Đề án “tăng cường”, hiệu quả vẫn khiêm tốn

GD&TĐ - Cùng với Đề án ngoại ngữ 2020, UBND tỉnh Nghệ An còn ban hành thêm kế hoạch “Tăng cường dạy và học Tiếng Anh trong trường phổ thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”. Mục đích nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh trong nhà trường. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả dạy học Tiếng Anh trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn.

Đề án “tăng cường”, hiệu quả vẫn khiêm tốn

Dạy học ngoại ngữ - vẫn thiếu đủ đường

Nghi Lộc là một trong những huyện đi đầu của tỉnh Nghệ An khi triển khai chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm cho 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.

Dù vậy, thực tế các điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất vẫn chưa đầy đủ. Thầy Nguyễn Đức Thắng (GV Tiếng Anh), Trường THCS Nghi Diên cho biết: Chương trình Tiếng Anh 10 năm nếu áp dụng tốt sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, giúp HS đáp ứng được 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tuy vậy, ở trường chúng tôi, việc dạy chỉ mới đáp ứng được hai kỹ năng đọc hiểu và ngữ pháp. Còn 2 kỹ năng nghe và nói vẫn còn nhiều hạn chế.

Lý do trước hết là cơ sở vật chất chưa đảm bảo để thực hành tốt các kỹ năng này. Trường không có phòng dạy Tiếng Anh riêng, không có phòng lab và các trang thiết bị phụ trợ đi kèm.

Để khắc phục, các giáo viên Tiếng Anh của trường tự mang laptop, loa, đĩa CD lên lớp để giảng dạy cho HS, nhưng không đủ đáp ứng yêu cầu bài dạy và giáo viên vẫn thường bị “cháy giáo án”.

Còn việc tăng cường giáo viên nước ngoài cũng đã được tính đến nhưng khó khả thi bởi chi phí lớn, chưa kể đến tìm được giáo viên nước ngoài phù hợp, chuẩn năng lực tại địa bàn trường làng cũng rất khó khăn.

Trường Tiểu học Nghi Hoa, năm 2014 được Sở GD&ĐT trang bị gần 40 bút chấm đọc và máy chiếu cho phòng học ngoại ngữ. Nhưng sau một thời gian sử dụng, bút chấm đọc phải bỏ không vì sách giáo khoa và bút không tương tác, đồng bộ. Dàn máy chiếu hư hỏng nhưng trường không biết sửa chữa ở đâu vì đây là dàn máy độc quyền, đơn vị bảo hành lại không nằm trên địa bàn huyện. Đến nay, hầu hết số dụng cụ này bị bỏ phí.

Ở khu vực miền núi, bà Vị Bích Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Toàn huyện mới có 7/25 trường tiểu học dạy Tiếng Anh theo chương trình 10 năm.

Địa phương luôn tạo điều kiện để tuyển đủ giáo viên Tiếng Anh nhưng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa thể trang bị đầy đủ. Đặc biệt, các trường tiểu học hầu như đều có điểm lẻ; tại những nơi này, riêng việc kiên cố hóa trường lớp đã rất gian nan.

Nỗi lo ngày cán đích

Từ năm 2010, cùng với cả nước, Nghệ An đã triển khai đề án Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Hiện nay, khi đề án sắp về đích, chất lượng dạy học Tiếng Anh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có sự bứt phá.

Trước tình hình đó, đầu năm học 2017 - 2018, tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành thêm kế hoạch “Tăng cường dạy và học Tiếng Anh trong trường phổ thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”: Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức dạy - học, kiểm tra, đánh giá.

Tăng cường dạy và học tiếng Anh với người bản xứ ở các trường phổ thông, mở rộng môi trường thực hành cho HS thông qua các câu lạc bộ, các chương trình ngoại khóa, giao lưu và liên kết với các trung tâm Anh ngữ… Từ đó, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp tiếng Anh của giáo viên và HS.

Chất lượng tiếng Anh mặc dù đã được nâng lên với nhiều HS đạt giải cao tại các cuộc thi tỉnh và quốc gia nhưng chỉ tập trung ở một nhóm HS giỏi. Còn chất lượng đại trà vẫn chưa cải thiện được nhiều. Cụ thể từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2017, điểm trung bình môn Tiếng Anh toàn tỉnh chỉ đạt 5,21 điểm. Tại Kỳ thi THPT quốc gia 2017, phổ điểm trung bình của môn Tiếng Anh của Nghệ An đạt 3,85 điểm (thấp hơn phổ điểm chung cả nước là 4,6 điểm). Riêng HS có điểm dưới 4 điểm chiếm đến trên 35%.

Về đội ngũ giáo viên các bậc học, tỷ lệ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai dạy Tiếng Anh hệ 10 năm chỉ mới đạt 63,2%. Trong đó, bậc THPT là 20%.

Có thể nói, ngoại trừ thành phố Vinh và khu vực thị trấn, thị xã là có khả quan, còn trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả vẫn rất khiêm tốn. Đến thời điểm này, việc triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh hệ 10 năm trong các trường phổ thông vẫn còn thấp, trong đó bậc tiểu học là 406 trường (chiếm tỷ lệ 72,24%), bậc THCS là 167 trường (40%) và bậc THCS là 3 trường (0,03%).

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc cho hay: Việc dạy Tiếng Anh hệ 10 năm đã triển khai trên toàn huyện nhưng vẫn còn nhiều bất cập bởi số giáo viên đạt chuẩn chưa nhiều, bậc tiểu học đang còn thiếu 45 giáo viên Tiếng Anh; Nhiều trường trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu; Một số trường đã có phòng học Tiếng Anh chuyên dụng nhưng trang thiết bị chưa đảm bảo, hư hỏng và công tác bảo hành chưa kịp thời nên hiệu quả chưa cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ