Để học đường không còn khói thuốc lá

Để học đường không còn khói thuốc lá

(GD&TĐ) - Theo điều tra của WHO về hút thuốc ở lứa tuổi học đường thì nam học sinh là 6,5%, nữ học sinh là 1,2%. Như vậy, cứ 100 học sinh, quân bình có từ 7 đến 8 em hút thuốc, chỉ thế cũng đã đủ làm ô nhiễm mà hàng trăm em đang hít thở. Chính vì vậy mà các nhà trường cần chú trọng giáo dục học sinh, ngăn chặn sớm tệ nạn hút thuốc lá. 

Tại Việt Nam, theo số liệu của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm có trên 5 triệu người bị chết vì thuốc lá và các tác nhân liên quan tới thuốc lá. Nếu không kịp thời có những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc hút thuốc lá, đặc biệt là trong lứa tuổi thiếu niên thì số người chết do hút thuốc lá ngày càng tăng. Nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của giống nòi và sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt Nam trong tương lai.

Để học đường không còn khói thuốc lá ảnh 1
ảnh minh họa/ Internet

Một thực trạng hiện nay rất đáng báo động là số người hút thuốc ngày càng trẻ hóa, và hình ảnh những cậu học trò mới học cấp II, trên vai vẫn đeo khăn quàng đỏ, mà trên môi đã phì phèo điếu thuốc gần như hiện diện ở khắp mọi nơi. Theo báo cáo, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 13-15 hút thuốc lá là 10,4-22,9%, trong đó có khoảng 5-8% số học sinh được khảo sát vẫn đang hút thuốc lá.

Có đến 44% nam sinh và 12% nữ sinh bậc THPT ở TP HCM có thói quen tai hại này. Đây là kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Thành phố thực hiện tại 27 trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện. Có đến 17% hút 6-10 điếu/ngày, 6% hút 11-19 điếu/ngày, nhiều em hút mỗi ngày trên 20 điếu.

Điều đáng sợ là có đến 15% học sinh cho rằng hút thuốc lá là hành vi bình thường, không có gì đáng phê phán. Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh cũng chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn mang theo suốt đời gánh nặng kinh tế.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy, số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 là 5.000 tỷ đồng, đến năm 2002 đã là 10.400 tỷ đồng; năm 2007 là 14.000 tỷ đồng. Số tiền đó gần bằng số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục tính theo đầu người.

Chính vì vậy, cần phải đưa những nội dung về tuyên truyền phòng chống thuốc lá vào trường học và xem đây là công tác trọng tâm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh hút thuốc lá. Để làm được điều đó, cần trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người. Tuyên truyền phòng chống thuốc lá trong học đường. Thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên, lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá. Phê bình giáo dục những học sinh lén lút hút thuốc hoặc lôi kéo bạn hút. Mỗi buổi chào cờ đầu tuần cần nhắc nhở qui định cấm hút thuốc của nhà trường.

Các giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm cần lưu ý phân tích hoặc tâm tình với học sinh về tác hại của khói thuốc lá, giúp đỡ các em đã chớm nghiện bỏ thuốc lá sớm. Các ngày trong tuần nên có đội cờ đỏ kiểm tra phát hiện các bạn hút thuốc lá. Tổ chức các diễn đàn hoặc sân khấu hóa về tác hại của thuốc lá. Tuyên truyền tới học sinh quyết định 1315/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường thực hiện công ước khung về phòng chống tác hại của thuốc lá” đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2010.

Giáo dục các thế hệ học sinh nói “không” với thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều thế hệ công dân khỏe mạnh, trí tuệ, có lối sống văn minh lành mạnh và bớt đi được nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Muốn vậy, nhà trường cần tăng cường giáo dục và quyết liệt ngăn chặn sớm. Gia đình và xã hội cùng phối hợp để bảo vệ con em mình không cho sa đà vào hút thuốc. Cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm.

Nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng loạt chung tay phòng chống tác hại của thuốc lá thì việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh, sinh viên hút thuốc lá là có tính khả thi. Đây phải là khẩu hiệu mà tất cả các nhà trường nên treo ở chỗ dễ nhìn thấy nhất bởi ích lợi to lớn và lâu dài của một môi trường học đường trong sạch không có khói thuốc lá. Có như vậy thì việc phấn đấu để có một môi trường học đường “xanh, sạch, đẹp” mới trọn vẹn đầy đủ. Đây phải là công việc cấp bách của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội, mới mong ngăn chặn được những ảnh hưởng của thuốc lá.

(Số liệu thống kê từ các báo, và WHO)
Bùi Hữu Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ