Để giảng viên ĐH mặn mà với NCKH: không mới nhưng nhiều thách thức

Để giảng viên ĐH mặn mà với NCKH: không mới nhưng nhiều thách thức

(GD&TĐ)-Chi tiêu của Chính phủ cho hoạt động khoa học, nghiên cứu khoa học rất lớn, lực lượng khoa học không phải ít, nhưng dường như hoạt động khoa học chưa phải là sự ưu tiên trong công việc hàng ngày của giảng viên. Thực trạng này không phải là vấn đề gì mới mẻ, nhưng để thay đổi được nó vẫn thực sự là thách thức.

Hoạt động NCKH trong các trường ĐH hiện đang
Hoạt động NCKH trong các trường ĐH hiện đang "khát" cả nhân lực và vật lực

Tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH rất khiêm tốn

Theo báo cáo của Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ GD&ĐT), tính bình quân, tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) ở nhiệm vụ cấp nhà nước (cả chủ nhiệm đề tài và tham gia nghiên cứu) theo tổng hợp từ 34 trường báo cáo về Bộ giao động từ 0,55 đến 4,6%. Tỷ lệ này thấp nhấ ở 7 trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh (0,55%) và cao nhất ở 8 trường ĐH thuộc khối kỹ thuật công nghệ (4,6%). Tỷ lệ giảng viên là chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ cấp nhà nước còn rất khiêm tốn và chủ yếu tập trung vào đội ngũ giảng viên trên 45 tuổi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, không chỉ với các đề tài cấp nhà nước mà với các đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp thấp hơn cũng không thu hút được nhiều giảng viên tham gia. Ví như, trong các trường đã báo cáo, chỉ có từ 1,22% đến 11,98% giảng viên tham gia NCKH ở nhiệm vụ cấp Bộ; từ 6,51% đến 15,29% giảng viên tham gia NCKH ở nhiệm vụ cấp cơ sở. Riêng số giảng viên tham gia chuyển giao công nghệ, tỷ lệ này cũng chỉ giao động ở mức 1,43 đến 9,91%. Tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH thấp nhất vẫn thuộc về 7 trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh. 5 trường ĐH khối Kinh tế đứng đầu về số giảng viên tham gia NCKH cấp Bộ; 8 trường ĐH khối ngành nông – lâm – ngư – y dẫn đầu về số giảng viên NCKH đối với các đề tài cấp cơ sở…

Hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ chưa tạo được sức hút được cho là do các giảng viên bị quá tải giờ giảng nên không còn thời gian dành cho NCKH; cơ sở vật chất phục vụ công tác NCKH nhìn chung còn nghèo nàn; kinh phí ít; chưa tạo lập được thị trường công nghệ, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ; một số chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính chưa phù hợp để thực hiện đề tài khoa học công nghệ; chưa có chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần phù hợp đối với các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong NCKH.

Một vấn đề nữa là do chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của ta chưa đồng đều, thiếu chuyên gia giỏi đầu đàn trong nhiều lĩnh vựcvà đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế. Hiện, nước ta cũng chưa có một viện, trường, trung tâm nghiên cứu nào đạt đẳng cấp quốc tế hoặc khu vực; hầu hết các phòng thí nghiệm đều còn nghèo trang thiết bị, không đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng.

Khơi dậy nguồn động lực hoạt động khoa học của giảng viên như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Mạnh Quân – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đặt ra câu hỏi: Trong khi mức thu nhập của giảng viên ĐH chỉ ở mức trung bình thấp so với các ngành nghề khác và so với trình độ, năng lực thì NCKH vẫn không được coi là một hoạt động tạo nguồn thu nhập đối với giảng viên ĐH, mặc dù mức chi tiêu cho các đề tài NCKH không thấp và nguồn tài trợ cho hoạt động khoa học còn dư? Đáng chú ý là, nhiều giảng viên ĐH đã chọn con đường “làm thêm”, “làm ngoài nhiều hơn làm trong” thay vì NCKH để cải thiện thu nhập. Vậy, sức mạnh nào, thử thách gì khiến nhiều nhà khoa học, giảng viên ĐH chấp nhận lựa chọn con đường khó khăn hơn và có thể bị coi là “bất hợp pháp”?

Để khơi dậy niềm đam mê và lòng nhiệt tình tham gia NCKH, PGS.TS.Nguyễn Mạnh Quân cho rằng cần có những thay đổi từ phía cơ chế chính sách và quan điểm của Chính phủ đối với hoạt động khoa học và người tham gia hoạt động khoa học. Một trong những kiến nghị cụ thể đáng lưu ý của PGS.TS.Nguyễn Mạnh Quân là nên tháo gỡ cơ chế cho cán bộ giáo viên có thể tham gia điều hành doanh nghiệp.

Đại diện cho các trường khối khoa học xã hội, TS.Trần Hoàng Hảo, Phó phòng sau ĐH, quản lý khoa học trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGTPHCM) cho rằng, về mặt vĩ mô, các Bộ - cơ quan Trung ương của ngành giáo dục cần có cơ chế chính sách quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của giảng viên tham gia NCKH, tạo điều kiện khuyến khích, động viên hoạt động NCKH. Nhà nước cần ban hành chính sách thích hợp về phân chia lợi ích Nhà nước – Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp; dành quỹ đầu tư phát triển NCKH và phân bố cho các đơn vị không theo tỷ lệ bình quân mà dựa trên thực chất hoạt động NCKH của nhà trường. TS.Trần Hoàng Hảo cũng cho rằng, cần chú ý đến tính đặc thù chuyên môn của các ngành đào tạo khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn.

Giảng viên trường ĐH Mở TP.HCM Lê Minh Tiến thì đặt ra 4 vấn đề, đó là: Bộ GD&ĐT phải đặt ra những yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ NCKH của các trường ĐH mới, các trường này phải thỏa mãn những yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất cho NCKH chứ không chỉ cho giảng dạy thì mới cho phép ra đời và hoạt động đào tạo. Bộ cũng cần có giải pháp giảm tỷ lệ giảng viên/sinh viên để giảm bớt áp lực giảng dạy cho giảng viên; đồng thời nên xây dựng bộ tiêu chí nhằm xếp hạng năng lực nghiên cứu khoa học của các trường ĐH và công bố công khai những xếp hạng này, đi kèm với một số chế tài liên quan đến việc tuyển sinh, giao chỉ tiêu đào tạo. Cuối cùng, giảng viên Lê Minh Tiến cho rằng, cần quy định rõ trình độ ngoại ngữ của những giảng viên ĐH mà theo đó, muốn được chấp nhận là một giảng viên ĐH cần thông thạo một ngoại ngữ…
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ