Dễ phòng, khó chữa

Dễ phòng, khó chữa

(GD&TĐ) - Bệnh lây qua đường tình dục, hỏi đến thì bạn trẻ nào cũng có thể kể ra vanh vách. Nhưng dấu hiệu nhận biết ra sao, cách phòng tránh hay chữa trị như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Bệnh gì cũng biết

Phòng khám và tư vấn thuộc Trung tâm phát triển sức  khỏe cộng đồng Ánh sáng thường xuyên nhận được câu hỏi thắc mắc của các bạn trẻ về vấn đề liên quan đến tình dục an toàn, các bệnh lây truyền qua con đường trên. Theo nhận định của BS Nguyễn Thu Giang, Phó GĐ Trung tâm, sự phát triển của sách báo, internet đã mở ra một kho tàng tri thức cho các bạn trẻ về các vấn đề liên quan đến cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có những bạn biết chắt lọc và biến thành kiến thức, kinh nghiệm của riêng mình, còn lại đa phần đọc qua loa, đọc cho có hoặc áp dụng một cách vội vàng khiến nhiều bạn phải hứng chịu hậu quả về sức khỏe, tâm lý.

Linh và Tuấn học chung một lớp ở trường THPT tại Hà Đông (Hà Nội). Hai bạn đã yêu nhau được 1 năm và nhiều lần vượt quá giới hạn và 1 lần phải giải quyết hậu quả tại một phòng khám tư. Sau khi giải quyết, do không kiêng cữ cộng với việc vẫn đi học bình thường nên Linh luôn cảm thấy khó chịu, đôi khi bị sốt. Hai bạn đã mua thuốc về uống nhưng không đỡ nên đành trốn học đến trung tâm khám và nhờ tư vấn. Tương tự, cặp Hùng - Liên đến gặp các bác sĩ do gần đây Liên luôn bị ra máu, đi tiểu buốt… nhưng không dám vào viện vì sợ gặp người quen, sợ bác sĩ phát hiện “ăn cơm trước kẻng”.

x
Trang bị kiến thức SKSS là cần thiết với tuổi vị thành niên     Ảnh minh họa: Xuân Tùng

Dấu hiệu cảnh báo không thể bỏ qua

Một điểm chung dễ nhận thấy là các bạn đều kể được những bệnh có thể bị lây nhiễm qua đường tình dục nhưng khi hỏi tại sao không dùng bao cao su, bệnh phát triển lâu mới đi khám… thì đều nhận được câu trả lời là không biết những dấu hiệu của bệnh. “Điều này cho thấy kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn của nhiều bạn trẻ rất mơ hồ. Giới trẻ chỉ nghe và biết về bệnh vậy thôi chứ không đi sâu tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị như thế nào”, BS Giang khẳng định.

Theo BS Giang, không quá khó để nhận biết những thay đổi bất thường trong cơ thể. Chỉ cần trang bị cho mình chút ít kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là có thể nhận biết dấu hiệu cảnh báo. Đơn giản như đột nhiên nhận thấy cơ quan sinh dục có dịch tiết bất thường (dương vật xuất hiện chất nhầy với các màu sắc như vàng nhạt, trắng hoặc âm đạo có dịch màu xanh, vàng nhạt kèm mùi khó chịu...) thì phải khẩn trương đến gặp bác sỹ bởi đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn mắc một bệnh nào đó qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, khi có biểu hiện khó chịu ở cơ quan sinh dục (vết loét, ngứa, đỏ, tiểu rát) cũng cần gặp bác sĩ bởi một cơ quan sinh dục khỏe mạnh và một cơ thể không nhiễm bệnh sẽ chẳng bao giờ có những biểu hiện này.

“Cẩn thận sẽ không bao giờ thừa vì qua thăm khám, làm xét nghiệm, bạn sẽ biết mình có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không. Mặt khác, mỗi lần khám bệnh cũng là dịp để kiểm tra lại tình trạng của cơ quan sinh sản của mình. Hơn nữa, đi khám để chắc chắn bản thân không có bệnh để yên tâm học tập, vui chơi, chứ cứ ngồi nhà đoán già, đoán non, rồi suốt ngày mang theo nỗi lo bệnh tật bên người sớm muộn gì cũng bị stress”, BS Giang khuyến cáo.

Vương Trần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ