Hoa Lư thi tập, là một bộ sử thi hào tráng, thăm thẳm tinh thần phương Đông. Nếu văn học Cổ, truyền lại lời Đức Khổng nói về “Nhân” hồn nhiên như hóa công, Mạnh Tử bàn “Nghĩa” chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói “Lễ” thật đường bệ, Mặc Tử giải “Ái” thật rộng rãi, ngôn luận Án Tử thật uyên áo khiến người ta dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử, vô thượng thậm thâm như lời Đức Phật…
Nhà thơ Hoàng Quang Thuận |
Tất cả những triết thuyết biến hóa như rồng, phấp phới như mây, thì Hoa Lư thi tập của GS. TS Hoàng Quang Thuận cũng ảnh hưởng từ đấy – rất hàm xúc, với lối tư duy nghệ thuật thanh thoát Lão Trang, Thiền Phật, nhè nhẹ mực thước Nho nên tài tình bay bổng. Từ cái vỏ, bóc tới cái nhân. Bỏ qua cái vật, bắt lấy cái thần. Như không mà lại có. Khoảnh khắc mà vĩnh viễn. Gang tấc mà muôn trùng… Tinh túy giọt sương mà bao la vũ trụ. Với một nghệ thuật Đường thi trác việt như vậy, nó đã đủ đưa Hoa Lư thi tập vào với cõi lòng độc giả.
Thiên Hương tiên động ngày xưa ấy
Mây trời ao nước đã đong đầy
Ngàn năm thế sự bao thay đổi
Còn lại ngang trời một cánh mây
Trên tay tôi là 121 bài thơ về toàn cảnh Hoa Lư, mà tôi đươc vinh hạnh viết lời cảm nhận. Tuy nhiên, vì học sơ hiểu cạn, và vì phạm vi bài viết, tôi không thể kết tinh, thăng hoa hết những cảm xúc của tôi về những dòng thơ này, nhưng cũng xin mạo muội viết ra những lời hạn hẹp, rằng:
Nếu mỗi bài thơ là một bông hoa thì, với 121 bài này, đủ để kiến tạo nên một vườn hoa ý tưởng với muôn vàn hương sắc. Còn hoặc, nếu chúng ta kết hợp “phong thủy” cho vườn hoa thơ thì, thưa các bạn, tất cả chúng đã tạo nên những “chất” rất tuyệt vời… Biểu hiện như:
Hang đá thời Đinh là chất kim:
Nhủ đá trần hang giọt nước rơi
Tiên bay mây trắng cả hang trời
Ngư ông râu bạc ngồi câu cá
Ông lão đánh cờ nước chảy xuôi
Lăng vua Lê là chất mộc:
Rồng chầu mặt nguyệt chạm trên lăng
Cô tịch tà dương ánh vĩnh hằng
Hổ phù ngậm ngọc nằm yên nghỉ
Dãy núi vòng quanh huyệt đế lăng
Vương triều nhà Lý là chất thủy:
Dài lâu đế nghiệp dời đô mới
Đại La thủy tú nước yên lành
Hòn vọng phu thời Trần là chất hỏa:
Chiến chinh tràn khói lửa binh đao
Vọng phu chờ hết kiếp má đào
Chinh phu chiến trận chàng có nhớ
Bồng con hóa đá tự năm nào
Thế giới thiền sư là chất thổ:
Cõi đời nước mắt có đầy vơi
Độ thế chúng sinh giữa đất trời
Lục trí thần thông an đế nghiệp
Ngàn năm tỏa sáng mãi không thôi
Thì, tất cả chúng đã vừa tạo nên một ngũ hành tương sanh về tư tưởng, lại vừa tạo nên một ngũ hành tương khắc về biểu hiện. Hà đồ lạc thư nơi vườn hoa thơ của họ nở rộ cả một bầu trời sáng tạo, với đầy đủ các cung bậc: Hỷ, nộ, ái, ố, ai, dục, lạc.
Người bạn đi chung đường (1)
Thao thức giữa đêm sương
Nửa khuya thơ thức dậy
Nghe u mặc làn hương
(Trụ Vũ)
Vậy thì, vậy thì sao? Thực hay vờ? Hư hay thực?
“Thực” làm sao nổi khi toàn cảnh Hoa Lư cùng những con người chỉ là những điều trên chữ nghĩa? Mà “hư” thì “hư” làm sao được khi giữa cái vũ trụ chữ nghĩa đó lại nổi lên những sự kiện, những cảm xúc hoàn toàn thực, hoàn toàn sống: một con người bằng xương bằng thịt đã có ánh nhìn thấu cả tử sinh trên từng tấc giấy: tác giả Hoàng Quang Thuận?
Vô thanh |
Tại sao ta không chấp nhận ngay cái “nửa hư nửa thực” ấy, cái chất ambigu đó là tính căn bản của thơ ca, của tâm ca? Mà nơi đó, chỉ có những con người biết sống và dám sống, mới đủ sức tấu lên cho đời khúc điệu vô thanh bằng hơi thở của đất trời và của chính con người hòa quyện. Nhưng văn chương chỉ là những âm ba gờn gợn trên mặt nước trầm bình của dòng sông tâm thức. Chỉ có thơ mới là tiếng nói đích thực của cung bậc vô thanh:
Véo von tiếng sáo chùa Địch Lộng
Quốc sư thiền định ảo hư không
Vang mãi, vọng mãi… Và từ âm vọng này, ta đã tìm được chính ta. Ta là ai? Ta là nghệ sĩ. Các thiền sư thời Lý Trần là những thiền sư nghệ sĩ; chính Đức Phật cũng là một nghệ sĩ vĩ đại. Bạn hãy lắng nghe đây, tiếng sáo của Đức Bổn Sư thổi tại một cánh rừng thuộc Vương quốc Ma Kiệt Đà vào một buổi sáng: Tiếng sáo nhẹ như một làn khói nhỏ lơ lửng và nhẹ nhàng đi lên từ một mái tranh nghèo nào đó ở ngoại thành Ca tỳ la vệ trong giờ nấu cơm chiều. Rồi làn khói bổng nhiên tỏa rộng trên không gian như một đám mây. Đột nhiên đám mây biến hình thành một đóa hoa sen ngàn cánh, mỗi cánh hoa một màu sắc khác nhau lấp lánh trong ánh nắng chiều. Đột nhiên một người thổi sáo biến thành ngàn người thổi sáo: Tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ được chế biến thành âm thanh, âm thanh muôn màu, muôn sắc. Âm thanh khi thì nhẹ như gió thoảng, khi thì mau như tiếng mưa rào, khi thì trong như tiếng hạc, khi thì đậm đà như tiếng mẹ ru con, khi thì sáng rỡ như ngọc lưu ly, khi thì hùng vĩ như tiếng hải triều, khi thì im lặng như nụ cười của người đã thoát ly được sự hơn thua còn mất. Chim rừng đã im hơi lăng tiếng và gió chiều cũng đang thổi rì rào trong lá. Rừng được bao phủ bởi một không gian thanh tịnh, an lạc và nhiệm màu. Tiếng sáo đã chấm dứt nhưng tiếng sáo vẫn còn đó, tiếng sáo đã đưa chúng ta về với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại (2) …
Đức Phật đã đạt đến chỗ tuyệt vời của nghệ thuật. Bạn cũng có thể đạt đến chỗ tuyệt vời của nghệ thuật nếu bạn chứng đắc được chỗ tuyệt cùng của tâm linh.
Tiên cảnh bồng lai nơi cõi Phật
Ngũ sắc hang trần áng mây bay
Mênh mông, diệu vợi… Lan tỏa bao đời và qua bao thế hệ - vĩnh nghiệp thi ca chuyển giai điệu thành tâm điệu. Bảo tồn tinh túy đưc tâm thanh đến vô thanh. Hoa Lư thi tập – với hành trang mỗi thời mỗi khác, nhưng cây cỏ, sông núi, quê hương, đất nước cũng vẫn như vậy. Không thấm đẫm được truyền thống cha ông thì hồn cốt quê hương biết nương dựa vào đâu?
Thi nhân đã chở Hoa Lư vào lòng người bằng chiếc thuyền thơ của mình. Chở những ra đi như một cuộc trở về: “Ném vào chỗ mất lại còn, đi vào chỗ chết lại sống” (Lão Tử), tuyệt hậu tái tô – thế giới của những con người sống nghìn năm trong cõi thiên thu mà vẫn qua thơ bày tỏ tấm lòng mình:
Hương lửa đang nồng trâm vỡ tan
Con còn thơ dại, giặc ngoại bang
Thế nước lòng dân trời binh lửa
Có hiểu lòng ta hỡi Đinh Hoàng!
Hậu thế nghĩ gì ngôi thái hậu?
Vân Nga đâu tiếc tấm thân vàng,
Vì nước an dân trao ngôi báu,
Lê Hoàn dậy sóng thắng lân bang.
Sự thế nhược đại mộng. Trong mộng lớn lồng mộng con, một giấc mộng vô thường về đời sống hóa thành thơ khiến người ta cảm nhận nó bằng tấm lòng vô phân biệt.
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán (3)
Cám ơn Hoàng Quang Thuận, cám ơn những vần thơ đã khiến cho chúng ta yêu thiên nhiên và con người hơn. Và hình như, anh đã góp phần tạo ra một cảnh đẹp nữa, cảnh đẹp vô danh. Đó chính là cảnh đẹp đầy vẻ an lành và thanh thoát trong lòng mỗi chúng ta sau khi đọc Hoa Lư thi tập
Hoàng long soi bóng người trung nghĩa
Để lại ngàn thu một tấm lòng
Sài thành, 2010
Đăng Lan
Chú thích: (1) Dương Kỳ Anh – người bạn đồng hành với tác giả tại Bái Đính, Ninh Bình.
(2) Đường xưa mây trắng - Nhất Hạnh
(3) Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt bóng
Như sương cũng như điện
Nên khởi quán như thế
- Kinh Kim Cang