Đề cao cảnh giác đối phó cơn bão số 2

Đề cao cảnh giác đối phó cơn bão số 2

(GD&TĐ) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương hồi 19 giờ ngày 21/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Ảnh đường đi và vị trí cơn bão
Ảnh đường đi và vị trí cơn bão (nguồn: TTDBKTTV TƯ)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 19 giờ ngày 22/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Đến 19 giờ ngày 23/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Khu vực quần đảo Hoàng Sa có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Từ trưa ngày 23/6 vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Từ chiều ngày 23/6 ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động và có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. 

Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ chỉ đạo một số biện pháp khẩn cấp ứng phó.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương  nhận định, cơn áp thấp nhiệt đới này này giống áp thấp nhiệt đới năm 2008 chuyển thành bão và chạy dọc biên giới Việt – Trung, kèm mưa lớn, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề.

Trước diễn biến phức tạp, tầm ảnh hưởng rộng của áp thấp nhiệt đới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng, các địa phương đề cao cảnh giác và chủ động các biện pháp đề phòng từ xa. Đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc đang có mưa suốt 4 ngày qua và có thể chịu tác động trực tiếp khi áp thấp nhiệt đới chuyển thành bão, đổ bộ vào đất liền.

Các địa phương tổ chức kiểm đếm, nắm chắc số tàu thuyền hoạt động trên khu vực Biển Đông và thông báo kịp thời để ngư dân có thể trú tránh nơi an toàn, tránh tình trạng chủ quan khi khoảng cách, hướng đi của bão dường như ít tác động tới Việt Nam. Kiểm soát và xử lý nghiêm các tàu thuyền, đặc biệt là tàu du lịch có vi phạm về giấy phép, trang thiết bị cứu hộ.

 PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ