Đề mở và đổi mới dạy học Địa lý

GD&TĐ - Thực hiện việc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trên nhiều diễn đàn đang đề cập đến một xu hướng ra đề mở.

Đề mở và đổi mới dạy học Địa lý

Công văn số 5466/BGDĐT-GDTrH ngày 07 tháng 8 năm 2013 của Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2013-2014 cũng nêu rõ:

“Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội”.

Đề mở với môn Địa lý

Đề mở trước hết vẫn phải đảm bảo kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng Địa lý cơ bản theo Chuẩn của Chương trình giáo dục phổ thông – đây là những sản phẩm của bài học truyền thống - là phần cứng, phần “đóng” cần đạt của mục tiêu các bài học.

Trong các đề thi học sinh giỏi thành phố môn Địa lí những năm gần đây, tỷ trọng điểm số của các câu hỏi, bài tập thuộc phần “đóng” này chiếm khoảng 70% - 80 % tổng số điểm của bài thi.

Đề thi truyền thống chủ yếu gồm các dạng câu hỏi truyền thống (trình bày; phân tích; chứng minh; giải thích; so sánh, mối quan hệ) và các dạng bài tập truyền thống (vẽ biểu đồ; nhận xét bảng số liệu, biểu đồ; sử dụng Atlat, sách giáo khoa,…).

Ví dụ: “Phân tích và đánh giá các điều kiện trồng cây chè ở vùng Trung du miền núi phía Bắc của nước ta”; “Căn cứ vào trang “Nông nghiệp” của Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các cây công nghiệp của nước ta”,…Kỹ năng giải quyết các dạng câu hỏi và bài tập truyền thống này chủ yếu được hình thành và phát triển trong quá trình tổ chức các hoạt động 2 và hoạt động 3 trong sơ đồ trên.

Trong các đề thi mở có các câu hỏi mở nhằm kiểm tra, đánh giá các sản phẩm mang tính phần mềm, phần “mở” không có mẫu sẵn trong Chuẩn kiến thức, kỹ năng bắt buộc của các bài học Địa lí.

Các câu hỏi mở nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức các hoạt động học của học sinh (phương pháp học, kỹ thuật khai thác phương tiện, đồ dùng học tập; quy trình khai thác SGK, bản đồ, Atlat Địa lí, học liệu mở,..; cách giải quyết các tình huống trong quá trình học bài; hình thức thể hiện và trình bày sản phẩm học tập,...).

Ví dụ: “Trình bày các bước khi tiến hành khai thác Atlat Địa lí Việt Nam để trình bày thực trạng phát triển ngành ngoại thương của nước ta”.

Các câu hỏi mở nhằm kiểm tra, đánh giá các năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng của môn Địa lí và các môn học khác để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống như:

Năng lực phát hiện tình huống thực tiễn có vấn đề; năng lực vận dụng kiến thức liên môn; năng lực phát hiện và sử dụng tổng hợp các nguồn lực cho học tập (bạn, thầy cô giáo, người thân, ,,,); năng lực lập luận để thể hiện quan điểm và chính kiến của bản thân.

Ví dụ: “Vẽ sơ đồ lớp học của em và trình bày đặc điểm vị trí chỗ em đang ngồi trong lớp học (tọa độ, tiếp giáp). Nếu được tự chọn chỗ ngồi, em sẽ chọn ngồi chỗ nào trong lớp học đó và giải thích tại sao ?

Ví dụ: “Có ý kiến cho rằng “Mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây”. Vận dụng kiến thức về các chuyển động của Trái Đất để lập luận, cho biết ý kiến trên đúng hay sai ?.

Các câu hỏi mở nhằm kiểm tra, đánh giá tính năng động, khả năng học sinh thích ứng và thực tiễn hóa kiến thức lý thuyết trong nhà trường vào đời sống kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.

Đôi khi chỉ là sự thay đổi cách hỏi, nếu học sinh không tư duy tốt hoặc không nắm vững bản chất của môn học sẽ lúng túng khi lựa chọn các phương án trình bày.

Ví dụ : “Với vai trò là một nhà doanh nghiệp kinh doanh việc trồng cây chè ở vùng Trung du miền núi phía Bắc của nước ta, hãy phân tích và đánh giá các điều kiện để trồng cây chè ở vùng này.

Đổi mới vai trò của thầy và trò trong quá trình dạy học đáp ứng các đề thi mở

Các sản phẩm mở của bài học Địa lí không phải là hoàn toàn mới xuất hiện. Nó vẫn có trong các bài học truyền thống nhưng được phát triển chủ yếu là tự phát, thiếu cơ sở lí luận.

Gần đây, do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra và đánh giá, các sản phẩm mở của các bài học Địa lí đang từng bước được học sinh phát triển một cách chủ động và tích cực hơn.

Theo hướng mở, ngay từ khâu thiết kế giáo án; chuẩn bị của giáo viên và học sinh; đến việc tiến hành tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên cần chuyển từ vai trò truyền thống “dạy” mang nặng tính áp đặt sang vai trò mở mang tính “tư vấn, hướng dẫn”;

Học sinh chuyển dần từ hoạt động “học” thụ động sang hoạt động “tổ chức học” cách chủ động, nhấn mạnh về sự phát triển năng lực của học sinh hơn là kỹ thuật, tựa như “ăn” khác với “tổ chức một bữa ăn”.

Trong quá trình tạo ra sản phẩm của bài học, giáo viên luôn luôn là “bà đỡ”, học sinh mới là những “sản phụ” trực tiếp “sinh ra”, làm ra và sử dụng các sản phẩm đó.

Học sinh cần được chủ động từ khâu xác định mục tiêu bài học (hoạt động khởi động); chủ động chuẩn bị tài liệu và các điều kiện học tập (hoạt động chuẩn bị);

Chủ động tìm kiếm phát hiện kiến thức mới, chủ động lập luận đưa ra các ý kiến, quan điểm của bản thân trước những thông tin mới và biết cách lắng nghe, thu thập, tổng hợp và xử lý các nguồn thông tin đó và biến nó thành tri thức cho bản thân (ba bước của hoạt động Tìm hiểu kiến thức mới);

Hình thành và phát triển kỹ năng, năng lực vận dụng kiến thức bài học Địa lí và kiến thức của các môn học khác để giải quyết các tình huống của cuộc sống (hoạt động thực hành và ứng dụng).

Học sinh nên hình thành thói quen luôn đặt ra câu hỏi: Tổ chức hoạt động này sẽ có được sản phẩm gì? Những lĩnh vực nào trong thực tiễn liên quan đến sản phẩm này của bài học?

Và trước mỗi tình huống xảy ra phải đo lường được các hậu quả, các diễn biến khác nhau, các cách ứng xử khác nhau, tránh tình trạng bị động trong học tập cũng như trong các môi trường sống (Hoạt động mở rộng phát triển bài học).

Để tổ chức dạy học theo hướng mở có hiệu quả, cần có cái nhìn mở về đồ dùng dạy học; tài liệu học tập; hình thức tổ chức dạy học; không gian và môi trường học tập,...

Môi trường dạy học không đóng kín trong nhà trường mà được tổ chức cả trong gia đình, cộng đồng.

Ví dụ: “Hãy trao đổi với người thân trong gia đình và cho biết bố mẹ em giải thích tại sao cuối mùa đông các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Hồng thường có hiện tượng “nồm” hoặc “Hãy trao đổi với cán bộ ở địa phương rồi thông tin cho lớp em biết trên địa bàn của phường (thôn) em có bao nhiêu hộ gia đình ? bao nhiêu nam và bao nhiêu nữ ?”.

Dạy học theo hướng “mở” phải đảm bảo các nguyên tắc dạy học, phải đảm bảo Chuẩn kiến thức, kỹ năng trong Chương trình Giáo dục bộ môn Địa lí. “Mở” không hẳn là “rộng” nhưng là sự đa dạng hóa của các loại hình sản phẩm bài học (kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị, năng lực...).

Hướng tổ chức dạy - học giúp học sinh giải quyết tốt các đề mở

Việc tiến hành dạy học theo chủ đề tích hợp đối với giáo viên và sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn đối với học sinh là hướng tổ chức dạy - học giúp học sinh giải quyết tốt các đề mở.

Câu hỏi mở thường mang tính thời sự, có khả năng phân hóa cao, tạo cơ hội để học sinh tư duy sáng tạo, độc lập và rèn luyện năng học tập suốt đời. Do đó các câu hỏi mở thường không có mẫu sẵn và cách giải quyết không theo thói quen, hay lối mòn cũ.

Học sinh cần tư duy, cần tìm ra cách đi riêng phù hợp với hoàn cảnh thực tại của bản thân, gia đình, dòng họ và địa phương.

Các sản phẩm của một bài học mở rất đa dạng

Bên cạnh việc học Địa lí để đáp ứng các bài kiểm tra, các kì thi tốt nghiệp, thi đại học,…, các sản phẩm của bài học còn giúp học sinh biết cách làm thế nào để lựa chọn được một môi trường Địa lí tốt cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng (người xưa gọi đó là phong thủy).

Mỗi bài học Địa lí là một cách làm giàu: địa lí nông nghiệp định hướng cách làm giàu từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (sản phẩm là ruộng vườn, lúa, ngô, hải sản,..); địa lí công nghiệp định hướng cách làm giàu từ các hoạt động công nghiệp (sản phẩm là nhà cửa, ô tô, xe máy,…); địa lí dịch vụ định hướng cách làm giàu từ các hoạt động dịch vụ (sản phẩm là sức khỏe, tri thức, năng lực kinh doanh,…).

Hay việc chủ động khai thác các quá trình phát triển kinh tế của các khu vực địa lí, các quốc gia và các vùng lãnh thổ, học sinh có thêm những kinh nghiệm, những bài học làm giàu của các quốc gia và lãnh thổ đó.

Chính quá trình học tập cũng là một cách thức đầu tư để làm giàu từ con người. Với cách nhìn đó, học sinh học Địa lí không chỉ đề thi mà học để vận dụng vào cuộc sống, để làm giàu. Từ đó giờ học sẽ là giờ khám phá, học sinh ham thích thấy cần học, chứ không là phải học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ