, theo lời khuyên của chủ nhà tôi cũng mua bảo hiểm y tế nhưng may quá là chưa phải dùng bao giờ. Tự thỏa thuận miệng với nhau là được, cần gì phải giấy tờ, hợp đồng…”.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận xét: “Nghề giúp việc gia đình được quy định trong Bộ luật Lao động 2012 là một điểm mới tích cực, bộ luật đã đặt vị trí người giúp việc bình đẳng hơn khi tham gia quan hệ lao động. Tuy nhiên, Bộ luật mới chỉ quy định chung chung về quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của người giúp việc gia đình đối với chủ nhà và ngược lại. Chế tài xử lý vi phạm, mức xử phạt; Các cơ quan có thẩm quyền giám sát, hòa giải, thanh kiểm tra; cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động, cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện của người giúp việc...” vẫn còn chưa được quy định.
Để “Giúp việc gia đình” trở thành một nghề thực sự trong xã hội, cần có sự vào cuộc của truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng tham gia, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện”.
Trung Việt