Đề án “Sữa học đường” cần nhân rộng cả nước

GD&TĐ - Nhân dịp Ngày “Sữa học đường” Thế giới (28/9) do Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc khởi xướng, Công ty Vinamilk và Tetra Pak vừa phối hợp với UBND và Sở Giáo dục tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ phát động chương trình “Sữa học đường” Quốc gia năm học 2016-2017, tại trường mầm non An Bình (thành phố Biên Hòa).

Tuổi thơ Biên Hòa và niềm vui ngày hội Sữa học đường
Tuổi thơ Biên Hòa và niềm vui ngày hội Sữa học đường

4 triệu hộp sữa, tương đương 20 tỷ đồng sẽ được tiếp tục trao cho các em học sinh mầm non, tiểu học trong chương trình “Sữa học đường”. Số sữa này được Vinamilk tài trợ chương trình “Sữa học đường” gần 10 năm nay, sẽ trao đến học sinh ở 20 tỉnh thành trong năm 2016, nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em.

Chương trình “Sữa học đường” được triển khai ở tỉnh đầu tiên trên cả nước là Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 2007. Tính đến nay đã có hơn 61.000 trẻ dưới 6 tuổi đang học tại các cơ sở mầm non, trung tâm bảo trợ và trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng của tỉnh, được uống sữa miễn phí 16 hộp/tháng/trẻ.

Sở GD-ĐT BR – VT đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án ““Sữa học đường” cho học sinh trong trường mầm non, trẻ dưới 6 tuổi ở các trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng” giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh.

Được biết, tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn này của BR-VT dự kiến là 311,568 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đảm bảo là 165,373 tỷ đồng – hơn 55%, phụ huynh (có con học ở cơ sở mầm non) đóng góp 146,194 tỷ đồng.

Các bé mầm non ở thị trấn Ngã Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu
 Các bé mầm non ở thị trấn Ngã Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu

Là tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình “Sữa học đường”, Bà Rịa Vũng Tàu có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm từ 10% năm 2006 xuống còn 1,6% năm 2015 và suy dinh dưỡng thấp còi từ 4,7% năm 2012 xuống 2,7% năm 2015. Tại Bắc Ninh, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm từ 6,6% năm 2013 về 2,3% năm 2015 và suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 8% năm 2013 xuống còn 3,8%.

Đồng Nai là địa phương thứ ba trong cả nước (sau Bà Rịa – Vũng Tàu và Bắc Ninh) thực hiện chương trình “Sữa học đường”. Bắt đầu từ năm 2014 đến nay, tất cả trẻ mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 trong toàn tỉnh và học sinh lớp 3 của các huyện: Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu của tỉnh Xuân Lộc đã thực hiện chương trình này đạt hiệu quả cao.

Tham gia chương trình, phụ huynh chỉ phải đóng 35% số tiền sữa, còn lại do ngân sách Nhà nước và Công ty Sữa Vinamilk (hoặc doanh nghiệp) hỗ trợ. Từ tháng 9/2014 – 12/2015, tổng kinh phí cho chương trình “Sữa học đường” của Đồng Nai gần 63.771.000.000 đồng.

Kết quả chương trình “Sữa học đường”, đến nay ở bậc mầm non tỉnh Đồng Nai, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ còn 6,3% (giảm 2% so với năm học trước); mẫu giáo còn 6,2% (giảm 2,5%). Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ thấp còi ở nhà trẻ còn 7,2% (giảm 1,8%), mẫu giáo còn 7,5% (giảm 2,3%). Riêng trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi chỉ còn gần 1,2%.

Bên cạnh đó, chương trình “Sữa học đường” cũng đã góp phần cải thiện nhận thức của cộng đồng về việc uống sữa thường xuyên đối với sức khỏe và sự phát triển tâm lý, trí tuệ của trẻ; huy động ngày càng nhiều trẻ đến lớp…

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) - cho biết: đến năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trung bình cả nước là 14,1%. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, miền khác nhau lại đặt ra những thách thức khác nhau như: trẻ béo phì, thừa cân ở khu vực thành thị; suy dinh dưỡng ở khu vực miền núi. So với chuẩn thế giới, cả nam và nữ Việt Nam đều thấp hơn 10cm.

Cũng theo ông Vinh, chương trình “Sữa học đường” được khởi động từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chỉ mới chỉ có 3 tỉnh thực hiện, như vậy là quá ít.

Nếu tất cả các tỉnh thành cả nước quan tâm đặc biệt đầu tư cho chương trình “Sữa học đường”, sẽ góp phần đắc lực xây dựng đội ngũ thế hệ trẻ Việt Nam có đủ thể lực, trí lực để phát triển tốt nhất, đáp ứng nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Chương trình “Sữa học đường” nếu được phát triển rộng cả nước, chắc chắn sẽ cải thiện nhận thức của cộng đồng về việc uống sữa đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em, giúp cha mẹ học sinh yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sữa mà con em được uống tại trường, giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa cho gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ