Để môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn

GD&TĐ - ThS. Nguyễn Văn Quang (Trường ĐHSP - Đại học Huế) chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng CNTT để giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong trường ĐH.

Để môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn

Tích hợp đa phương tiện   

 

Có thể kế đến một số phương pháp dạy học tích cực trong dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh ở bậc cao đẳng, đại học như: phương pháp tình huống; phương pháp thảo luận, làm việc theo nhóm; phương pháp đóng vai; trò chơi trí tuệ; thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cuộc sống.

Từ đó, cũng có thể xác định một số ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn học này như: ứng dụng CNTT để khai thác hệ thống thông tin, tư liệu; thiết kế và trình bày bài giảng điện tử; khai thác khả năng tích hợp đa phương tiện trong thiết kế bài giảng và giảng dạy.

Đặc biệt, băng đĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ đắt lực cho việc biên soạn, thiết kế bài giảng cũng như giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn giảng dạy, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của việc sử dụng băng đĩa tư liệu vào giảng dạy là rất lớn, thu hút được sự chú ý của sinh viên; tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của sinh viên.

Đồng thời, sử dụng băng đĩa để giảng dạy, giảng viên dễ khắc sâu, mở rộng các đơn vị kiến thức, tăng tính trực quan, sinh động của bài giảng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của hướng khai thác này là cơ sở vật chất phục vụ quá trình dạy học và khả năng khai thác của người dạy cũng như người học.

Ứng dụng CNTT để thiết kế và trình bày bài giảng là quá trình sử dụng các phần mềm và phương tiện dạy học để xây dựng giáo trình, bài giảng và giảng dạy hệ thống giáo trình, bài giảng đó.

Để thiết kế và trình bài giảng điện tử môn tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng phần mềm eXe e-Learning, ứng dụng Microsoft Powerpoint để thiết kế, phát triển và xuất bản tài liệu học tập.

Dạy học tư tưởng Hồ Chí Minh là một hoạt động đặc thù, một quá trình sư phạm phức hợp. Do đó, muốn đạt mục tiêu dạy học đề ra, đòi hỏi các đối tượng giáo dục (người dạy và người học) phải tích hợp nhiều phương tiện dạy học khác nhau.

Tích hợp đa phương tiện để thiết kế bài giảng thực chất là quá trình người dạy sử dụng tổng hợp các phương tiện, trang thiết bị dạy học để thiết kế bài giảng. Người dạy căn cứ vào mục tiêu, nội dung của bài học, chuyên đề mà ứng dụng CNTT với các mức độ và hình thức khác nhau.

Quá trình ứng dụng CNTT để khai thác khả năng tích hợp đa phương tiện trong thiết kế bài giảng được thực hiện theo hai bước sau: thứ nhất, sử dụng máy tính và các trang thiết bị tin học để thu thập, xử lí thông tin, hình ảnh, phim tư liệu, xây dựng ý tưởng sư phạm của bài giảng; thứ hai, giảng viên sử dụng các phần mềm, ứng dụng để thiết kế bài giảng.

Tích hợp đa phương tiện để thiết kế bài giảng là một tất yếu trong dạy học hiện đại. Đối với môn tư tưởng Hồ Chí Minh, tích hợp đa phương tiện mang lại hiệu quả tích cực không chỉ đối với việc thu thập, xử lí thông tin mà còn góp phần xây dựng hệ thống ý tưởng sư phạm và hệ thống bài giảng hoàn chỉnh.

Việc tích hợp đa phương tiện đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết cho sự phong phú của bài giảng, làm bài giảng có sức sống, giàu thông tin; đồng thời, tích hợp đa phương tiện để khai thác các hình ảnh, phim tư liệu, giảng viên có thể truyền đạt, khắc sâu kiến thức nhanh chóng và hiệu quả.

Tích hợp đa phương tiện trong quá trình giảng dạy là quá trình giảng viên sử dụng đồng bộ các phương tiện dạy học để truyền đạt kiến thức. Đối với giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tích hợp đa phương tiện được thể hiện ở việc giảng viên xác định hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy học, xác định những yêu cầu về phương tiện dạy học của bài giảng; đồng thời sử dụng tích hợp các phương tiện trong quá trình giảng dạy.

Mỗi phương tiện dạy học đều có công năng khác nhau, vì vậy, để đạt mục tiêu của bài học, giảng viên phải sử dụng kết hợp các phương tiện dạy học.

Ứng dụng CNTT để khai thác tính tích hợp đa phương tiện trong quá trình giảng dạy là một việc làm cần thiết đối với các môn thuộc khoa học xã hội nói chung và môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng.

Nó giúp giảng viên truyền đạt hệ thống tri thức nhanh chóng và hiệu quả, khắc sâu những kiến thức trọng tâm, giờ học trở nên sinh động, linh hoạt. Đối với sinh viên, phương tiện dạy học được sử dụng một cách hợp lí, đúng chức năng sẽ tăng sức hấp dẫn, cuốn hút vào bài giảng

10 lưu ý

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh cần quán triệt một số yêu cầu cơ bản:

Việc khai thác, sử dụng tư liệu từ internet phải đảm tính đảng, tính cách mạng, khoa học; phải đứng trên lập trường, quan điểm mácxít để lựa chọn tài liệu, phản ánh chân xác, đúng đắn về con người và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Tham khảo các bài viết, công trình nghiên cứu đòi hỏi phải có sự phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu; phải biết chọn lựa những nội dung bản chất, phù hợp với các bài học, chuyên đề trong chương trình giảng dạy.

Phải nắm vững kiến thức, cách thức và nguyên tắc sử dụng phương tiện dạy học, có kĩ năng tra cứu thông tin và kiến thức tin học phổ thông; biết sử dụng thành thạo máy tính, cách thức soạn thảo văn bản, thiết kế bài giảng và biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện dạy học.

Hình ảnh, âm thanh, sơ đồ, biểu đồ được sử dụng để giảng dạy phải đảm bảo tính xác thực, độ thẩm mỹ, không cầu kì, phức tạp. Không sử dụng nhiều thông tin, hình ảnh, đoạn phim mang tính phản diện, phản cảm. 

Hình ảnh, đoạn phim đăng tải phải mang tính giáo dục, định hướng chính trị và góp phần hình thành ý thức, tình cảm, thái độ cho sinh viên; hình ảnh, phim tư liệu, các băng đĩa phục vụ giảng dạy phải được phê duyệt, được phát hành bởi các xuất bản có uy tín, có tư cách pháp nhân

Sử dụng phương tiện dạy học phải đáp ứng được mục tiêu và phù hợp với nội dung của bài học, đề cao vai trò hoạt động chủ động, tích cực của người học; sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đủ cường độ, tránh lạm dụng các phương tiện dạy học; kết hợp nhiều phương tiện dạy học khác nhau; đảm bảo sự tương tác đa chiều trong quá trình thiết kế và giảng dạy.

Không lạm dụng kĩ thuật trình diễn và thiết đặt các hiệu ứng trong quá trình thiết kế và trình bày bài giảng. Dạy học là một quá trình tương tương tác chứ không phải là nơi người dạy “phô diễn” các sản phẩm bằng các slide trình chiếu.

Phải xây dựng ý tưởng sư phạm cho mỗi bài học, tiết học. Điều này quyết định đến chất lượng của bài thiết kế cũng như chất lượng của tiết học. 

Giảng viên phải lựa chọn các đơn vị kiến thức trọng tâm; sử dụng các phần mềm, hình ảnh, đoạn phim cần thiết, sơ đồ, biểu đồ có tính khái quát cao. Quá trình xây dựng ý tưởng sư phạm tiến hành chu đáo, có đầu tư sẽ là nhân tố quyết định thành công cho một tiết dạy.

Phải xây dựng các thư viện tư liệu phong phú, đa dạng, gắn với từng đơn vị kiến thức, đề mục của bài giảng. Mục đích của thư viện là dẫn người học đến khái niệm, nội dung cơ bản, nội dung trọng tâm của bài học hoặc để làm rõ các đơn vị kiến thức. Thư viện tư liệu càng đa dạng, phong phú sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên thiết kế bài giảng một cách nhanh chóng.

Giảng viên giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh phải giỏi về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ, nắm vững và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với nội dung bài học, với từng đối tượng học sinh và phương tiện dạy học.

Với tư cách là người hướng dẫn, chuyên gia về “cách học”, giảng viên phải xây dựng các bài giảng phù hợp với từng đối tượng sinh viên, nhóm học, lớp học; sử dụng có hiệu quả các phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Ứng dụng CNTT vào dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh phải hướng đến các hoạt động nhận thức cho người học, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường học tập độc lập kết hợp chặt chẽ với học tập hợp tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.