Để giờ sinh hoạt lớp đạt hiệu quả

GD&TĐ - Sinh hoạt lớp được quy định như một tiết học không thể thiếu ở mỗi cấp học. Thực hiện tốt tiết sinh hoạt lớp không những tác động tích cực đến các tiết học khác trong toàn tuần học của lớp mà còn là cơ sở để theo dõi, đánh giá quá trình rèn luyện của mỗi HS xuyên suốt cả năm học. 

Để giờ sinh hoạt lớp đạt hiệu quả

Tuy nhiên để giờ sinh hoạt lớp sao cho nhẹ nhàng, thân thiện, hiệu quả không phải giờ nào, lớp nào cũng làm được.

Thông thường đến giờ sinh hoạt lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm thống kê và đưa ra những lỗi vi phạm của HS rồi tiến hành nhắc nhở, kiểm điểm các em trước tập thể lớp. Dù HS vi phạm hay không vi phạm cũng phải lắng nghe. Nếu nhắc nhở một vài lần thì những việc ấy cũng thường thôi nhưng nếu tiếp tục kéo dài sẽ làm chán nản cho những em HS gương mẫu và ngược lại nó sẽ “nhờn thuốc” đối với những em hay vi phạm.

Để giờ sinh hoạt lớp thật sự hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm phải khéo léo, “khen nhiều hơn chê”, biết khơi gợi những điểm tốt của HS. Để không khí lớp nhẹ nhàng và tạo điều kiện cho HS nói thẳng nói thật, giáo viên chủ nhiệm có thể dẫn dắt và đưa cả lớp vào bàn bạc hoặc giải quyết một vấn đề nào đó mà cả lớp chưa làm tốt trong một tuần. Nếu làm được điều này sẽ giúp giáo viên nắm bắt được những tồn tại của HS để chấn chỉnh kịp thời. Đừng nên biến giờ sinh hoạt lớp trở thành giờ chỉ nói một chiều và nhận xét chung chung.

Giáo viên chủ nhiệm nên tạo sự hứng thú, gần gũi cho HS trong giờ sinh hoạt lớp, chẳng hạn kể mẩu chuyện vui nào đó để xóa đi sự căng thẳng không đáng có. Tinh thần và tâm lí thoải mái của người chủ trì giờ sinh hoạt lớp là rất quan trọng. Bởi vậy, trước khi đến lớp giáo viên phải biết quên những phiền muộn riêng tư và nỗi lo gia đình. Nếu không người giáo viên rất dễ rơi vào trạng thái “giận cá chém thớt”.

Những HS mắc lỗi thường có tâm lí mặc cảm. Nhiều em bị nhắc nhở liên tục trước lớp, sau đó tỏ thái độ bất cần và ngày càng trở nên khó dạy, thậm chí nghỉ học luôn. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm nên dành ít thời gian gặp riêng từng em trao đổi và động viên để tìm hiểu nguyên nhân vì sao HS thường xuyên vi phạm từ đó đưa ra giải pháp giúp các em khắc phục. Khi HS cảm nhận được sự quan tâm, tình thương yêu của giáo viên dành cho mình chắc chắn các em ngoan hơn và chăm hơn.

Trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên quán triệt cho các em tính kỉ luật, biết chấp hành nội quy trường lớp và nhiệm vụ của người HS, nâng cao nhận thức bản thân và ý thức tập thể gắn giáo dục với cộng đồng, phê bình nhưng trên tinh thần xây dựng cho nhau cùng tiến bộ, qua đó các em tự đẩy lùi những khuyết điểm mắc phải và phát huy những ưu điểm đạt được trong tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.