Để con không biến thành máy nghe lời

Đưa con trai đi gặp bác sĩ tâm lý, người mẹ không để con trả lời khi bác sĩ hỏi chuyện, nói thay hết cho con từ tên, tuổi đến sở thích và giải thích với chuyên gia là con mình quá nhút nhát.

Để con không biến thành máy nghe lời

Bác sĩ phải nhắc lại rằng bà đang hỏi bé chứ không phải mẹ, cuối cùng bà đã đề nghị phụ huynh ra ngoài để cậu bé tự nói. Đây là hình ảnh mà bác sĩ nhi, chuyên gia tâm lý Lan Hải rất hay gặp khi tư vấn cho khách hàng.

Những đứa trẻ không có cơ hội để nói, phụ huynh làm hết cho con, từ việc ăn uống, chọn quần áo đến chọn nghề nghiệp sau này. 

Bà nhận xét, người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới. Thậm chí nhiều ông bố bà mẹ vẫn giữ thói quen can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con kể cả khi con đã lập gia đình riêng.

Tuy nhiên, không bố mẹ nào có thể theo con suốt cuộc đời. Vì vậy việc dạy cho trẻ tự lập là rất quan trọng.

Bên cạnh việc hướng dẫn con tự chăm sóc bản thân và tạo cơ hội được thực hành thì bố mẹ cũng nên khuyến khích con độc lập ngay trong suy nghĩ và tự tìm cách giải quyết vấn đề. Khi trẻ cảm thấy mình là vật sở hữu của cha mẹ, tính tự lập của trẻ sẽ chỉ là một con số không.

Trong buổi nói chuyện chuyên đề "Làm thế nào để hiểu con trẻ" do Hội quán các bà mẹ tổ chức, bác sĩ Lan Hải đã gợi ý một số điều bố mẹ nên làm để giúp con về khả năng tự lập:

Cho phép trẻ có lựa chọn riêng, ví dụ tự chọn quần áo hay giầy dép ngay từ khi bé còn mẫu giáo. Những lựa chọn này đều trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Cơ hội tự lựa chọn làm cho trẻ có khả năng tự quyết. Nếu không, lớn lên, trẻ sẽ rất khó khi lựa chọn sự nghiệp, lối sống… vì đã không được trải nghiệm từ thực tế của mình.

Thể hiện tôn trọng về việc làm của trẻ. Ví dụ thay vì phàn nàn sao con buộc giầy lâu thế, phụ huynh nên đánh giá cao công việc của con: “Việc buộc giày đòi hỏi tất cả ngón tay”.

Cùng một việc nếu bố mẹ nói “dễ” mà con không làm được chỉ khiến trẻ tự ti, nhưng nếu nói “Việc đó khó đấy” thì sẽ kích thích sự cố gắng của trẻ. Khi các cố gắng được đánh giá, trẻ sẽ hình thành lòng dũng cảm để tự mình giải quyết các khó khăn.

Không đặt ra quá nhiều câu hỏi trước một vấn đề, sự kiện của trẻ. Thực tế, câu hỏi càng nhiều trẻ càng im lặng, nhưng chỉ một lời gợi ý lại có thể khiến trẻ có cảm hứng tâm sự với bạn.

Hỏi nhiều quá đôi khi can thiệp quá sâu vào vấn đề cá nhân, trẻ sẽ trả lời bằng những lời nói mà nó biết bố mẹ định nói và muốn nghe, chứ không hẳn là sự thật.

Tạo cơ hội cho trẻ dùng kinh nghiệm của người khác. Ví dụ tham khảo bạn bè khi tìm thầy học guitar, học toán... Nói chuyện với nha sĩ để học cách bảo vệ răng. Cha mẹ nên để trẻ biết rằng thế giới ngoài ngôi nhà còn có bạn bè, các cửa hàng, phòng nha sĩ… Họ cũng có thể giúp trẻ nhiều điều.

Không ngăn chặn hy vọng của trẻ. Khi con bày tỏ muốn làm việc gì, cha mẹ đừng bao giờ dội gáo nước lạnh kiểu: "Điểm Toán thấp như con mà cũng đòi làm kỹ sư", "Nhút nhát như thế mà cũng đòi làm MC" mà hãy gợi mở: "Con nghĩ sao về công việc này?" để trẻ tự suy nghĩ và biết phải cố gắng như thế nào.

Đừng vội trả lời thay con. Thậm chí, ngay cả khi trẻ thắc mắc một vấn đề nào đấy, ví dụ “Tại sao tuần nào bà cũng thăm chúng ta”, thay vì trả lời ngay, cha mẹ có thể hỏi lại “Theo con thì tại sao”. Đặt câu hỏi trở lại sẽ giúp trẻ tư duy, những câu hỏi hay sẽ luôn có những câu trả lời hay.

Không vội làm thay con. Bố mẹ đừng vì sốt ruột mà làm thay khi con thực hiện một việc gì đó không được hoàn hảo. Dạy con đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao.

Bố mẹ hãy cho phép con làm theo ý riêng và học trên lỗi của mình, trong tâm lý thường gọi là phương pháp thử sai.

Nhiều bố mẹ nghĩ, có gì sai khi giúp con, nó là trẻ con mà. Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ này. Bạn sẽ có cảm giác gì nếu 4 tuổi, để mẹ đi giày cho con; 9 tuổi đừng mặc áo xanh, áo đỏ mới đẹp; 17 tuổi không cần học lái xe, để mẹ đưa đi; lớn đi làm sếp bảo làm đi, đừng có sáng kiến gì hết.

Chắc chắn, đó sẽ là những cảm giác tiêu cực với cả bố mẹ và con cái: thất vọng khi thấy con yếu kém. Bố mẹ lúng túng và bực mình khi con bị phụ thuộc. Còn con cái cũng có thể trách cứ bố mẹ vì đã không cho mình cơ hội được trải nghiệm.

Tuy nhiên, để con tự lập là một vấn đề nói dễ, làm khó khi bố mẹ phải đối diện nhiều vấn đề như sự can thiệp của ông bà, không khí trong gia đình có thể nặng nề. Đó phải là một cuộc cách mạng, bác sĩ Lan Hải nhận xét.

Theo KIm Kim / Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.