Ba năm trước tôi đã thực hiện bài viết này về việc trường y tuyển sinh bằng các môn khoa học xã hội nhân đọc một bài viết trên báo The Economist và nhớ đến câu chuyện của một đàn anh học y khoa Sài Gòn trước năm 1975: khi thi tốt nghiệp anh bị thầy hỏi “Cuốn tiểu thuyết mới nhất mà cậu đọc là cuốn gì?”.
Nhưng tôi đã không gửi đăng báo vì nghĩ xã hội Việt Nam chưa chắc chấp nhận ý kiến này. Hôm nay nhân đọc bài báo “Dùng môn văn xét tuyển ngành y?”, tôi vội lấy bài viết ra, nhuận sắc lại và gửi đến tham gia ý kiến về vấn đề này.
“Toán, lý thật ra không có tác dụng”
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp một bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp tại TPHCM năm 2007 (hiện đang theo học tiến sĩ y khoa tại Nhật) với câu hỏi: “Bạn có thể nghĩ ngày nào đó trường y sẽ tuyển các cử nhân Anh văn hay lịch sử không?”.
Dĩ nhiên là không thể, có điều dường như bạn ấy không phản đối và còn thêm rằng: “Kinh nghiệm của tôi cho thấy các môn toán, lý... thật ra không có tác dụng gì trong quá trình học y, dường như người ta tuyển bằng các môn này với quan niệm rằng có thể học sinh giỏi toán chẳng hạn thì thông minh hơn và cẩn thận hơn!”.
Điều này quả rất đúng với ý kiến của Gail Morrison, điều hành bộ phận tuyển sinh của trường y thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).
Gail nói: “Việc một sinh viên biết rõ tốc độ rơi của một vật có khối lượng từ trên cây xuống đất không làm nên một bác sĩ giỏi hơn”.
Quan điểm này đang dần trở thành dòng chủ lưu trong việc đào tạo bác sĩ tại các trường y của Mỹ: họ có khuynh hướng tìm kiếm và tuyển vào ngày càng nhiều sinh viên thuộc các ngành xã hội và nhân văn, thậm chí cử nhân Anh văn cũng được đón chào.
Trường y thích sinh viên khoa học xã hội - nhân văn
Giới giáo dục y khoa tại Mỹ hiện đang có một cái nhìn mới về đào tạo bác sĩ, dù rằng các tiến bộ đột phá về khoa học và kỹ thuật đang làm việc thực hành nghề y ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, họ đang tìm kiếm ứng viên rộng ra khỏi các cử nhân sinh - hóa nhằm có được những sinh viên phát triển hoàn thiện hơn để tạo ra các bác sĩ vừa có óc phân tích khoa học vừa phải có sự quan tâm đến con người.
Gwen Garrison - Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu của Hiệp hội Các trường y Hoa Kỳ, cho biết: “Các trường đang quan sát rất kỹ khả năng cảm thông và chất bác sĩ tiềm năng trong sinh viên xin học. Điều này làm các sinh viên nhân văn hay khoa học xã hội trở nên rất sáng giá. Và ngày càng có nhiều sinh viên nhân văn nộp đơn và các trường y tỏ ra thích họ hơn”.
Riêng Đại học y Mount Sinai ở New York có cả một chương trình cụ thể để lôi kéo sinh viên xã hội nhân văn. Mỗi năm trường tìm kiếm và tuyển chọn 30 sinh viên năm 2 tại các khoa nhân văn khắp nước Mỹ, cho họ một chỗ trước ở Trường y Mount Sinai mà không cần thông qua thi tuyển MCAT (một loại thi tuyển chuẩn toàn quốc để học y), với điều kiện là họ phải tốt nghiệp cao các khoa nhân văn đang theo học.
Nhận xét về xu hướng này, Miki Rifkin - Giám đốc chương trình tuyển chọn sinh viên nhân văn của Đại học y Mount Sinai - cho rằng: “Sinh viên từ các khoa nhân văn thường nhìn bệnh nhân không chỉ là con bệnh mà là một con người hoàn chỉnh”.
Còn Gail Morrison, điều hành bộ phận tuyển sinh của trường y thuộc Đại học Pennsylvania, nói: “Các sinh viên phải cảm thấy hạnh phúc, không quá bị áp lực và phải có một cuộc sống ngoài y khoa. Bằng không, họ sẽ bị nhấn chìm. Chúng tôi cần một con người hoàn chỉnh”.
Riêng Michael Sciola - Chuyên viên tư vấn cho sinh viên theo học “tiền y khoa” ở Đại học Wesleyan, nhận xét: “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp, và các bộ môn xã hội - nhân văn cho chúng ta kỹ năng hiểu được thế giới đó tốt hơn”.
Hi vọng vị bác sĩ trẻ của chúng ta vừa tốt nghiệp sẽ có đủ thì giờ và niềm đam mê để bổ sung cho mình những kiến thức mà trường y không dạy để bắt kịp một nền y học hiện đại và nhân văn.
Và hi vọng một ngày nào đó trường y Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa cho các học sinh giỏi từ khối nhân văn.
Có những kiến thức và kinh nghiệm đa dạng từ đại học đã giúp tôi biết cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc khác nhau. Nó giúp tôi rất nhiều khi nghiên cứu bệnh sử của bệnh nhân.
Kiến thức đó cũng biến tôi thành một người biết cách lắng nghe. Người học sử có kỹ năng tổng hợp thông tin trong một bức tranh tổng quát, tôi hi vọng kỹ năng này sẽ giúp ích việc thực hành nghề y.
RYAN JACOBSON - Sinh viên y từng tốt nghiệp cử nhân sử