Đề án 35 trường chất lượng cao ở Hà Nội: Học phí ta, chất lượng tây

Đề án 35 trường chất lượng cao ở Hà Nội: Học phí ta, chất lượng tây

(GD&TĐ) - Hà Nội sẽ có 35 trường công chất lượng cao vào năm 2015. Thông tin này đang gây sự tranh cãi về vấn đề trường công sao lại chỉ dành cho nhà… có điều kiện. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, cái đích cuối cùng là sự tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến và tránh “ chảy máu” ngoại tệ…

Khẳng  định  thương  hiệu… ta

Được biết, từ 8 năm lại đây, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao (CLC) như: Mầm non 20/10, Tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THPT Phan Huy Chú, Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu… Tất cả các trường này đều đã khẳng định được thương hiệu của mình. Và trong số 18 trường đã có 13 trường CLC toàn phần và 5 trường CLC từng phần. Tuy nhiên, sau nhiều năm qua, do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên hoạt động rất khó khăn, kìm hãm sự phát triển của mô hình này.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu, một trong những trường thí điểm đầu tiên cho rằng, nhiều người vẫn nhầm lẫn mô hình trường CLC phải là những trường quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài. Thực chất, để khẳng định chất lượng giáo dục và gây dựng thương hiệu, nhiều trường tư thục của Hà Nội không gắn mác chất lượng cao hay trường quốc tế vẫn có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao. 

Môi trường giáo dục chất lượng cao tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: Phan Hải
Môi  trường  giáo dục  chất  lượng  cao  tại  Trường  THPT  Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh:  Phan  Hải
 

Và sự bứt  phá

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Tiêu chí về trường CLC và  Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC. Theo đó, năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3.200.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.400.000 đồng.

Tuy nhiên, trước những quyết định đột phá này của Hà Nội, dư luận đang lo ngại rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường CLC sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi, ra khỏi trường đang học do gia đình không có khả năng đóng góp. Điều này làm mất đi sự công bằng trong giáo dục công. Đồng thời, không ít ý kiến cũng bất bình “Hà Nội xây dựng một số trường công dành cho con em các gia đình giàu có”. Những luồng ý kiến do thông tin chưa được truyền thông thấu đáo. 

Trước thực tế này, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - khẳng định: Hà Nội không thiếu chỗ cho các em học sinh giỏi gia đình còn vất vả. Thực tế từ lâu Hà Nội đã có 4 trường THPT chuyên, đó là các Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An, THPT chuyên Sơn Tây… Bốn trường chuyên này có mức học phí là 35.000 đồng/tháng/HS. Đó là chưa kể tới hệ thống các trường chuẩn quốc gia đang phấn đấu xây dựng hàng năm.

Về chủ trương 35 trường CLC vào năm 2015 (cả chuyển đổi từ trường công và xây mới), ông Phạm Văn Đại cho biết: Chủ trương xây dựng các trường CLC theo quy định của Luật Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc phát triển trường CLC (Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí trường CLC chuẩn quốc tế, chi phí cho các hoạt động giáo dục của trường CLC do người học đóng góp, học sinh vào học hoàn toàn tự nguyện) vẫn còn là điều quá mới mẻ, do đó trong xã hội nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về mức học phí (trong khi yêu cầu về trường CLC đều hướng tới chuẩn quốc tế, chương trình tiên tiến nhưng do chính thầy cô Việt Nam làm). 

Về giáo viên, Sở sẽ tuyển dụng đội ngũ giáo viên mới, đạt chuẩn và trên chuẩn, có tác phong nhanh nhẹn, hiệu quả, năng động và sáng tạo. Chế độ lương của giáo viên được xác định để tạo điều kiện khai thác hết khả năng cống hiến của giáo viên cho học sinh, cho nhà trường. 

Hơn nữa, khi một lượng lớn học sinh Thủ đô có điều kiện học ở các trường CLC sẽ giảm tải các trường công lập, nhân dân có nhiều lựa chọn và  có nhiều chỗ học cho các em đúng tuyến trong những trường chuẩn quốc gia. Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào các trường công lập nhiều hơn ở những năm sau. Bởi lẽ, sau ba năm đầu, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên cho trường CLC, nguồn kinh phí đó sẽ dồn về các trường công và sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chất lượng giáo dục đồng bộ phát triển - ông Đại chia sẻ.

Bên cạnh đó, Sở sẽ chỉ đạo các trường đang thí điểm mô hình trường CLC thực hiện thật tốt 3 công khai trong xã hội để tất cả cha mẹ học sinh đều hiểu đầy đủ về mô hình trường, tạo niềm tin về sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục. Do đó, cùng với sự giám sát của nhà nước và phụ huynh, các cơ sở sẽ bị tuýt còi nếu không thực hiện đúng cam kết.

Nguyễn Mỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ