Đề án tuyển sinh riêng: Khó đảm bảo đầu vào đủ trình độ

Đề án tuyển sinh riêng: Khó đảm bảo đầu vào đủ trình độ

(GD&TĐ) - Báo Giáo dục và Thời đại có nêu tóm tắt đề án tuyển sinh của 4 trường đại học ngoài công lập đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng năm 2013. 4 trường sử dụng chủ yếu các điểm tổng kết và tốt nghiệp ở bậc THPT của các môn tương ứng với từng khối thi trong kỳ thi 3 chung.

Thí
Thí sinh trao đổi bài

Với các phương án tính điểm do 4 trường NCL đề nghị, tôi chưa thấy có điều gì mới, đột phá so với phương án tính điểm tuyển sinh như đã áp dụng lâu nay. Cụ thể:

1.    Vẫn tính điểm trung bình các môn theo khối thi A, A1, B, C,... (có hoặc không nhân hệ số).

2.    “Điểm sàn” để xét tuyển cũng là một dạng điểm trung bình của các môn theo các khối thi.

3.    Lấy điểm từ cao xuống thấp.

Nếu coi kết quả học tập của học sinh ở trường THPT và kỳ thi Tú tài là thực chất, phản ánh được năng lực của học sinh thì việc xét tuyển theo các phương án do các trường NCL là chấp nhận được. Tuy nhiên hiện nay, đây chỉ là giả thiết lạc quan.

Thứ nhất, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy sự đánh giá, cách tổ chức học tập, thi cử giữa các trường THPT ở các địa phương khác nhau  có sự sai lệch lớn. Có trường rất nghiêm túc nhưng có trường thì xuề xòa, chạy theo thành tích...

Thứ hai, căn cứ vào kết quả thi Tú tài với trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp với  việc thống kê điểm các môn thi đại học, việc định điểm sàn trong những năm gần đây cho thấy có độ vênh rất lớn giữa việc đánh giá quá trình học tập ở phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học theo 3 chung.

Hầu như mọi người đều thừa nhận kỳ thi 3 chung được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, kết quả đạt được là khách quan và chính xác hơn các kỳ thi ở trường THPT, kể cả kỳ thi Tú tài. Do vậy, ta có thể nhận thấy độ tin cậy của các phương án do các trường NCL đề xuất như thế nào.

Việc chọn điểm thi các môn trong kỳ thi Tú tài làm một tiêu chuẩn trong phương án xét tuyển của 4 trường NCL là một bất cập. Ngoài các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là cố định, các môn còn lại có được do việc bắt thăm hằng năm. Nếu rơi vào những năm không thi môn Vật lý hay Sinh học ở kỳ thi Tú tài thì các trường sẽ chọn môn gì thay thế ở các  khối A, B chẳng hạn?

Cách tính điểm số từ những môn học ở bậc THPT để xét tuyển như các trường NCL đề nghị là cách làm thô, đơn giản với cơ sở dữ liệu chưa thật đáng tin cậy. So với việc tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung, các phương án do các trường NCL đề nghị có lẽ để hy vọng tuyển được, tuyển đủ người học nhưng e khó đảm bảo đầu vào có đủ trình độ để học đại học, cao đẳng.

Nếu sử dụng kết quả học tập ở THPT là chính thì cần kết hợp thêm những đánh giá, khảo sát khác để tuyển đầu vào như phỏng vấn, trắc nghiệm hoặc ít ra cần tham khảo điểm thi đại học của kỳ thi 3 chung.

Các trường NCL muốn tuyển sinh được và đào tạo sản phẩm có chất lượng thì phải quan tâm đến thực trạng của học sinh tốt nghiệp phổ thông hiện nay. Nên chăng, nếu dùng phương án như đề nghị, các trường NCL cần có đợt kiểm tra riêng của mình nhằm bồi dưỡng nghiêm túc một số môn học chọn lọc (trong chừng 1 học kỳ), nhằm giúp cho sinh viên theo kịp chương trình đại học.

Văn Nguyên (Đại học Huế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ