(GD&TĐ) - Tới thời điểm này học sinh ở ĐBSCL đã tựu trường được hơn 2 tuần và bắt đầu đi vào ổn định. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, năm nay các địa phương còn đặc biệt quan tâm đến việc huy động học sinh ra lớp và tạo điều kiện để học sinh đến trường... Những ngày này đi từ vùng lũ đầu nguồn cho đến vùng sông nước ở hạ nguồn Cửu Long, chúng ta đều cảm nhận được không khí rất nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị cho năm học mới.
Không để HS hoàn cảnh khó khăn bỏ học
HS Trường TH Mỹ Thành Nam 1, huyện Cai Lậy, Tiền Giang trong ngôi trường mới khang trang vừa đưa vào sử dụng |
Đó là lời của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan tại Lễ khai mạc Tháng khuyến học vừa mới được tổ chức.
Có thể nói trong những năm qua ngành GD Đồng Tháp có nhiều giải pháp để vực dậy chất lượng GD. Địa bàn rộng, có đường biên kéo dài, hằng năm chịu ảnh hưởng của lũ từ thượng nguồn đổ về nên tình trạng HS bỏ học trước đây là vấn đề làm tỉnh phải đau đầu.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngành GD và địa phương tìm nhiều giải pháp với quyết tâm cao nên tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể… Theo ông Lê Minh Hoan, chính các mô hình Tổ Dân phòng khuyến học; Dòng họ hiếu học; Gia đình hiếu học; Gương sáng hiếu học... đã tác động tích cực đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Đơn cử như Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc sau 3 năm thành lập đã tiếp nhận trên 26 tỉ đồng, trao tặng hơn 10 ngàn suất học bổng cho HS, SV nghèo trong tỉnh. Những việc làm hiệu quả trên đã thu hút nguồn lực lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh chung tay góp sức cho nhiệm vụ quan trọng hàng đầu này.
Theo ông Lê Minh Hoan: “Lỡ dở chuyện học hành do điều kiện quá khốn khó của các cháu chắc chắn sẽ thuộc về trách nhiệm của chúng ta. Lãnh đạo tỉnh nhất quán chủ trương: Không để bất kỳ HS, SV nào vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học. Chủ trương xuyên suốt này, chắc chắn là một trách nhiệm gánh vác trong mỗi chúng ta lại càng nặng nề hơn. Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng xã hội, các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân tiếp tục được chứng kiến nhiều hơn nữa những nghĩa cử cao đẹp. Để kéo giảm tình trạng HS lưu ban, bỏ học; để thúc đẩy sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ngày càng khởi sắc...”.
HS vùng lũ đầu nguồn huyện An Phú, An Giang đến trường |
Chăm lo học sinh vùng lũ đầu nguồn
Những ngày này ở các địa phương vùng đầu nguồn ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, nước lũ đã về và bắt đầu tràn đồng. Hiện nay mực nước lũ thấp hơn so với năm trước do đó trong những ngày đầu nhập học các em HS vùng lũ đến trường đỡ vất vả hơn. Để giúp HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến trường, nhiều địa phương vùng lũ đã tiếp sức các em bằng nhiều suất học bổng và hiện vật như tập, sách, bút, quần áo... Đặc biệt công tác chăm lo, tu sửa trường lớp trong hè được thực hiện từ rất sớm và việc vận động HS ra lớp được triển khai rốt ráo.
Ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết, HS cấp TH và THCS bắt đầu vào trường tập trung từ ngày 5/8. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp được làm tốt trong hè nên đầu năm đảm bảo điều kiện thuận lợi để các trường tiến hành dạy, học. “Hiện tại huyện có 31 nhóm trẻ cộng đồng đang hoạt động với số lượng khoảng 416 trẻ. Đây là những nhóm được tổ chức để giữ trẻ không bị đuối nước khi mùa lũ.
Tuy nhiên do phát huy hiệu quả, phụ huynh tìm đến gửi con em để yên tâm làm ăn nên nhóm trẻ này được duy trì từ mùa lũ năm trước đến nay. Vào lúc cao điểm là mùa lũ số trẻ tăng lên. Qua lũ, số trẻ có giảm nhưng giảm rất ít. Vùng quê đa số phụ huynh làm nghề nông nên có chỗ gửi con em họ rất yên tâm và ủng hộ nhiệt tình…”, ông Trí cho biết thêm.
Năm học 2013 - 2014, Đồng Tháp quyết tâm vận động HS ra lớp đối với trẻ trong tỷ lệ nhà trẻ đạt tỷ lệ 18%, MG 3 - 5 tuổi 80%, MG 5 tuổi trên 99%; huy động HS trong độ tuổi TH ra lớp 99,8%, THCS 98,5%, THPT 98%. Theo thống kê, năm học 2013 -2014, ngành GD Đồng Tháp đầu tư xây dựng mới kiên cố 405 phòng học, 310 phòng chức năng và các hạng mục phụ cho 60 điểm trường học các cấp với tổng kinh phí trên 217 tỉ đồng từ các nguồn vốn.
Theo ông Võ Văn Dũng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT An Giang cho hay, hiện nay ở địa phương đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu, Châu Đốc… nước lũ đang về nhưng vẫn chưa nhiều, so với mọi năm nước lũ thấp hơn. Từ ngày 12/8, HS đã tựu trường, thực hiện theo khung kế hoạch thời gian năm học của tỉnh. Có sự chăm lo của ngành GD và các ban ngành nên năm học mới có nhiều thuận lợi và ổn định. Theo đó thời gian thực học của cấp TH, THCS, THPT sẽ bắt đầu từ ngày 19/8/2013, cấp MN từ ngày 26/8/2013 và lễ khai giảng năm học mới 2013 – 2014 sẽ diễn ra đồng loạt ở các cấp học vào sáng ngày 5/9/2013.
Ở huyện đầu nguồn An Phú, An Giang năm học mới 2013 - 2014 có khoảng 31 ngàn HS từ cấp MN đến THCS đến trường. Hiện nay huyện có 32 trường với 1.017 phòng học. Từ đầu hè huyện đã tập trung nguồn lực để sửa chữa trường lớp, bàn ghế và cơ sở vật chất. Theo báo cáo, mỗi đơn vị đầu tư khoảng 50 triệu đồng cho việc tu sửa trường lớp, cơ sở vật chất… Xã biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang năm học mới 2013 -2014 sẽ đón 3.315 HS các cấp đến trường.
Đây là xã vùng biên, giáp với Campuchia nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm nay xã có nhiều giải pháp để vận động HS ra lớp cũng như giúp đỡ HS hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Theo đó Hội Khuyến học xã lập danh sách HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện học tập. Địa phương thường xuyên cập nhật danh sách HS có nguy cơ bỏ học, tìm hiểu nguyên nhân hoàn cảnh gia đình và cung cấp thông tin kịp thời cho ban ngành, đoàn thể xã vận động HS trở lại lớp. Các trường còn tiến hành gửi giấy báo nhập học, thông báo lịch ôn tập và thi lại đến gia đình những HS chưa đủ điều kiện lên lớp...
Nguyễn Quốc Ngữ