Để học sinh dân tộc thiểu số yêu thích môn Lịch sử

GD&TĐ - Là một giáo viên trẻ của Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái), thầy Hà Văn Đường đã có phương pháp riêng để dạy môn Lịch sử cho các em học sinh dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.

Thầy Hà Văn Đường và đang hướng dẫn một nhóm học sinh học môn Lịch sử
Thầy Hà Văn Đường và đang hướng dẫn một nhóm học sinh học môn Lịch sử

Khơi nguồn cảm hứng cho học sinh

Phải đi từ vấn đề đơn giản nhất là giải thích cho các em hiểu Lịch sử là gì? Môn học này nói về cái gì? Có thật hay không? Có cần thiết với chúng ta hay không? Với học sinh dân tộc thiểu số nói riêng và đồng bào nói chung, đôi khi họ không cần biết đó là cái gì, từ đâu đến, ai sáng tạo ra nhưng nếu họ biết nó tốt cho mình, có lợi cho mình là họ sẵn sàng nghe và làm theo ngay. Vì thế ngay từ đầu phải cho các em hiểu về môn học này.

Theo thầy Đường, việc đầu tiên là phải tạo hứng thú cho các em. Làm cho các e thích môn học này. Nói thì dễ nhưng làm được điều này lại là chuyện khác và phụ thuộc rất nhiều vào kĩ năng sư phạm của giáo viên. 

Từ việc chuẩn bị giáo án, đến phương pháp ở trên lớp như: Lời giảng phải thu hút, cách ghi chép phải ngắn gọn, dễ hiểu….

“Người thầy không nên dùng những từ ngữ quá hàn lâm, cao siêu, xa lạ với các em mà nên tìm những từ ngữ quen thuộc, gần gũi bởi các em học sinh dân tộc thiểu số có vốn từ ngữ rất ít, các em thường quen sử dụng ngôn ngữ địa phương” – Thầy Đường chia sẻ.

Cũng theo thầy Đường, với học sinh dân tộc thì cách đánh giá, cho điểm để khuyến khích học sinh học tập cũng là một điều hết sức quan trọng và cần thiết. Với các em, điểm số là điều quan trọng nhất nhưng cách cho điểm của người thầy sao cho phù hợp và có tác dụng động viên, khích lệ các em cố gắng hơn trong học tập.

“Theo đó, tôi thường chấm điểm cao cho những câu hỏi khó hoặc những học sinh thường xuyên phát biểu xây dựng bài. Đối với những học sinh không học bài không nhất thiết là phải cho điểm kém mà có thể cho các em “nợ”, tất nhiên là tôi dành cơ hội cho các em “ trả nợ bằng một câu trả lời ở những bài học sau.

Không nên tạo áp lực cho các em học sinh trong môn học. Tôi đặc biệt tránh tình trạng khi vừa vào tiết học các em có tâm lí lo sợ bị thầy gọi lên bảng để kiểm tra bài cũ hoặc bắt các em trả lời một câu hỏi quá khó. 

Nếu chúng ta tạo ra áp lực như vậy sẽ khiến học sinh chán nản và không có hứng thú với môn học. Các em sẽ chuyển sang cách học đối phó thậm chí là bất cần” – Thầy Đường trao đổi.

Khơi nguồn cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử
 Khơi nguồn cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử

Không tạo áp lực cho học sinh

Ngoài ra, giáo viên cũng không nên đặt ra yêu cầu quá cao đối với học sinh của mình. Từ sự thấp kém hơn học sinh dưới xuôi về mặt bằng nhận thức, chúng tôi phải thừa nhận rằng việc đặt ra yêu cầu quá cao với đối tượng học sinh của mình là một việc rất khó. 

“Vì vậy cho nên các thầy cô ở những trường miền xuôi ôn tập để các học sinh của mình thi được điểm giỏi thì với chúng tôi chỉ đặt ra mục tiêu là các học sinh của mình chỉ cần đạt điểm khá” – Thầy Đường bộc bạch.

Bằng cách dạy như trên mà các tiết học Lịch sử đã không còn khô khan với học sinh, các em đã hứng thúc với môn học này hơn. 

Bằng chứng là theo khảo sát ban đầu, kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 tới đây, toàn trường có khoảng một nửa học sinh khối 12 lựa chọn môn Lịch sử để đăng kí thi tốt nghiệp và xét vào các trường đại học cao đẳng. Môn Lịch sử dần dần đã trở thành thế mạnh của các em học sinh dân tộc nói riêng và các trường vùng cao nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ