Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên

GD&TĐ - Đây là một trong những nội dung đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trong phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên diễn ra sáng nay (29/12).

Phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên
Phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên

Dự phiên giải trình, về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội có GS.Viện sĩ Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban; các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban; đại diện Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội.

Về phía các bộ ngành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cùng đại diện các Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên

Tại phiên giải trình, GS Đào Trọng Thi cho biết: Qua 9 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh niên và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về thanh niên, phát huy được vai trò và tiềm năng của lực lượng thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên được thành lập; vị trí, vai trò của các tổ chức thanh niên được nâng lên. Nhận thức của các ngành, các cấp và địa phương về công tác thanh niên có nhiều chuyển biến. Thanh niên được quan tâm, tạo điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Hoạt động đối ngoại nhà nước về thanh niên được tăng cường và mở rộng.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Thanh niên cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Theo đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luât còn chậm và thiếu đồng bộ; nội dung quy định trong Luật còn chồng chéo, thiếu tính khả thi. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên còn chậm được kiện toàn.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác thanh niên còn mỏng và thiếu ổn định. Nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức tới việc thể chế hóa chính sách, pháp luật về thanh niên trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển về kinh tế xã hội của đơn vị, địa phương…

Trước thực trạng này, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên.

Trong đó, cần quan tâm nghiên cứu quy định thống nhất độ tuổi thanh niên trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như tiệm cận với các quy định của quốc tế.

Đồng thời, bổ sung các cơ chế, nguồn lực thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách đối với thanh niên; có chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm.

Quy định cơ chế khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của thanh niên trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ. Bổ sung chính sách nhà nước đối với thanh niên tình nguyện; quy định cụ thể cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên…

Thay mặt Chính phủ báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên, ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - đề nghị Quốc hội xem xét, đưa Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi, bổ sung) trong chương trình chính thức xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.

Trong thời gian Quốc hội chưa xem xét, thông qua Dự án Luật này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật Thanh niên đã được Chính phủ phân công.

Trong đó, tập trung ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên về học tập, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, dự án về thanh niên.

Báo cáo do ông Nguyễn Duy Thăng trình bày trước phiên giải trình cũng đưa đề nghị: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên cũng như các chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

“Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên, Bộ Nội vụ dự kiến nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách nhà nước đối với thanh niên di cư” – ông Nguyễn Duy Thăng cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ