Để học sinh trách nhiệm hơn khi ấn nút "like", "share"

GD&TĐ - Nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2019 - 2020 là xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, tạo nền tảng nhân cách cho các em.

Chương trình ngoại khóa “Văn hóa sử dụng mạng xã hội” của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)
Chương trình ngoại khóa “Văn hóa sử dụng mạng xã hội” của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

Chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn ở từng cấp bậc học. Hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; phân công HS trực nhật lớp, vệ sinh trường học, khu vực quanh trường, chăm sóc cây xanh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Nội dung chưa thiết thực; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội chưa chặt chẽ; một bộ phận HS có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra gây bức xúc, lo lắng cho xã hội.

Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục ưu tiên hàng đầu trong năm học 2019 - 2020 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Nhiệm vụ này sẽ được triển khai cụ thể, chi tiết để ngay sau năm học sẽ thấy sự thay đổi rõ nét từ HS, giáo viên cho tới nhà trường.

Cần đẩy mạnh văn hóa đọc trong trường học, tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách lớp học để định hướng, tạo điều kiện cho HSSV đọc sách, say mê, yêu quý sách. Các nhà trường đẩy mạnh việc thành lập thành lập các câu lạc bộ sở thích, tài năng, tổ chức các diễn đàn, tọa đàm và khuyến khích HSSV tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GD, các nhà trường tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; tích cực triển khai hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho HS phổ thông; áp dụng thí điểm hợp đồng vị trí tư vấn học đường tại các địa phương có điều kiện; tăng cường thực hành tư vấn tâm lý cho HS phổ thông. Chú trọng công tác xây dựng kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học và tạo môi trường để HSSV rèn luyện, phấn đấu. Duy trì việc hát Quốc ca trong các Lễ chào cờ. Phân công HSSV trực tiếp, thường xuyên tham gia trực nhật lớp, lao động, làm đẹp cảnh quan khuôn viên nhà trường.

Tổ chức và thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; xây dựng văn hóa trường học gắn với uy tín và thương hiệu của nhà trường. Mỗi nhà trường cần xây dựng các hệ giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi là chuẩn mực để nhà giáo, cán bộ quản lý, HSSV lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.

Các nhà trường được yêu cầu tăng cường GD đạo đức lối sống cho HS, chấp hành luật lệ ATGT... Ảnh minh họa/ Internet
Các nhà trường được yêu cầu tăng cường GD đạo đức lối sống cho HS, chấp hành luật lệ ATGT... Ảnh minh họa/ Internet 

Hãy chia sẻ nhiều hơn những điều tốt đẹp

Đánh giá về những tồn tại của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học vừa qua, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, còn một bộ phận HS vi phạm đạo đức.

Ở một số nơi còn để xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục HS, khiến phụ huynh chưa yên tâm. Vì vậy, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo ngành đã trực tiếp nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu các phòng GD&ĐT, các nhà trường có giải pháp cụ thể, quyết tâm khắc phục căn bản những vấn đề còn tồn tại để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho nhân dân.

Trước nhiều nguy cơ, hệ quả xấu từ lối sống thiếu lành mạnh, đi ngược đạo đức xã hội của thanh, thiếu niên, ngành GD-ĐT Hà Nội đang yêu cầu các trường cùng với việc dạy kiến thức phải tăng cường giáo dục kỹ năng, lối sống, củng cố nền tảng đạo đức cho HS. Hoạt động này đòi hỏi tâm huyết và sáng tạo, đổi mới của nhà trường, cũng như sự phối hợp của các bậc cha mẹ HS.

“HS không chỉ biết tập trung học tập và học một cách thụ động. Các em cần được khơi dậy những khát vọng để luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại thực hiện ước mơ của mình. Hơn nữa, các em cần thấu hiểu những giá trị tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, gia đình trong việc phát triển bản thân, sự nghiệp” - cô Nhiếp chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Giáo dục lối sống cho HS cần có quá trình và sự tham gia của nhiều lực lượng, giữa nhà trường và xã hội. Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng trong Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục, ngay sau khai giảng hai ngày, gần 2.000 HS Trường THPT Yên Hòa đã được khởi động bằng một chương trình ngoại khóa thiết thực với chủ đề “Sống ước mơ và khát vọng”.

Quan tâm tới vấn đề gắn liền với giới trẻ hiện nay là mạng xã hội, Trường THPT chất lượng cao Phan Huy Chú (Quận Ðống Ða) đã tổ chức bàn luận về chủ đề “Lời đẹp - Sống sâu - Giàu nhân ái”. Trong buổi sinh hoạt ngoại khóa, HS được tìm hiểu về Luật An ninh mạng, được chia sẻ những suy nghĩ của mình về cách ứng xử trên không gian mạng cũng như trong cuộc sống.

Cô Cao Thanh Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chất lượng cao Phan Huy Chú (Quận Ðống Ða) - cho biết, thông qua buổi hoạt động ngoại khóa, nhà trường mong muốn mỗi học sinh hãy trách nhiệm hơn khi ấn nút like (thích), share (chia sẻ) thông tin, hay bày tỏ thái độ qua lời comment (bình luận) của mình trên mạng xã hội. Thay vì việc chia sẻ những thông tin tiêu cực, thất thiệt, mỗi người hãy chia sẻ nhiều hơn những điều tốt đẹp, hãy đưa ra những lời bình tích cực, mang tính xây dựng, yêu thương để cuộc sống mỗi ngày thêm tươi đẹp và ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.